Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng
A Lưới là huyện có nhiều CBCC người đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có những đặc thù riêng.
Nhờ linh hoạt trong lãnh, chỉ đạo và chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan, không ít CBCC ở đây được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Bí thư Huyện ủy A Lưới Nguyễn Thị Sửu cho biết, không chỉ CBCC nằm trong quy hoạch được cử đi đào tạo mà nhiều cán bộ khác cũng đã tự túc đăng ký tham gia các lớp nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho mình. Huyện thường phối hợp với Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh mở các lớp chuyên viên cho đội ngũ cán bộ cơ sở các xã, thị trấn và một số cán bộ là chuyên viên của các phòng, ban cấp huyện...
Để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ CBCC, Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Điền tạo điều kiện để đội ngũ CBCC được đào tạo, bồi dưỡng các lớp chuyên môn; chú trọng công tác luân chuyển cán bộ để đào tạo từ chính thực tế ở cơ sở.
“Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Điền đã đưa nhiều cán bộ trẻ về cơ sở để giữ những cương vị quan trọng như bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã. Mục đích là nhằm đào tạo, thử thách, đánh giá năng lực; từ đó, tạo nguồn cán bộ chủ chốt cho huyện”, Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy Quảng Điền Lê Ngọc Đức thông tin.
Thực tế hiện nay cho thấy, tỷ lệ CBCC có trình độ, năng lực nghiệp vụ từ tỉnh đến cơ sở không ngừng tăng lên so với giai đoạn trước. Nhiều CBCC tích cực, chịu khó tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ công tác. Điều đó đã tác động tích cực đến khả năng triển khai thực hiện và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại cơ sở; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh.
Ông Huỳnh Công Quảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, ngoài đào tạo chuyên môn từ trình độ tiến sĩ, thạc sĩ và đại học, năm 2020, có 1.287 cán bộ cấp tỉnh, huyện và xã được đạo tạo về chính trị từ trung cấp đến cao cấp. Quý I/2021, ban tổ chức cấp ủy các cấp đã tham mưu cấp ủy cử 345 CBCC đi đào tạo, bồi dưỡng các lớp chuyên môn, nghiệp vụ. Đây là điều kiện thuận lợi để đội ngũ CBCC từ tỉnh đến cơ sở, nhất là cấp xã, phường, thị trấn không ngừng phát triển về chất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác.
Cần đổi mới quy trình xác định nhu cầu đào tạo
Mặc dù công tác đào tạo, nâng cao trình độ CBCC thời gian qua đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể thì công tác này vẫn còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế.
Thực tế cho thấy, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị chưa chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCC dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu trong đào tạo, bồi dưỡng. Một số cơ quan, đơn vị cử CBCC đi đào tạo, bồi dưỡng thiếu các điều kiện, tiêu chuẩn, không đúng quy định, không có sự phân kỳ rõ ràng theo chức vụ, chức danh quy hoạch.
“Đào tạo, bồi dưỡng CBCC phải gắn với việc cải cách hành chính, cải cách công vụ; kết hợp hài hòa giữa đào tạo và bồi dưỡng, nhằm tránh trùng lặp về nội dung chương trình, kiến thức và phải gắn với vị trí việc làm, đặc thù ngành nghề, lĩnh vực, địa phương”, ông Phan Lương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh đề xuất.
Nhiều bài học đã được ban tổ chức cấp ủy các cấp đúc rút trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; trong đó, cốt lõi là cần đổi mới quy trình xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng CBCC.
“Cần lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cụ thể cho từng đối tượng CBCC theo quy hoạch của từng thời gian, từng giai đoạn. Trong quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch CBCC phải vận dụng và thực hiện tốt quy chế về công tác cán bộ, nhất là quy chế về đánh giá, tuyển chọn, sử dụng, đề bạt, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu”, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phan Xuân Toàn chia sẻ.
“Thời điểm này, khi các cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành trong toàn tỉnh đã và đang thực hiện các Nghị quyết để sớm xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì việc nâng cao trình độ đội ngũ CBCC đảm bảo đủ năng lực, kinh nghiệm trong công tác lãnh, chỉ đạo điều hành là vấn đề hết sức quan trọng. Mỗi CBCC, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm học và tự học để không ngừng nâng cao kiến thức về mọi mặt, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu khẳng định.
Theo thống kê của Sở Nội vụ, đội ngũ CBCC cấp xã, phường, thị trấn hiện nay trong toàn tỉnh là 3.393 người. Trong đó, đảng viên 3.071 người (chiếm tỷ lệ 90,5%); 100% CBCC có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên, riêng trình độ đại học là 2.507 người (chiếm tỷ lệ 73,88%); trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên có 2.364 người (đạt 69,67%)...
Bài, ảnh: Anh Phong
https://baothuathienhue.vn/dao-tao-nang-cao-trinh-do-can-bo-cong-chuc-tu-thuc-tien-co-so-a100590.html