Người dân đồng lòng
Hơn 500 hộ dân “sống mòn” trong Thượng Thành, khu vực 1 di tích kinh thành Huế, mưu sinh bằng việc đạp xích lô, bán vé số, hàng rong... trong năm nay sẽ được chuyển đến nơi ở mới khang trang, có đầy đủ tiện nghi với những điều kiện tốt nhất. Với họ, đây là niềm hạnh phúc vô bờ mà ngay cả trong giấc mơ họ cũng chưa từng nghĩ tới.
Bà Hà Thị Nở (62 tuổi, phường Thuận Thành, TP Huế) sống trong ngôi nhà dột nát, rộng chưa đầy 20m2 với 5 nhân khẩu gần 40 năm qua tâm sự: “Những ngày này, gia đình tôi cũng như các hộ dân ở đây đang tất bật hạ giải nhà cửa, vận chuyển đồ đạc đến nơi ở mới, trả lại mặt bằng cho chính quyền để thực hiện dự án bảo tồn, trùng tu, tôn tạo lại di tích Kinh thành Huế. Dù có chút tiếc nuối nhưng cũng mừng, vì đến đó nhà cửa sẽ khang trang, điều kiện sống cũng tốt hơn cho con cháu sau này”.
Còn với ông Lê Văn Thành (87 tuổi, trú tại phường Thuận Lộc) cho biết, gia đình ông đã ở đây suốt hơn 35 năm qua, nay được cấp lô đất hơn 100m2 để xây nhà tại khu tái định cư Hương Sơ khiến ông mừng vui khôn xiết. Mừng vì không lâu nữa gia đình ông sẽ có một nơi ở mới tốt hơn, chấm dứt cảnh sống bám nhờ di tích. Chuyển đến nơi ở mới, không chỉ chấm dứt những năm tháng sống chật hẹp trên Thượng Thành, mà còn mở ra một tương lai tươi sáng cho các thế hệ tiếp theo của gia đình ông.
“Từ hôm ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đi xem đất mà gia đình được nhận tại khu tái định cư Hương Sơ để xây nhà, mà lòng vui mừng không tả nổi. Đến giờ này bản thân mình vẫn ngỡ là mơ vì khu tái định đầu tư cơ sở hạ tầng rất tốt, có cả trường mầm non cho trẻ học tập… thật lòng mà nói đến cái tuổi này cũng không dám nghĩ có ngày mình được ở nhà mới”- ông Thành chia sẻ.
Theo bà Phan Thị Cúc- Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc, trong số 575 hộ dân ở Thượng Thành và Eo Bầu di dời, trả mặt bằng cho di tích trong đợt đầu tiên, Thuận Lộc là phường có số hộ đông nhất, gồm 134 hộ chính và 129 hộ phụ.
“Tất cả người dân trong diện di dời trên địa bàn phường đều đồng lòng, thống nhất chủ trương cũng như các khung chính sách bồi thường, hỗ trợ cho người dân mà chính quyền đề ra”- bà Cúc nói thêm.
Tất cả vì dân
Đến lúc này, hàng trăm hộ dân đang sinh sống trên Thượng Thành đang trong tâm thế “đếm ngược” từng ngày để được chuyển đến nơi ở mới khang trang và tốt đẹp hơn.
Ông Phan Anh Tuấn- Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế cho biết, theo kế hoạch, đợt 1 trong năm 2020 này địa phương sẽ tiến hành bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho 575 hộ dân ở Thượng Thành (242 hộ chính và 333 hộ phụ) với kinh phí 118 tỷ đồng. TP Huế đang thực hiện chi trả tiền bồi thường cho 445 hộ và đã có 365 hộ nhận tiền đầy đủ. Trong số 575 hộ di dời đợt này, có 29 hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn không có khả năng xây dựng nhà ở khi đến nơi ở mới, trong đó 26 hộ sẽ được tỉnh hỗ trợ nhà ở theo hình thức “chìa khóa trao tay”, 3 hộ cam kết tự xây dựng nhà.
Bên cạnh đó, thành phố Huế còn hỗ trợ các hộ di chuyển bàn giao mặt bằng tiền tạm cư mỗi hộ ít nhất 2 triệu đồng/tháng để thuê nhà trọ trong thời gian chờ đợi các thủ tục giao đất làm nhà.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Quốc hội, Chính phủ, UBND tỉnh và chính quyền địa phương với mong muốn mang lại cho người dân khu vực Thượng Thành những chính sách tốt nhất sau khi di dời đến nơi ở mới.
Ông Thọ cũng cam kết sẽ không có người dân nghèo nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc di dân này. “Chính quyền cố gắng làm những điều trọn vẹn nhất, trách nhiệm nhất với bà con, sẽ cố gắng hết sức để bà con được đến một nơi ở mới hiện đại, tiện nghi, đảm bảo “xanh - sạch - sáng”- ông Thọ nói.
Mặt trận là nhân tố quan trọng trong cuộc di dân
Một trong những nhân tố quan trọng trong cuộc di dân lịch sử phải kể đến vai trò của Mặt trận các cấp trong việc tuyên truyền, vận động đến người dân nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Theo ông Hoàng Việt Thắng- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Huế, trong đợt di dân lần này có 29 hộ thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, đối với những hộ này, Mặt trận thành phố Huế đã hỗ trợ mỗi hộ 40 triệu đồng để xây dựng nhà khi đến nơi ở mới. Ngoài ra, Mặt trận thành phố Huế còn tham gia giám sát việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với các hộ thuộc diện giải tỏa; huy động nguồn lực hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo trong Dự án di dời giải tỏa ở khu vực I Kinh thành Huế.
Đánh giá cao sự đóng góp của MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng thuộc khu vực 1 di tích Kinh thành Huế là cuộc di dân lịch sử. Để làm được việc này cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của tỉnh, trong đó MTTQ Việt Nam tỉnh là một trong những nhân tố tích cực quan trọng để thực hiện cuộc di dân này.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, thời gian qua, MTTQ các cấp đã tích cực tuyên truyền, phổ biến đến người dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con, tạo sự đồng thuận trong vấn đề di dân. Bên cạnh đó, MTTQ còn tham gia giám sát việc thực hiện chính sách bồi thường đảm bảo công khai minh bạch, vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng để được thưởng theo theo quy định của Nhà nước với các mức từ 4-10,5 triệu đồng. Ngoài ra, Mặt trận còn kịp thời động viên bà con, tạo sự đồng thuận trong xã hội, hỗ trợ thiết thực cho bà con khi đến nơi ở mới.
Hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo tỉnh về xóa nhà tạm, giúp đỡ cho hộ nghèo thuộc dự án di dời dân cư, MTTQ tỉnh đã tích cực vận động, kêu gọi và tiếp nhận sự ủng hộ từ các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cá nhân giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc di dân này. Hiện đã có 25 hộ nghèo tiến hành xây nhà với số tiền 200 triệu đồng/nhà. Đây là số tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ nghèo và các nguồn đóng góp thông qua UBMTTQ Việt Nam tỉnh cũng như các nhà hảo tâm, tài trợ.
“Những việc làm của MTTQ các cấp trong thời gian qua là rất quan trọng và đáng ghi nhận, góp phần tích cực vào thành công trong cuộc di dân lần này”- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế khẳng định.