Sự uể oải gần như tan biến sau gần giờ đồng hồ từ TP. Huế về Lăng Cô bởi không khí mát mẻ pha chút hanh nắng trải khắp mọi ngõ ngách nơi này. Nhìn đầm Lập An nằm cạnh thật huyền ảo tựa như nàng tiên đang ngủ say. Anh Trịnh Cao Phong, cán bộ Văn phòng thị trấn Lăng Cô chia sẻ, chưa có khi nào điểm hẹn du lịch biển tầm Quốc tế ở Lăng Cô lại yên ắng như những ngày này. Tất cả đều do ảnh hưởng COVID -19. Từ sáng 27/3, theo chỉ đạo cấp trên, thị trấn Lăng Cô gửi công văn chỉ đạo hơn 40 khách sạn, nhà nghỉ ở đây tạm ngừng đóng cửa. Trước đó, nhiều khu vui chơi, nhà hàng, quán ăn dọc QL1A và trục ven đầm Lập An được mệnh danh "thánh đường" hải sản cũng ngừng đón khách. Những danh thắng bên những cung đường phía bắc đèo Hải Vân không một bóng dáng khách dừng chân thư giãn, ghi hình...
Các nhà hàng bên đầm Lập An-Lăng Cô đã đóng cửa
Gặp anh bạn là người quản lý khách sạn ở đây trong dịp này. Rỗi rãi anh mời chúng tôi ra trước hiên nhà uống cà phê nhưng vẻ mặt rầu rĩ. Những chuyện của anh bên ly cà phê đều xoay quanh COVID -19. Anh chia sẻ, mấy năm trước thời điểm này khách các nơi đã đặt phòng gần như kín chỗ. Hai ô tô thường ngày vận chuyển khách du lịch đi tỉnh này, tỉnh kia không có thời gian nghỉ nhưng hiện đã trùm chăn cả tháng nay. Nghe anh than vãn chuyện kinh doanh du lịch mùa COVID -19, chúng tôi cảm nhận mọi thứ nơi đây như đang trĩu nặng và thầm nghĩ một con vi rút trời ơi đất hỡi nhỏ xiu xíu mà làm đảo lộn tất thảy mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Không chỉ riêng ở khách sạn của bạn mà cả vùng đất du lịch Lăng Cô đang trong trạng thái "sấp ngửa" nhưng cũng bắt đầu hé câu chuyện tính bài thoát dịch trong làm ăn đang được đặt ra.
Đại diện các ban ngành chức năng địa phương hỗ trợ thông tin giúp người dân hưởng ứng tinh thần
chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong phòng chống COVID-19 hiện nay
Lác đác một vài ô tô qua địa bàn Lăng Cô. Đây thời điểm chúng tôi đến thăm trụ sở thị trấn Lăng Cô. Bất chợt nhớ lại hôm nay vào dịp cuối tuần thế mà nhưng nhiều phòng làm việc vẫn mở cửa, sáng đèn. Qua thông tin từ nhân viên văn phòng được biết, nhiều cán bộ đoàn thể cùng lãnh đạo thị trấn Lăng Cô vừa rời phòng đi kiểm tra các cơ sở, hàng quán trên địa bàn theo tinh thần "15 ngày ngồi yên tại chỗ để tuyên chiến với COVID-19" mà Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo tỉnh chỉ đạo.
Bộ đội Biên phòng Lăng Cô phối hợp phát khẩu trang miễn phí cho người dân
Kết nối điện thoại, anh Dương Đăng Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô trả lời: "Có việc phải lo, dịch giã ngồi ở nhà không yên anh ơi. Ngày mô cũng bám sát sự chỉ đạo của cấp trên để cùng dân phòng COVID-19". Anh Dương chia sẻ, từ ngày 21/3 khi lệnh trên chỉ đạo huy động lực lượng, như y tế, công an, bộ đội thanh tra giao thông lập chốt tại Trạm Trung chuyển xe máy phía bắc hầm Hải Vân để kiểm tra sức khỏe trước khi "nhập cảnh" vào Thừa Thiên Huế. Từ thời điểm này, ở Lăng Cô cũng dồn sức phòng dịch COVID-19 mạnh mẽ, thiết thực hơn không chỉ thông qua truyền thông loa đài, băng rôn, biểu ngữ mà cán bộ ban ngành chức năng sở tại lên kế hoạch giám sát cộng đồng, "đi từng ngõ gõ từng nhà" vận động người dân phòng ngừa. Bất chấp thời tiết nắng nóng cán bộ phòng ban, đại diện tổ dân phố, bộ đội biên phòng ở địa phương đã gần dân, chia sẻ các thông tin nguy hiểm của dịch COVID-19; đồng thời còn giúp người dân theo dõi, kiểm tra, phát hiện các triệu chứng nghi ngờ phải kịp thời báo đến ban ngành chức năng xử lý. Những hoạt động tích trên của đội ngũ cán bộ ban ngành địa phương, người dân Lăng Cô đã nhận thức rõ về COVID-19 và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, như ra đường đeo khẩu trang, không tụ họp ăn uống đông người, thường xuyên rửa tay sát khuẩn, vệ sinh đồ dùng cá nhân, nhà cửa và dừng tổ chức lễ hội cưới hỏi... vì sức khỏe đặt lên hàng đầu.
Lực lượng chức năng địa phương vận động khách qua địa bàn Lăng Cô và khai báo y tế, lịch sử hành trình đi lại
Khi hỏi các biện pháp phòng dịch đang triển khai thời điểm hiện nay, ông Hà Văn Bốn (TDP Đồng Dương), Lăng Cô cười: “Tôi cho rằng đây là biện pháp rất tốt và kịp thời. Ngay việc đeo khẩu trang khi ra đường sẽ giúp bảo vệ được sức khoẻ cho tôi và những người khác trong cộng đồng. Tôi luôn tuân thủ quy định này”.
Cùng hành với cuộc chiến phòng dịch COVID-19, thời điểm ở Lăng Cô xuất hiện tấm lòng "lá lành đùm lá rách". Dịp này, chúng tôi nghe nhiều trường hợp đi vận động các tổ chức, nhà hảo tâm để hỗ trợ cho những người lao động nghèo, thất nghiệp trong mùa COVID-19, như gạo mì tôm, đường sữa; trong đó phát khẩu trang miễn phí cho người dân, nhất là người cao tuổi.
Trưa 29/3, chúng tôi chứng kiến chị Lê Thị Hà, trú tại TDP Hói Dừa làm nghề buôn bán tại chợ Lăng Cô tổ chức phát miễn phí gần 5 nghìn chiếc khẩu trang cho người dân. Trước đó khi dịch COVID -19 xuất hiện ở Thừa Thiên Huế gia đình chị Hà mua 2 tấn gạo hỗ trợ đến tận tay 200 trường hợp lao động nghèo khó ở địa phương. Tôi hỏi xuất phát từ đâu chị lại có nghĩa cử cao đẹp đến thế, chị Hà cười: "Có gì hạnh phúc hơn khi được trao gửi và chia sẻ một ít vật chất đến những hoàn cảnh đang khó khăn hơn mình. Hoạt động này không phải hôm nay mà nhiều năm nay gia đình chị đã làm vậy". Chúng tôi nể phục từ lời nói đến việc làm của chị Hà-một con người đang còn lo cơm áo gạo tiền hàng ngày ở khu chợ nhỏ nhưng có tấm lòng bao dung, chia sẻ đến mọi người. Tinh thần ấy nếu hợp sức thì COVID-19 chẳng đáng gì phải ngại...