Đối với Người và ở Người, nhà cách mạng và nhà báo thống nhất và xuyên thấm làm một. Duyên nợ của Người với báo chí là mục đích của cuộc cách mạng - do Đảng lãnh đạo mà Người là lãnh tụ - cởi ách nô lệ cho dân tộc, xây dựng cuộc sống tự do, hạnh phúc cho toàn Dân, xây dựng đất nước độc lập, thống nhất, dân chủ và phú cường.
Và dưới sự dẫn dắt của Người, trong mọi hoàn cảnh và điều kiện, công tác báo chí là một bộ phận hợp thành chỉnh thể hữu cơ sự nghiệp cách mạng của Đảng và báo chí là một mặt trận “tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo cách mạng” hết sức quan trọng.
*
* *
Ngày 21/6/1925, tròn 95 năm trước, bằng kỳ công của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tờ Thanh Niên, đứa con nòi của nền báo chí cách mạng Việt Nam ra đời, đã khai sinh nền báo chí cách mạng nước nhà. Và cách đây hơn 90 năm, tại Hội nghị thành lập Đảng (họp từ ngày 3 đến ngày 7/2/1930), dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, cùng với thông qua các văn kiện quan trọng, Hội nghị quyết định: “Ban Trung ương có thể xuất bản một tạp chí lý luận và ba tờ báo tuyên truyền”.
Ngay từ thuở cách mạng trứng nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh ý thức rõ ràng, báo chí là một mặt trận để “tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo cách mạng”; ngay từ lúc vừa khai sinh, Đảng ta đã bắt tay ngay vào việc xây dựng và phát triển một nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Là con đẻ của phong trào cách mạng, chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng lý luận, báo chí cách mạng được Đảng tin cậy trao cho sứ mệnh là người đi tiên phong bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, với chủ đề trung tâm và quán xuyến toàn bộ hoạt động là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là mục tiêu hoạt động, là tiêu chí quy định chức năng, nhiệm vụ, đồng thời, là sự nghiệp trọng đại thử thách bản lĩnh, là môi trường phát triển, là thước đo phẩm giá và hiệu quả của nền báo chí nước nhà.
Cùng dân tộc, báo chí càng phát triển lại càng hội tụ và thống nhất hữu cơ với sự nghiệp cách mạng. Bởi, “chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Đối với một vấn đề, mọi người bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó, quyền tự do tư tưởng hoá ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho Nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân tức là không phải chân lý”. Nền báo chí cách mạng đã và đang phấn đấu suốt 95 năm qua phụng sự chân lý đó, và ngày càng xứng đáng là người tuyên truyền tập thể, người cổ động tập thể, người tổ chức tập thể.
Qua 95 năm, hiện nay cả nước có trên 982 cơ quan báo chí với gần 1.500 ấn phẩm báo chí các loại hình, với đội ngũ trên 19.000 người được cấp thẻ nhà báo. Có thể nói, chưa bao giờ như hiện nay, tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, của các tổ chức chính trị - xã hội mà báo chí nước ta lãnh nhiệm; diễn đàn của nhân dân lao động nước ta mà báo chí gánh vác lại hùng hậu và rộng khắp về quy mô, đa dạng và phong phú về loại hình, mạnh mẽ về tốc độ phát triển và đa dạng về hình thức như vậy.
Tất cả tạo nên gương mặt, chất lượng và xu thế phát triển của nền báo chí nước nhà.
*
* *
Theo yêu cầu phát triển của đất nước, chúng ta không ngừng chăm lo và xây dựng nền báo chí Việt Nam có tính tư tưởng cao, tính chân thật mẫu mực, tính nhân dân sâu sắc, tính chiến đấu mạnh mẽ, tính đa dạng sinh động và tính hiện đại không ngừng, hội nhập đời sống báo chí quốc tế.
Giữ vững định hướng chính trị tư tưởng cho báo chí, hướng báo chí tự ý thức, tự giác ngộ về điều đó, không ngừng cổ vũ và bảo đảm cho báo chí phát hiện và góp phần đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, giữ vững ổn định chính trị - xã hội đất nước càng trở thành nhiệm vụ cấp bách, nặng nề. Lúc này, nhiệm vụ tham gia cuộc đấu tranh tư tưởng của báo chí càng có ý nghĩa vẻ vang, lời chỉ dẫn của Bác Hồ càng đặc biệt có giá trị: “Phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên, các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”.
Tính chân thật là đặc trưng của báo chí, hơn nữa là yêu cầu sống còn của nền báo chí chúng ta. Bác Hồ nói: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết chớ nói, chớ viết càn”; “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”. Mục đích hoạt động của nền báo chí cách mạng là vì Nhân dân. Bác nói: “Càng ngày báo chí chúng ta càng được Nhân dân tin yêu, kẻ địch chú ý”. Điều đó càng đòi hỏi báo chí gìn giữ tính chân thật như gìn giữ danh dự và uy tín thiêng liêng nhất.
Bản thân tính tư tưởng, tính chân thật của báo chí nước nhà đã mang trong nó một cách tự nhiên tính Nhân dân sâu sắc. Bác Hồ nói : “Một tờ báo không được đại đa số (dân chúng) ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo”. Báo chí thật sự xứng đáng là diễn đàn của Nhân dân, không chỉ là nơi Nhân dân nói mà còn phải là nơi nói tiếng nói phụng sự Nhân dân, phục vụ cách mạng. Bác Hồ lại nói: “Không riêng gì viết sách, viết báo, mà công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của Nhân dân”. Do đó, báo chí tiếp tục vun đắp cho mình niềm tin bất diệt về sự tốt đẹp và vĩ đại của Nhân dân, sức mạnh làm nên lịch sử của Nhân dân, với tình yêu cao cả Nhân dân.
Trong bức điện gửi Hội Nhà báo Á Phi, ngày 24/4/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết : “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng...”. Tâm sự với các nhà báo nước ta, Người căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén...”, “ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”, “cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”. Đó là thước đo bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân được thể hiện tập trung ở việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp của mỗi người cầm bút; thước đo tính chính trị, trình độ phát triển, khả năng tổ chức của cả hệ thống báo chí, vì công cuộc đổi mới.
Là tấm gương phản chiếu xã hội, là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, của các tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của Nhân dân, nền báo chí chúng ta mang trong nó tính đa dạng bản sắc không ngừng phát triển trong tính thống nhất của hệ giá trị báo chí Việt Nam. Hạ thấp tính đa dạng của báo chí cũng đồng nghĩa với sự cản trở tiến trình phát triển tất yếu của nó; và ngược lại, thổi phồng quá mức tính thống nhất thì lại là sự khô cứng hoá, khuôn hoá đời sống của nền báo chí nước nhà. Rốt cuộc, cả hai thái cực đều tai hại như nhau.
Ngày nay, báo chí càng chính là chiếc cầu nối kết sự giao tế giữa các quốc gia. Bác Hồ nói: “Báo của ta có một địa vị quan trọng trong dư luận thế giới, cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết”. Đó là con đường hội nhập và phát triển của nền báo chí nước nhà.
*
* *
Tự lãnh nhiệm về mình sứ mệnh cao cả là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, của các tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của Nhân dân, báo chí Việt Nam thừa nhận, yêu cầu và đồng thời coi là nhu cầu tất yếu sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, sự tín nhiệm, giám sát của Nhân dân đối với báo chí. Bạn đọc đông đảo góp ý kiến phê bình, thậm chí tẩy chay những tờ báo, những người làm báo vi phạm đạo đức và xa lạ với Nhân dân. Theo đó, nhà báo - công dân, và toàn bộ hệ thống báo chí, thực hiện tự do nhất trách nhiệm xã hội và trách nhiệm nghề nghiệp của mình.
Đảng ta không ngừng tạo dựng tất cả những điều kiện cho phép và trong khả năng có thể, vì sự lớn mạnh của nền báo chí. Mỗi bước trưởng thành của Đảng, của Nhà nước ta là mỗi bước nâng nền báo chí lên một vị thế và tầm cao mới; và mỗi bước phát triển của báo chí càng là tấm gương phản chiếu sự trưởng thành của đất nước, của Đảng, của chế độ; là động lực mạnh mẽ và quan trọng thúc đẩy sự phát triển trình độ dân chủ của xã hội, góp phần làm cho Đảng và Nhà nước ta vươn lên ngang tầm nhiệm vụ cách mạng.
Để nền báo chí giữ vững tôn chỉ, mục đích, thực hiện trọn vẹn sứ mệnh cao cả của mình và phát triển một cách toàn diện, lời chỉ dẫn của Bác Hồ càng có ý nghĩa đặc biệt: “Bất kỳ người lãnh đạo nào nếu không học nổi những việc thiết thực, những người thiết thực và những bộ phận thiết thực ở cấp dưới, thì nhất định không biết chỉ đạo chúng”. Và, đồng thời cần: kiến tạo hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý báo chí; xây dựng hành lang pháp lý phù hợp và hiệu quả bảo đảm cho hệ thống đó vận hành; và hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát phù hợp theo luật pháp. Nền báo chí chúng ta chỉ có thể phát triển và phát huy sức mạnh đầy đủ và bền vững, khi các vấn đề trên được bổ sung, hoàn thiện một cách hợp lý, kịp thời và đồng bộ.
*
* *
Tổng hoà toàn bộ những nhân tố đó mà xây dựng và hoàn thiện một hệ giá trị, làm cho nó lan toả và thấm sâu trong đời sống của nền báo chí, tiếp tục đổi mới diện mạo, cốt cách và bản lĩnh của báo chí nước nhà. Đó là hành động thiết thực nhất để không phụ sự tin cậy, uỷ thác của Bác Hồ, không phụ mối “duyên nợ với báo chí” của Người, xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam vững mạnh, xứng đáng là cuốn biên niên sử công cuộc đổi mới, vì chủ nghĩa xã hội và hạnh phúc của Nhân dân.
Nhà báo.TS Nhị Lê