Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên cả nước, đến nay đã có 20 tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16 và 16+. Theo đó, người dân được yêu cầu ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác. Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng…
Tuy nhiên, sau một số ngày thực hiện Chỉ thị 16, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh phần lớn các địa phương và người dân thực hiện nghiêm túc với mong muốn nhanh chóng kiểm soát tiến tới dập được dịch thì còn một số thực hiện chưa nghiêm, nhất là tại một số nơi người dân vẫn còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước diễn biến dịch bệnh, dẫn đến chưa đáp ứng được yêu cầu so với tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh.
Bên cạnh đó vẫn còn tình trạng một số dịch vụ không thiết yếu vẫn hoạt động; một số chợ dân sinh còn hoạt động thiếu kiểm soát; có điểm lấy mẫu xét nghiệm chưa thực hiện nghiêm giữ khoảng cách. Công tác chuyên môn chống dịch về tổ chức truy vết, xét nghiệm, triển khai Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, cách ly, giám sát, điều trị, hậu cần... chưa đáp ứng được so với tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh…
Tại buổi họp tối 25/7, sau 16 ngày thực hiện Chỉ thị 16 tại TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên bộc bạch: “Tình hình phức tạp càng kéo dài càng làm căng thẳng cả hệ thống chính trị và hệ thống y tế, làm tất cả chúng ta bị xuống sức… Đã có lúc có nơi không thực hiện nghiêm làm ảnh hưởng đến hiệu quả phòng chống dịch”. Mục tiêu tối thượng là bảo vệ tính mạng con người, giảm tử vong… nhưng 16 ngày qua dù làm được nhiều việc, cứu được nhiều người, nhưng cũng có những người chưa được cứu kịp thời…
Trong khi đó, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm trên khắp thế giới đang cảnh báo tốc độ và quy mô của đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 mới nhất ở Indonesia - tâm dịch của châu Á, có khả năng tạo ra một siêu biến chủng mới thậm chí còn dễ lây nhiễm và nguy hiểm hơn biến chủng Delta.
Tại nhiều cuộc họp gần đây, nhất là tại Hội nghị trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với 21 tỉnh, thành phố phía Nam và Nam Trung Bộ đang có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu, phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm túc, không để xảy ra trường hợp "chặt ngoài, lỏng trong". Và phải khắc phục bằng được những hạn chế, thực hiện nghiêm, triệt để, chặt chẽ hơn các yêu cầu về phòng, chống dịch để người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh nhiều lần rằng: “Tình hình mới phải có cách tiếp cận mới, nhiệm vụ mới, giải pháp mới để triển khai mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn”. Và phải biết tận dụng “thời gian vàng”. Trong Chỉ thị thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như yêu cầu của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã rất nhiều lần nhấn mạnh đến tận dụng thời gian vàng, cụ thể là “giờ vàng, ngày vàng, tuần vàng” để dập dịch nhanh nhất, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra.
Đáng chú ý, làm việc với Bệnh viện 175 vào sáng 27/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu rõ: Hiện nay ở TP. Hồ Chí Minh và một phần Long An, Đồng Nai, Bình Dương... dịch đã ngấm rất rộng và rất sâu nên cần những giải pháp rất đặc biệt. Tính cấp bách hiện nay không tính bằng ngày, bằng tuần mà phải chạy đua tính bằng giờ, bằng phút với những “Nỗ lực tới cùng” như khẩu hiệu trước phòng cấp cứu ở các bệnh viện điều trị COVID-19.
Trong bối cảnh chưa có đủ vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng, ưu tiên trên hết là việc bảo vệ tính mạng và sức khỏe nhân dân cũng như bảo đảm hệ thống y tế không bị quá tải. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cảnh báo một nền y tế như Việt Nam mà có nhiều F0 như các nước thì không thể đáp ứng được tối đa công tác điều trị. Do đó, chúng ta phải khắc khổ trong một thời gian. "Nếu chúng ta dễ dãi, sẽ tổn thất…", Phó Thủ tướng nói.
Rõ ràng, việc áp dụng Chỉ thị 16 cũng như 16 + sẽ không có kết quả nếu không làm thực chất. Để tận dụng khoảng "thời gian vàng", cùng với việc nghiên cứu phương án hợp lý, linh hoạt với đặc điểm kinh tế - xã hội; nhanh chóng phát hiện ổ dịch, sau đó hình thành các vùng an toàn; các địa phương cần bảo đảm kịp thời, đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất cho phòng, chống dịch nhưng phải sát thực tế, không lãng phí, chồng chéo.
Quan trọng hơn cả, với phương châm phân công nhiệm vụ rõ, nghiêm, triệt để, “làm đâu chắc đấy”, tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và đặc biệt là mỗi người dân phải cùng nhau thực hiện nghiêm túc quy định. Trách nhiệm của chính quyền, nghĩa vụ của người dân phải rõ ràng, minh bạch và cùng hướng về tuyến đầu chống dịch. Và phải xử lý thật nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Bởi Việt Nam có sớm chặn được dịch hay không, phụ thuộc lớn vào sự vào cuộc, ý thức của mỗi một người dân./.
Thu Hà