Theo tính toán dựa trên quy mô dư nợ hiện tại, nếu như sự “đồng thuận” này được đồng loạt các ngân hàng hiện thực hóa, mức lãi suất cho vay dự kiến sẽ giảm từ 0,5% - 2,5% tuỳ từng ngân hàng thương mại và mức giảm trung bình sẽ vào khoảng 1%/năm. Điều này đồng nghĩa với việc lợi nhuận của hầu hết các ngân hàng thương mại ước tính có thể sẽ giảm đến hàng nghìn tỷ đồng so kế hoạch đề ra. Nếu quả thực điều đó xảy ra, đó thật sự là một sự chia sẻ lợi nhuận của ngành ngân hàng với nền kinh tế, cụ thể là với các doanh nghiệp khó khăn.
Điều đó thể hiện trách nhiệm xã hội của ngành ngân hàng trong đại dịch.
Thế nhưng, nếu để sự “đồng thuận” này tự vận động thì "viễn cảnh" nêu trên là một lý thuyết hoàn hảo khó xảy ra trong thực tế. Nguyên lý cạnh tranh và lợi ích cổ đông sẽ dẫn tới việc từng ngân hàng thương mại sẽ nhìn trước ngó sau và có thể sự “đồng thuận” chỉ là một thỏa hiệp làm hài lòng lãnh đạo và công chúng, hơn là một thực tế.
Theo phân tích của một chuyên gia tài chính - ngân hàng, thứ nhất, nếu để nó tự vận động, sự “đồng thuận” không đồng nghĩa với việc có một định nghĩa chung về việc ai được hỗ trợ và hỗ trợ thế nào. Điều này dẫn tới việc những khách hàng được hỗ trợ về cơ bản sẽ là những khách hàng theo sự lựa chọn của từng ngân hàng thay vì những khách hàng đang thật sự gặp khó khăn chung của nền kinh tế.
Thứ hai, việc giảm lãi suất sẽ dẫn tới một sự sụt giảm lợi nhuận ngân hàng một cách đột biến và điều này rõ ràng không phải là điều giới ngân hàng muốn. Lợi nhuận ngân hàng giảm mạnh đột biến là vì ngoài tác động của giảm biên lãi suất ròng từ sự đồng thuận lần này, còn có tác động của các khoản nợ xấu chưa được trích lập dự phòng đầy đủ hiện tại sẽ được trích theo tiến độ theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Ai sẽ là người “đồng thuận” chấp nhận điều này?
Thứ ba, giả sử để bảo đảm biên lãi ròng, ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi thì khi đó có thể lại gặp phải bài toán rủi ro thanh khoản cho toàn hệ thống. Đồng thời, khi đó cũng là rủi ro hình thành các bong bóng tài sản bởi vì dòng vốn sẽ tìm đến các kênh tài sản đầu cơ phi sản xuất.
Với phân tích này cho thấy, việc các ngân hàng “đồng thuận” giảm lãi suất cần một cái giá phải trả cho những thiệt hại đáng kể đối với trực tiếp từng ngân hàng, mà cụ thể ở đây là hầu bao của từng cổ đông. Vậy, ai sẽ là người sẵn lòng trả cái giá đó?
Và đương nhiên, khi không có ai sẵn lòng chi trả thì sự “đồng thuận”, cuối cùng, rất có thể chỉ mang tính chất tượng trưng.
Có thể thấy rằng việc “đồng thuận” hạ lãi suất mà không thật sự đồng lòng thực hiện có thể xảy ra tình trạng tác dụng ngược so mục tiêu ban đầu của chính sách, nghĩa là càng giảm lãi suất thì khách hàng càng khó tiếp cận vốn vay hơn so trước đây. Đồng thời, đối tượng thật sự được hưởng ưu đãi lãi suất có thể sẽ không như những người làm chính sách kỳ vọng mà chủ yếu là những doanh nghiệp lớn có tình hình tài chính tốt, giá trị tài sản bảo đảm cao và kinh doanh bình thường do thuộc những ngành ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Nếu điều đó xảy ra, và thực tế rất dễ xảy ra, thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc những người cần vay nhất lại không được vay trong khi những người có thể không cần lại được vay. Những cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa có doanh thu/thu nhập bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tài sản bảo đảm không có giá trị và không có thanh khoản sẽ khó tiếp cận nguồn vốn giá rẻ hỗ trợ hơn so việc vẫn giữ nguyên mức lãi suất vay như hiện tại; hoặc, nếu được phê duyệt thì tỉ lệ cho vay/giá trị tài sản bảo đảm sẽ ở mức thấp so nhu cầu. Trong cả hai tình huống thì họ đều là những người đứng ngoài hoàn toàn hoặc đứng ngoài một phần.
Nếu như chất lượng khách hàng không được điều chỉnh, thì các ngân hàng nhiều khả năng sẽ điều chỉnh quy định giải ngân và phê duyệt khoản vay theo hướng thắt chặt, làm tăng chi phí giao dịch, hoặc khách hàng sẽ phải sử dụng nhiều sản phẩm khác của ngân hàng thương mại với mục tiêu nâng tổng thu từ khách hàng, khiến chi phí liên quan tới vay vốn thực sự cuối cùng cũng không thay đổi bao nhiêu.
Thế nhưng bên cạnh đó, có thể trong ngắn hạn, với quyết tâm “đồng thuận”, nhiều khả năng sẽ có một nhóm khách hàng ưu tiên “làm mẫu báo cáo” được giảm lãi suất. Nhưng về dài hạn, các ngân hàng thương mại sẽ dần dần siết chặt quy trình, quy định cấp tín dụng để bảo vệ chính mình – nghĩa là lãi suất giữ nguyên ở mức giảm nhưng đồng thời thực hiện cân nhắc về chất lượng người vay và tăng các nguồn thu dịch vụ khác.
Thậm chí, việc duy trì môi trường lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế có thể vô tình, hoặc cố tình, dẫn tới việc dòng tiền không đi vào đúng những nơi cần cứu trợ hoặc không bảo đảm lãi suất hỗ trợ và rủi ro các khoản nợ xấu của ngân hàng thương mại sẽ được đảo nợ thông qua kênh trái phiếu. Nghĩa là, các ngân hàng thương mại mua trái phiếu doanh nghiệp, sau đó doanh nghiệp dùng tiền từ bán trái phiếu trả các khoản nợ xấu đang vay tại chính các ngân hàng thương mại đó, khi thời hạn cơ cấu nợ theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN đang đến gần.
Thiết nghĩ, chủ trương về việc hỗ trợ nền kinh tế và các doanh nghiệp khó khăn trong đại dịch là hoàn toàn nhất quán và có ý nghĩa. Tuy nhiên, việc thực thi chủ trương từ phía các ngân hàng thương mại gặp nhiều rào cản thực tiễn. Hơn thế, ngay cả sự “đồng thuận” giảm lãi suất cũng khó có thể kéo dài mà chỉ mang tính tượng trưng ngắn hạn bởi chưa có sự đồng lòng thật sự.
Trong bối cảnh hiện nay, việc khẳng định về trách nhiệm xã hội của các ngân hàng là điều hết sức quan trọng và cần thiết, nhưng cũng cần phải thấy rõ rằng điều quan trọng với các doanh nghiệp gặp khó khăn không hẳn là vấn đề lãi suất, mà là vấn đề tiếp cận được các khoản vay. Và đó phải là các khoản vay giúp họ trang trải chi phí hoạt động trong bối cảnh dòng tiền hoạt động khó khăn như hiện nay.
Thực tế minh chứng, không giảm lãi suất cho vay nhưng thực hiện cho vay các doanh nghiệp gặp khó khăn có thể còn tốt hơn hạ lãi suất cho vay nhưng đối tượng vay lại chuyển dịch sang những người vay “chất lượng tốt” nhưng… không thuộc đối tượng hỗ trợ./.