Hiệu quả ở Xuân Phú
Phường Xuân Phú (TP. Huế) có 4.600 hộ dân, 16.000 khẩu, ở 11 tổ dân phố. Trên địa bàn phường có nhiều cơ sở lưu trú lớn nhỏ, các quán bar, cơ sở thể dục thể thao trong và ngoài trời và hàng trăm cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Theo dõi, giám sát dịch bệnh, mỗi loại cơ sở được địa phương hướng dẫn tự chấm điểm an toàn theo các bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch và ký cam kết thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch của địa phương.
Thực hiện hướng dẫn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh, phường Xuân Phú đã thành lập 11 tổ PCD cộng đồng ở cả 11 tổ dân phố. Tổ trưởng Tổ PCD cộng đồng ở tổ 9, ông Lê Văn Thuận cho biết, các thành viên trong tổ gặp rất nhiều khó khăn trong các hoạt động giám sát người cách ly tại nhà, cũng như theo dõi các trường hợp đến/về khu vực. Tổ 9 có đến hơn 800 hộ dân, bao gồm cả khu chung cư Xuân Phú. Tuy nhiên, thời gian qua Tổ PCD cộng đồng tổ 9 đã vượt khó bằng cách tạo nên những “tai mắt” trong dân.
“Trong địa bàn có nhiều trường hợp về cách ly tại nhà. Do vậy, công tác giám sát gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi kết nối chặt chẽ đến các hộ dân trong mỗi kiệt, rồi nhờ Ban quản lý, tổ bảo vệ chung cư, tất cả chỉ một mục đích là nhờ người dân trong mỗi khu vực thông báo giúp những trường hợp đến/về từ địa phương khác vào địa bàn. Nhờ những đầu mối này, tổ PCD cộng đồng cũng kịp thời nắm bắt lịch trình của những trường hợp đang thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà”, ông Lê Văn Thuận nói.
Tương tự tổ 9, Tổ PCD cộng đồng của tổ dân phố 5 cũng xây dựng mạng lưới “tai mắt” từ cơ sở. Cùng với các hoạt động giám sát phòng, chống dịch COVID-19 đã được ban chỉ đạo các cấp hướng dẫn, chúng tôi có thêm một số cách làm riêng, như: nhờ những người dân sống gần xung quanh người đang thực hiện cách ly tại nhà để giám sát sự tuân thủ các quy tắc phòng, chống dịch của người cách ly; kết hợp chặt chẽ với cảnh sát khu vực để thực hiện nhiệm vụ giám sát có hiệu quả hơn; tuyên truyền chủ trương, quy định, hướng dẫn… phòng chống dịch của các cấp trên đến với các hộ dân…
“Biết chi bộ tổ dân phố phân công mỗi đảng viên phụ trách 10-15 hộ gia đình để triển khai các công việc của chi bộ, tổ PCD cộng đồng đã phối hợp chặt chẽ với chi bộ tổ dân số để phát huy vai trò của đảng viên trong việc giám sát tốt hơn những việc liên quan đến công tác phòng, chống dịch, nhất là đối với những trường hợp được theo dõi, cách ly tại nhà và kiểm soát người đến/về địa bàn. Nhờ đó, chúng tôi nắm được thông tin rất nhanh và chặt chẽ người có yếu tố dịch tễ xuất hiện tại địa bàn”, bà Nguyễn Thị Phương, Tổ trưởng Tổ PCD cộng đồng tổ 5 nhấn mạnh.
Tạo mọi điều kiện để hoạt động
Với 4 đợt dịch COVID-19 bùng phát, mỗi địa phương đều ý thức sâu sắc rằng, một khi dịch bệnh đã có sự lây nhiễm trong cộng đồng thì tình hình sẽ trở nên phức tạp và bất an như thế nào. Vì vậy, khi xuất hiện ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng, các lực lượng chức năng phải khẩn trương tổ chức giám sát, phát hiện, lấy mẫu và cách ly tất cả những trường hợp có nghi ngờ. Để làm được điều này, dựa vào một mình lực lượng y tế là không đủ, mà phải huy động, vận dụng sức mạnh của toàn dân. Mô hình tổ PCD cộng đồng bắt đầu được áp dụng tại ổ dịch Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), sau đó đã được Bộ Y tế tham mưu cho các địa phương xây dựng và triển khai đồng bộ.
Ở Thừa Thiên Huế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đánh giá rất cao vai trò của tổ PCD cộng đồng và nhấn mạnh đó chính là cánh tay nối dài của lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Tổ PCD cộng đồng chính là cầu nối chủ động về công tác phòng, chống dịch của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp đến với Nhân dân, hỗ trợ kịp thời công tác thông tin, tuyên truyền, nắm tình hình cơ sở, phát hiện, truy vết, cách ly trong công tác phòng, chống dịch giúp cho người dân yên tâm, tin tưởng và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Do vậy, Ban Chỉ đạo của tỉnh thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu các địa phương cấp huyện, cấp xã phải quan tâm nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức một cách thực chất, hiệu quả.
“Đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương rà soát lại các lực lượng phòng, chống dịch để có sự chấn chỉnh, hỗ trợ kịp thời; trong đó, phải đặc biệt quan tâm đến các tổ PCD cộng đồng. Để tham gia phòng, chống dịch hiệu quả, lực lượng này phải hỗ trợ đầy đủ các phương tiện an toàn phòng dịch, được cung cấp kịp thời các thông tin liên quan đến phòng, chống dịch, được tập huấn nâng cao năng lực hoạt động và quan trọng nữa là phải có quy chế hoạt động cụ thể”, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh nhấn mạnh.
ĐỒNG VĂN
https://baothuathienhue.vn/canh-tay-noi-dai-a103166.html