Sau hơn một năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi COVID-19 là đại dịch toàn cầu, thế giới vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến, tạo ra các biến chủng mới nguy hiểm hơn, dễ lây lan hơn, như biến thể Delta đang hoành hành tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, hay biến thể Lambda có khả năng kháng vaccine…
Nghịch lý thời đại dịch: Nơi tiêm tăng cường – nơi chẳng có vaccine
Sự thành công của việc phát triển vaccine ngừa COVID-19 vốn đã làm dấy lên cuộc tranh luận xung quanh việc phân phối đủ và công bằng các liều lượng có sẵn vốn vẫn còn hạn chế. Thực tế cho thấy mặc dù hàng tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sản xuất và phân phối trên thế giới nhưng “bức tranh” đó lại có sự phân hóa sâu sắc giữa các nước. Trong khi một số quốc gia đã nhanh chóng tìm được nguồn cung vaccine thì những quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, vẫn chưa tiếp cận được.
Đặc biệt, gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới cho biết sắp triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 liều tăng cường cho người dân với hy vọng thêm khả năng miễn dịch cho các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, ngăn chặn đà bùng phát trở lại của đại dịch do lo ngại về các biến thể mới của SARS-CoV-2.
5/6 vaccine ngừa COVID-19 được Tổ chức Y tế Thế giới phê chuẩn yêu cầu tiêm mũi thứ hai sau vài tháng để đảm bảo hệ thống miễn dịch ghi nhớ thông tin về virus SARS-CoV-2 một cách tốt nhất. Song một số người đã quan ngại về lượng kháng nguyên sụt giảm sau một thời gian tiêm vaccine. Trong bối cảnh đó, có ý kiến cho rằng mũi tiêm thứ ba sẽ giúp tăng khả năng miễn dịch trong ngắn hạn. Và sự xuất hiện, lây lan mạnh mẽ của biến thể Delta ở cả những người đã tiêm đủ vaccine COVID-19 khiến nhiều nước lại càng sốt sắng với việc tiêm liều bổ sung.
Có thể thấy Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt tiêm mũi vaccine thứ ba với thời gian tiêm bắt đầu từ ngày 1/7 dành cho lực lượng y tế và người trên 50 tuổi. Trong tháng 7, Israel và Nga cũng thông báo khởi động chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 liều thứ ba cho những người trên 60 tuổi. Tiếp theo đó, ngày 1/8, chính phủ Đức cũng thông báo đến tháng 9 sẽ tiêm liều vaccine thứ ba cho một bộ phận người dân đã được tiêm 2 mũi. Thụy Điển, hôm 3/8, cũng thông báo dự trù tiêm liều vaccine thứ ba cho phần lớn người dân trong năm 2022. Anh chưa đưa ra quyết định cuối cùng, song London cũng kêu gọi hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia sẵn sàng triển khai tiêm bổ sung vào tháng 9 khi cần thiết…
Với các hãng dược, mũi tiêm thứ ba có thể được xem là một “cơ hội trời cho”. Pfizer và Moderna đều khẳng định mũi vaccine thứ ba là cần thiết, và kêu gọi các nước tiến hành tiêm bổ sung. Hai hãng dược Pfizer và Moderna cũng nhân cơ hội này để nâng giá sản phẩm. Theo một bài đăng trên trang The Guardian (Anh) hồi tháng 6, các nhà phân tích ước tính hai hãng Moderna và Pfizer sẽ chiếm phần lớn trong tổng số 70 tỉ USD lợi nhuận toàn cầu từ vaccine trong năm 2021. Song con số này có thể có thể sẽ cao hơn khi biến thể Delta lây lan rộng rãi và một số nước giàu khởi động kế hoạch tiêm mũi thứ ba cho người dân. Tháng 5 vừa qua, Moderna dự đoán sẽ đạt doanh thu 19,2 tỷ USD từ vaccine trong năm 2021, nhưng ước tính con số đó có thể tăng trong những ngày tới. Đồng thời, Pfizer cũng mới nâng dự báo doanh thu năm 2021 của họ từ 26 tỉ USD lên 33,5 tỉ USD.
Trong khi đó, trên khắp thế giới, hàng trăm triệu người vẫn đang chờ được tiêm liều vaccine COVID-19 đầu tiên. Số liệu của Our World in Data chỉ ra rằng, cả thế giới đến nay đã tiêm gần 4,3 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, theo WHO, trong khi các nước có thu nhập cao đã tiêm khoảng 100 liều/100 dân, thì các nước thu nhập thấp mới tiêm được 1,5 liều/100 dân do bị giới hạn nguồn cung.
Tổng Giám đốc WHO trích dẫn rõ ràng: Hơn 80% vaccine COVID-19 đã được sử dụng ở các quốc gia có thu nhập cao và trên trung bình, trong khi các nước này chiếm chưa tới 50% dân số thế giới. Chẳng hạn, Vương quốc Anh đã tiêm chủng cho gần 65% dân số trong khi chỉ có 7% người Philippines được chủng ngừa. Mỹ đang tiêm vaccine cho thanh thiếu niên – đối tượng có nguy cơ thấp trong khi các nhân viên y tế tuyến đầu ở Nigeria vẫn đang chờ tiêm. Trong khi Israel vừa bắt đầu tiêm liều vaccine tăng cường cho những người trên 60 tuổi thì ở các vùng lãnh thổ của Palestine, chỉ có chưa đến 12% người dân được tiêm vaccine.
Và mục tiêu của COVAX cung cấp đủ vaccine để tiêm cho khoảng 20 – 30% người dân tại những nước nghèo - con số vốn được cho là vẫn khiến COVID-19 dễ dàng tái bùng phát tại các quốc gia này - thậm chí còn khó có thể đạt được vì một trong những lý do khiến quá trình phân phối vaccine bị đình trệ là không đủ nguồn cung. Bác sĩ Bruce Aylward, đặc trách COVAX của WHO, đã thừa nhận là mục tiêu đề ra cho cuối tháng 9 rất có thể không đạt được. Với chiến dịch tiêm tăng cường liều thứ ba tại một số quốc gia, mục tiêu này lại còn xa vời hơn nữa!
Chấm dứt đại dịch – vấn đề mang tính toàn cầu
Khó có thể kể hết những tác động mà đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra tại mọi nghóc ngách trên hành tinh chúng ta. Với hơn 207 triệu người nhiễm và hơn 4,3 triệu người tử vong, đại dịch COVID-19 hiện hoành hành tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã cho thấy ngay những nước có tiềm lực kinh tế mạnh như Mỹ hay các quốc gia châu Âu cũng rơi vào thế bị động và trở tay không kịp khi dịch bệnh lây lan mạnh. Số ca nhiễm và tử vong tăng mạnh do hệ thống bệnh viện quá tải, trong khi thiếu hụt trang thiết bị y tế và nguồn lực dự phòng. Ngay từ ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới đã chính thức tuyên bố sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra là đại dịch toàn cầu. Và chấm dứt đại dịch, vì vậy, cũng là mục tiêu, nỗ lực và hành động toàn cầu, của chung mọi quốc gia trên thế giới.
Trong bài phát biểu khai mạc phiên họp cấp Bộ trưởng của Diễn đàn Chính trị cấp cao về phát triển bền vững tại Liên hợp quốc, ngày 13/7, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng nhấn mạnh những cam kết về cung cấp vaccine và hỗ trợ tài chính là điều được hoan nghênh, song vẫn là chưa đủ. Chúng ta cần ít nhất 11 tỷ liều vaccine để tiêm cho 70% dân số toàn cầu và chấm dứt đại dịch này… Tất cả mọi người, tất cả mọi nơi phải được tiếp cận với vaccine ngừa COVID-19, các biện pháp xét nghiệm, điều trị và hỗ trợ. Trước thực tế đáng lo ngại là mức độ tiếp cận các công cụ này, nhất là vaccine COVID-19, đang không đồng đều trong phạm vi thế giới và các quốc gia với nhau, ông Guterres cảnh báo, khoảng cách tiêm chủng toàn cầu đang đe dọa tất cả chúng ta, bởi khi virus đột biến, nó có thể tăng khả năng lây lan và gây chết người ở mức độ nghiêm trọng hơn.
Đến ngày 4/8, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng đưa ra đề nghị các quốc gia tạm ngừng tiêm vaccine tăng cường, tức liều vaccine từ thứ ba trở lên (với các mẫu vaccine ngừa COVID-19 2 liều tiêm), từ nay đến hết tháng 9, để đảm bảo nguồn cung cho các quốc gia nghèo khó, với mục tiêu 10% dân số của mỗi quốc gia được tiêm chủng cho tới thời điểm đó. Theo WHO, chưa có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy cần thúc đẩy việc tiêm mũi thứ ba vaccine ngừa COVID-19 bổ sung.
Một tuần sau đó, phát biểu trên mạng xã hội, ông Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của WHO, cho rằng thế giới cần tỏ thái độ phản đối tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine, đồng thời khẳng định nếu người nghèo trên thế giới không được tiêm vaccine ngừa COVID-19, tình hình có thể trở nên xấu đi.
Nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức cứu trợ nhân đạo, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và các nhà đạo đức đều cảnh báo rằng, các quốc gia không nên tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường cho đến khi có thêm dữ liệu về việc nó có cần thiết hay không. Thay vào đó, các tổ chức và chuyên gia kêu gọi các nước dư thừa vaccine nên tặng vaccine cho các quốc gia nghèo hơn, những nơi đang thiếu hụt nguồn cung trong bối cảnh số ca mắc bệnh tăng cao.
Các cơ quan y tế công cộng quốc tế đều khẳng định, không ai được an toàn cho đến khi tất cả đều an toàn, vì virus SARS-CoV-2 lưu hành càng lâu mà không được kiểm soát, thì khả năng xuất hiện các biến thể mới có thể kháng vaccine càng lớn. Do đó, ngay cả khi tỷ lệ miễn dịch đạt được rất cao ở các nước phát triển nhưng hàng trăm triệu người ở những nước nghèo quanh họ chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19 thì nguy cơ lây nhiễm bệnh cũng chưa thể được dập tắt. Và vì vậy, nếu như các nước giàu chưa bị thuyết phục chia sẻ thêm vaccine dựa trên các lý lẽ về công bằng, thì có thể họ sẽ phải khuất phục trước nguy cơ về những biến thể mới sẽ phát sinh ở những nơi ngoài biên giới nước họ.
Có thể thấy rằng để đạt được mục tiêu dập tắt đại dịch trên phạm vi toàn cầu, điều cốt lõi và cấp bách hiện tại là chúng ta cần giải quyết bài toán “cân bằng” vaccine ngừa COVID-19. Các quốc gia vốn đã sử dụng hầu hết nguồn cung vaccine toàn cầu không nên lại tiếp tục sử dụng thêm nhiều vaccine hơn trong khi những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới vẫn chưa được bảo vệ. Thay vì triển khai các mũi vaccine tăng cường chỉ nhằm dập dịch trong nước mình, các quốc gia nên chia sẻ công cụ hữu hiệu này với các nước đang và kém phát triển hơn. Chấm dứt đại dịch, vì vậy, không chỉ nên coi là một vấn đề của mỗi quốc gia, mà là vấn đề mang tính toàn cầu, đòi hỏi quyết tâm và sự hợp tác của cả cộng đồng quốc tế./.