Vu Lan báo hiếu có cần mâm cao cỗ đầy, đốt nhiều vàng mã?
Cập nhật 19/08/2021

Theo giáo lý nhà Phật, cốt lõi của việc báo hiếu mùa Vu Lan lại không phải thể hiện ở mâm cao cỗ đầy, đốt nhiều vàng mã, mà thể hiện ở tâm trong sáng, hướng thiện, lối sống vị tha, biết chăm lo cho những người xung quanh…

Vu Lan là báo ân, báo hiếu

Lễ Vu Lan được thực hiện từ đầu tháng cho tới rằm tháng 7 âm lịch hàng năm. Ngày lễ này trùng với Tết Trung Nguyên, ngày xá tội vong nhân theo phong tục Á Đông.

Nguồn gốc của ngày lễ Vu Lan xuất phát từ Đạo Phật với đầy tính nhân văn. Theo Thượng tọa Thích Đạo Hiển- Ủy viên Hội đồng trị sự, Phó trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ. Tương truyền, khi sống, Mẹ của Mục Kiền Liên hay tạo nghiệp, còn Mục Kiền Liên lại là cậu bé ngoan ngoãn, nhân hậu. Khi mẹ qua đời, Mục Kiền Liên đã quy y cửa Phật. Do chịu khó học tập nên ông đã nhanh chóng học được nhiều phép thuật và trở thành một trong 10 đệ tử lớn của Đức Phật, được phong là thần thông đệ nhất. Một lần Mục Kiền Liên đã dùng tuệ nhãn để tìm mẹ và thấy mẹ bị đày đọa ở địa ngục bị đói khát.

Vì xót thương mẹ chịu cảnh đói khổ nên Mục Kiền Liên đã dâng cơm cho mẹ ăn. Nhưng mẹ ông vẫn tham lam, khi ăn dùng tay che lại để những vong hồn xung quanh không biết để đến xin phần. Vì vậy, cơm vừa đưa đến miệng thì liền hóa thành lửa nên không ăn được.

Mục Kiền Liên thấy thế, dù rất thương mẹ nhưng không biết làm thế nào. Cuối cùng, ông bèn quay về nhờ Đức Phật giúp đỡ. Đức Phật bảo rằng đến ngày 15 tháng 7 âm lịch thì hãy mời các sư tăng cùng làm lễ để cứu mẹ. Mục Kiền Liên sau đó đã làm theo và quả nhiên, mẹ của ông đã thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Từ đó, cứ mỗi mùa Vu Lan về Mục Kiền Liên lại thiết lễ hồi hướng cho cha mẹ, báo ân sư tăng và tu nguyện cho tất cả các oan hồn, người mất… thoát khỏi bể khổ. Lễ Vu Lan ra đời từ đó và trở thành biểu tượng cho sự báo hiếu, tri ân.

Cũng theo Thượng tọa Thích Đạo Hiển, quan niệm này rất phù hợp với truyền thống của Phương Đông. Không chỉ trong đạo Phật mà đạo Nho và các đạo khác đều đề cao chữ hiếu. Chữ hiếu chính là nền tảng đạo đức của xã hội và là căn nguyên của giáo dục truyền thống. Riêng trong đạo Phật, chữ hiếu không chỉ được thể hiện theo nghĩa hẹp đối với ông bà, cha mẹ, tổ tiên mà còn phải coi trọng tứ trọng ân trong đó có ân với quốc gia, dân tộc… Báo hiếu với cha mẹ, ông bà tổ tiên cũng không phải chỉ thể hiện khi họ đã mất mà quan trọng nhất là thể hiện khi họ còn sống, phải biết chăm lo, phụng dưỡng bố mẹ cả về vật chất và tinh thần khi còn sống bởi vì “Phụ mẫu tại đường như phật tại thế”.

Báo ân không phải là đốt thật nhiều vàng mã

Xuất phát từ sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ, lễ Vu Lan là dịp để con cháu trong gia đình tưởng nhớ ông bà, cha mẹ, tổ tiên, phát huy truyền thống tốt đẹp uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng hiện nay ở nhiều gia đình cũng như nhiều nơi cho rằng đây là tháng cô hồn, tháng của ma quỷ, không đem lại may mắn, đồng thời để  báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên họ đua nhau cung tiến tiền vàng, vật dụng vào chùa, sắm sửa thật nhiều vàng mã và đốt tràn lan với niềm tin rằng thế mới là hành động báo hiếu tổ tiên, cúng thí cô hồn.

Theo Thượng tọa Thích Đạo Hiển, lễ Vu Lan ở Việt Nam không những nhắc nhớ việc báo hiếu cha mẹ mà còn bao hàm ý nghĩa tìm về cội nguồn để biết ơn và báo ơn. Tư tưởng ấy hoàn toàn phù hợp với tư duy hiền hậu chất phác của người Việt Nam: “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Trong ngày lễ Vu Lan báo hiếu, người ta đặc biệt trân trọng ơn cha mẹ sinh thành, đã mang nặng đẻ đau và vất vả nuôi con. Cha mẹ sinh ra ta, nhưng để có cha mẹ, thì phải nhớ đến ông bà tổ tiên, cửu huyền thất tổ. Vì thế, trong “mùa hiếu hạnh” này mỗi con người được nhắc nhớ tìm về nguồn cội, thể hiện sự hiếu kinh với ông bà, tổ tiên.

Theo lời Phật dạy, việc tỏ lòng thành kính biết ơn đấng sinh thành của mỗi người có những cách khác nhau. Riêng các Phật tử thường làm lễ cúng dường, lễ cầu siêu, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích phúc cầu an, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc tăng thọ, hóa giải nghiệp chướng… Trong đó, đại chúng có cách thể hiện theo suy nghĩ và nhận thức của đại chúng, Phật tử thì tưởng nhớ tới tổ tiên, cha mẹ, những người thân quen đã khuất bóng, những người đang sống bằng nhiều cách như ăn chay, niệm Phật, làm phúc, đến chùa nghe thuyết pháp, giúp đỡ và quan tâm đến cha mẹ, những người thân quen, chú trọng giúp đỡ cộng đồng để báo hiếu và tri ân công đức được hưởng công phúc chung.

Tuy nhiên, cùng với những nét đẹp văn hóa đó, ngày lễ Vu Lan đang bị yếu tố mê tín, phi Phật giáo tác động, đó là tục đốt vàng mã. Dịp này, nhà nhà lại sắm sửa lễ vật, vàng mã để cúng chúng sinh, nhà ít cũng đốt vài bộ quần áo, mấy xấp tiền vàng cho “người cõi âm” hết vài trăm ngàn, nhà nhiều, đốt cả ô tô, xe máy, nhà lầu, tốn đến tiền triệu. Mặc dù nhận thức được đốt vàng mã là tốn tiền của, là khói bụi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và ngay cả khi nhiều ngôi chùa đã đặt biển cấm đốt vàng mã trong chùa, song việc đốt vàng mã vẫn diễn ra phổ biến.

Về vấn đề này, Thượng tọa Thích Đạo Hiển khẳng định: Lễ Vu Lan có nguồn gốc Phật giáo nhưng trong giáo lý nhà Phật không khuyên con người đốt vàng mã trong dịp này để báo hiếu, thể hiện lòng biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Việc đốt nhiều vàng mã sẽ gây tốn kém và ảnh hưởng xấu đến môi trường. Bởi vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi việc thực hành tiết kiệm trong việc sử dụng vàng mã cũng như tổ chức các hoạt động dịp Rằm tháng Bảy.

Lý giải cụ thể hơn về vấn đề này, Thượng tọa Thích Đạo Hiển cho rằng lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan trở thành ngày lễ hàng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn.

Bên cạnh đó, với tinh thần Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, ngày Vu Lan hàng năm cũng là ngày tri ân, báo ân tới những người có công với đất nước, những anh hùng, liệt sỹ đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc với lòng thành kính, biết ơn sâu sắc. Bởi vậy, điều cốt lõi trong dịp Vu Lan là cần có cái tâm trong sáng, hướng thiện, lối sống vị tha, biết chăm lo cho những người xung quanh…

Trong Phật giáo không có tục lệ đốt vàng mã. Mà tục lệ này xuất phát từ thời chiếm hữu nô lệ, không còn phù hợp trong thời đại ngày nay. Theo quan điểm của Phật giáo, chỉ dùng cái tâm, tâm niệm để tưởng nhớ, noi gương các bậc tiền bối, các bậc thần thánh để từ đó làm tốt trong đời sống của mình, không cần phô trương, lãng phí.

Đạo hiếu Vu Lan theo tinh thần Phật giáo chân chính, chính tín là biết lo cho đất nước, cho dân tộc, lo cho những người xung quanh, có lòng vị tha, biết chăm lo cho nhau. Nếu không làm việc thiện, sống không có tâm thiện thì dù có làm mâm cao cỗ đầy hay đốt nhiều tiền vàng đến đâu cũng vô ích, không phải là chí hiếu./.

dangcongsan.vn
Tin liên quan
Xem tin theo ngày