Ngày 17/8, phát biểu khai mạc phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh công tác lập pháp cần khắc phục cho được chuyện “luật ống, luật khung”.
Trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là cơ hội để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thực hiện lời hứa, hiện thực hóa chương trình hành động, đổi mới, nâng cao chất lượng lập pháp, gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương công tác lập pháp, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức liên quan đến công tác chuẩn bị, trình và thẩm tra.
“Ngay từ luật này phải làm sao khắc phục khuynh hướng luật ống, luật khung. Nhiều cái có thể quy định chi tiết nhưng dự án luật cứ quy định nguyên tắc, đến khi ban hành nghị định thì rất tùy tiện. Mặt khác, phải khắc phục tình trạng quy định cứng, chi tiết những vấn đề chưa đủ rõ dẫn đến luật chưa sửa xong đã thấy bất cập, tuổi thọ luật rất ngắn, tính khả thi thấp”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, có trường hợp vừa phong anh hùng xong đã phải xử lý. Cho nên dự án Luật Thi đua, khen thưởng phải sửa đổi làm sao để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt trong tổ chức thi đua khen thưởng, trong đó hướng nhiều hơn đến cơ sở, chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh, quan tâm khen thưởng vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo; ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục.
“Việc sửa đổi luật, phải khắc phục tính hình thức trong thi đua khen thưởng. Cần đảm bảo công khai, minh bạch, khắc phục chuyện trong thi đua khen thưởng cũng chạy. Chạy danh hiệu, chạy bằng khen, giấy khen, chạy anh hùng. Thậm chí, có trường hợp vừa phong anh hùng xong đã phải xử lý. Do đó phải bao quát khen thưởng khu vực công và tư, nhất là khu vực doanh nghiệp, tránh chuyện hiệp hội đặt ra danh hiệu này, danh hiệu kia, dẫn đến tình trạng “muốn có danh hiệu gì đó thì đóng tiền sẽ có”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) lần này đã bổ sung tiêu chuẩn phong tặng và truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân nhân dân”, “Anh hùng Lao động” đối với cá nhân, tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để phù hợp với thực tiễn hiện nay và bỏ quy định về thời gian 5 năm xét một lần danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng Lao động” để đảm bảo nguyên tắc khen thưởng kịp thời động viên cá nhân, tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bà Trà cũng cho biết, luật cũng bổ sung quy định tước, phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự nhà nước đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế là pháp nhân thương mại để phù hợp với Điều 33 Bộ luật hình sự; bổ sung quy định thẩm quyền quyết định tước, phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự nhà nước; bổ sung quy định thẩm quyền hủy bỏ quyết định khen thưởng và thu hồi hiện vật, tiền thưởng.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định để tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật đảm bảo “tôn vinh, khen thưởng kịp thời, xứng đáng những doanh nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” như Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thức XIII xác định và các quy định mang tính nguyên tắc về quản lý tổ chức xét tặng danh hiệu, giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện để thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng cũng như quản lý nhà nước đối với việc tổ chức các giải thưởng tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân.
Phát biểu thêm, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị trong khen thưởng cần hướng về cơ sở, người lao động trực tiếp, và khen thưởng kịp thời. Khắc phục căn cơ bệnh hình thức và bệnh thành tích là "chạy danh hiệu".