Ngày 14/9/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về tình hình triển khai các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Tại trụ sở Chính phủ có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Văn phòng Chính phủ và đại diện các Bộ, cơ quan: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel); tại điểm cầu các địa phương (Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long) có các đồng chí Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, đại diện các Sở, ngành liên quan và đại diện các Ban Quản lý dự án, các nhà thầu thuộc các dự án thành phần.
Phó Thủ tướng đánh giá cao công tác tổ chức triển khai thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương, đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và kết luận của Lãnh đạo Chính phủ trong thời gian qua. Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải và các địa phương, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng có chuyển biến, khối lượng khai thác đất đắp nền đường đã được bổ sung một phần, việc triển khai thi công tại công trường tiếp tục được duy trì.
Tuy nhiên, hiện nay còn Dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo chưa khởi công xây dựng; quá trình triển khai Dự án đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá vật liệu xây dựng tăng, nguồn cung cấp vật liệu, đặc biệt là vật liệu đất đắp nền đường phục vụ thi công còn thiếu khoảng 23 triệu m3, một số khu vực chưa được bàn giao mặt bằng do chậm trễ trong công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các khu tái định cư, đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng…
Đây là công trình trọng điểm quốc gia, có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phục vụ đời sống của nhân dân, do vậy các bộ, ngành địa phương phải nâng cao vai trò, trách nhiệm, không được để chậm tiến độ hoàn thành. Trong thời gian tới yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Ủy ban nhân dân các tỉnh tập trung hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng theo đúng cam kết (chậm nhất ngày 30/10/2021). Các Tập đoàn EVN, VNPT, Viettel phối hợp chặt chẽ với các địa phương và chủ đầu tư tháo dỡ, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật điện, viễn thông. Các địa phương và cơ quan liên quan hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ bàn giao mặt bằng; khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục cấp phép, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, bảo đảm cung cấp đủ nguồn vật liệu phục vụ thi công Dự án theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 60/NQ-CP; chỉ đạo Sở Xây dựng ban hành kịp thời, đầy đủ chỉ số giá xây dựng phù hợp với thực tế biến động thị trường và tính chất dự án; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện nhà thầu thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (công trường xanh, địa phương hỗ trợ Kít xét nghiệm để xét nghiệm định kỳ và ưu tiên tiêm vaccine cho cán bộ, công nhân, lao động tại các dự án) để bảo đảm thi công dự án liên tục.
Bộ Giao thông vận tải chủ động, kịp thời giải quyết các kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, nhà thầu; chỉ đạo rà soát tổng thể tiến độ để có giải pháp tăng cường (tăng ca, bổ sung nhân lực, trang thiết bị…) bù tiến độ công việc đã chậm; định kỳ 2 tuần Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải giao ban với Lãnh đạo các địa phương, các Ban Quản lý dự án, các chủ đầu tư, nhà thầu và các cơ quan, đơn vị liên quan để kiểm điểm tiến độ thực hiện; lưu ý rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức lập Hồ sơ mời thầu đối với các dự án triển khai trong thời gian tới, trong đó phải quy định rõ trách nhiệm của Tư vấn, nhà đầu tư, nhà thầu không để xảy ra tình trạng thiếu vật liệu như các gói thầu tại dự án này.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương báo cáo về kết quả kiểm tra theo nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 60/NQ-CP; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan, trước ngày 20/9/2021 trình Chính phủ xem xét điều chỉnh nội dung Nghị quyết số 60/NQ-CP cho phép địa phương được điều chỉnh nâng công suất khai thác theo nhu cầu các dự án trong phạm vi trữ lượng đã được cấp phép; tăng cường kiểm tra, đôn đốc địa phương, đồng thời kịp thời hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thủ tục cấp phép khai thác, nâng công suất, trữ lượng mỏ vật liệu bảo đảm tuyệt đối an toàn về môi trường, lao động trong khai thác.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 5790/VPCP-KTTH ngày 20/8/2021 của Văn phòng Chính phủ về nguồn vốn tín dụng cho vay các dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư; sớm tổ chức họp bàn tháo gỡ vướng mắc.
Các Ban Quản lý dự án, nhà đầu tư, nhà thầu xác định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm trong triển khai dự án; tập trung tối đa nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, tăng ca, cải tiến biện pháp thi công, áp dụng công nghệ phù hợp, chủ động khắc phục khó khăn liên quan, trong đó có ảnh hưởng do dịch COVID-19 để đẩy nhanh tiến độ trên công trường bảo đảm đúng thời hạn theo Hợp đồng đã ký và bảo đảm chất lượng công trình./.