Trong thời gian từ ngày 22 đến 28/11, Thừa Thiên Huế xác định 806 F0; trong đó, có 519 F0 trong cộng đồng. Số lượng F0 qua các ngày trong tuần đi ngang và có chiều hướng tăng.
Đến thời điểm này, Thừa Thiên Huế đã phủ vắc-xin phòng COVID-19 mũi 1 cho hơn 88% dân số trên 18 tuổi; hơn 40.000 trẻ trong độ tuổi từ 15-17 cũng đang được tổ chức tiêm phòng vắc-xin; toàn tỉnh đang duy trì khoảng 50% trường học ở các cấp việc dạy và học trực tiếp trong điều kiện đảm bảo an toàn. Dự kiến trong vài ngày đến, Thừa Thiên Huế được Bộ Y tế phân bổ thêm hơn 46.000 liều COVID-19 để tiêm cho trẻ dưới 18 tuổi. Toàn bộ số vắc-xin sẽ được ngành y tế triển khai tiêm ngay cho nhóm trẻ từ 12-17 tuổi khi được tiếp cận.
Dồn toàn lực cho tuần cao điểm
Thành phố Huế đang là địa phương “nóng” với nhiều ổ dịch phức tạp, nhiều ngày liên tiếp chưa cắt được chuỗi tăng F0 trong cộng đồng. Quyết tâm cắt đứt nguồn lây SARS-CoV-2 trong cộng đồng, bắt đầu từ ngày 29/11, TP. Huế triển khai tuần cao điểm tầm soát COVID-19 tại các phường nguy cơ cao, như: Hương Sơ, An Hòa, Thuận Hòa, Thuận Lộc, Phú Hậu…
Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, trong thời gian một tuần cao điểm này, các huyện/thị xã cũng chủ động đánh giá tình hình dịch bệnh tại các phường/xã xuất hiện ổ dịch; ưu tiên nâng cao năng lực cho tổ phòng chống dịch cộng đồng và tăng cường việc tầm soát. Trong đó, việc tầm soát phải vận động cả sự tham gia tự nguyện của người dân.
Để hỗ trợ các địa phương trong việc tầm soát, trong vòng 3 ngày tới, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu chính quyền địa phương các huyện, xã phải đăng ký cụ thể số lượng mua kit test nhanh để ngành y tế hướng dẫn mua loại gì, ở đâu. Trước mắt, chính quyền các địa phương phải chủ động kinh phí việc mua test nhanh phục vụ cho công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Về sau, tỉnh sẽ hỗ trợ thêm theo kiểu “mua 1 tặng 1”.
Trong tuần cao điểm kiểm soát dịch này, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cũng đề nghị các cấp Đảng, chính quyền phân công cán bộ chủ chốt về hỗ trợ cơ sở và bám sát mọi tình hình diễn biến dịch tại cơ sở để kịp thời tham mưu giải pháp xử trí.
Không vắc-xin, không dịch vụ
Đây là giải pháp Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh sẽ áp dụng để ứng phó với những trường hợp kén chọn vắc-xin, từ chối tiêm vắc-xin khi không có lý do chính đáng. Hiện nay, ngành y tế đang tăng tốc để phủ 100% mũi 1 vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, theo ghi nhận của một số địa phương, vẫn có những trường hợp lấy lý do không tin tưởng tuyệt đối vào vắc-xin nên từ chối việc tiêm.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nguyễn Văn Phương nói rõ: Thời điểm này, Thừa Thiên Huế đang ở trạng thái “vắc-xin chờ người”. Do vậy, các địa phương báo cáo cụ thể những trường hợp trì hoãn tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mà không có lý do chính đáng. Nếu vấn đề này không được khắc phục, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh sẽ áp dụng chính sách tất cả những ai chưa từng tiêm vắc-xin thì không được tham gia bất cứ hoạt động dịch vụ trong địa bàn.
Tăng khả năng phòng chống dịch, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu các địa phương vừa tăng cường tầm soát F0 trong cộng đồng, vừa giám sát chặt chẽ số lượng người về/đến từ các vùng dịch và số lượng F1 đang được cách ly tại nhà. Nếu để xảy ra tình huống lây lan dịch từ nhóm đối tượng F1 cách ly tại nhà và người về từ vùng dịch mà không được giám sát nghiêm, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm.
Với năng lực các điểm thu dung F0 của Thừa Thiên Huế hiện nay, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh vẫn chưa triển khai việc cách ly điều trị F0 không triệu chứng tại nhà. Các phương án cách ly, điều trị F0 không triệu chứng tại nhà đã được Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh chuẩn bị sẵn sàng, nhưng vấn đề này sẽ chỉ được áp dụng khi số lượng F0 vượt quá khả năng thu dung của tỉnh.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đã đề nghị Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, các ngành và địa phương tập trung mọi nguồn lực để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong tuần cao điểm, bắt đầu từ 29/11, bao gồm các nhiệm vụ ra quân tầm soát dịch bệnh và sẵn sàng kịch bản cho tình huống dịch cao hơn. Đồng thời, nâng cao năng lực phòng chống dịch cho hệ thống y tế cơ sở, các tổ phòng chống dịch cộng đồng và quan tâm kịp thời chế độ hỗ trợ cho lực lượng này. Các cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân ở khu vực nhạy cảm chủ động việc tầm soát dịch bằng test nhanh, không trông chờ vào nhà nước.
Ngành y tế đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin, có đến đâu tiêm đến đó và tăng cường các giải pháp để đảm bảo an toàn tiêm chủng. Huy động lực lượng y tế tại chỗ để chuẩn bị cho các tình huống dịch cao hơn nếu phải điều trị F0 không triệu chứng tại nhà. Các cấp chính quyền đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền về tính chủ động và ý thức phòng chống dịch của người dân.
Đồng Văn
https://baothuathienhue.vn/tam-soat-quyet-liet-hon-de-som-phat-hien-cac-o-dich-covid-19-a107316.html