Phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, đưa Thừa Thiên Huế lên tầm cao mới
Cập nhật 03/01/2022
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương

Trả lời phỏng vấn Báo Thừa Thiên Huế Online, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chia sẻ, năm 2021 qua đi cùng bao khó khăn, thách thức. Song với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, chúng ta đã từng bước thích ứng, đạt được kết quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Thưa ông, năm 2021 đi qua với nhiều biến động của dịch bệnh và thiên tai. Chúng ta đã nỗ lực rất nhiều để vượt qua những khó khăn này. Ông có thể đánh giá một cách khái quát về những thành quả đạt được năm vừa qua?

Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT- XH) 5 năm (2021 – 2025); trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động, ảnh hưởng hầu hết các ngành, lĩnh vực. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự cố gắng, nỗ lực, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, tỉnh đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp vừa phòng, chống, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh vừa hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT- XH.

Những kết quả quan trọng tiêu biểu: Tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các giải pháp phòng, chống và kiểm soát tình hình dịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong các khu kinh tế, khu công nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh tạo điều kiện ổn định sản xuất. Đón và đưa đi cách ly tập trung cho gần 58.000 công dân từ các tỉnh phía Nam và TP. Hồ Chí Minh về địa phương. Chi viện hơn 800 y bác sĩ vào chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Tỉnh chú trọng đến công tác an sinh xã hội, đảm bảo các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước được triển khai kịp thời, đồng bộ đến người dân; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3%.

Kinh tế tăng trưởng dương, đạt 4,36%, cao gấp đôi tốc độ trung bình của cả nước; thu ngân sách lần đầu tiên đạt gần 11.000 tỷ đồng, vượt 80% dự toán; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 25.500 tỷ đồng, tăng 4,5% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1,87 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2020 (1,45 tỷ USD), riêng xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2020 (950 triệu USD).

Trong xúc tiến đầu tư đã cấp phép cho 25 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư 12.500 tỷ đồng. Một số nhà đầu tư lớn khác đang nghiên cứu đầu tư vào địa bàn tỉnh như CTCP Hàng hải Vsico, CTCP Tập đoàn FLC, Công ty CP Western Pacific,…. Đặc biệt, mới đây, tỉnh ký kết Bản ghi nhớ với Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam, thực hiện dự án đầu tư Trung tâm thương mại AEON MALL tại Thừa Thiên Huế.

Lĩnh vực giáo dục linh hoạt dạy và học trực tiếp/ trực tuyến trong điều kiện bình thường mới. Tổ chức thành công Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII - năm 2021. Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế đạt giải thưởng Sao Khuê (năm thứ 2 liên tiếp) ở lĩnh vực “Các nền tảng chuyển đổi số”. Triển khai rộng rãi, nhanh chóng ứng dụng “Thẻ kiểm soát dịch bệnh” bằng mã QR Quốc gia.

Bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và địa phương, nhất là Đại hội lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 83 của Chính phủ về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện để mở rộng TP. Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP. Huế. Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thừa Thiên Huế. Đây là những bước ngoặc quan trọng giúp tỉnh sớm đẩy nhanh quá trình đô thị hóa; huy động thêm nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương.

Kết quả nào khiến ông hài lòng nhất?

Mỗi kết quả, thành tựu sẽ mang lại những tác động tích cực với một số nhóm ngành và một số đối tượng liên quan nhất định. Với bản thân tôi - trong vai trò là lãnh đạo tỉnh, việc đảm bảo an sinh xã hội, duy trì đời sống người dân Huế cơ bản ổn định trong đại dịch COVID-19 là yếu tố tiên quyết được cả hệ thống chính trị quan tâm ưu tiên hàng đầu. Những thiệt hại về người được chính quyền nỗ lực giảm thiểu ở mức thấp nhất.

Việc xây dựng thành phố trực thuộc trung ương của tỉnh đã được Trung ương quan tâm bằng các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện, đạt được những bước ngoặc quan trọng, làm bàn đạp xây dựng thành phố trực thuộc trung ương trong thời gian đến. Sự chỉ đạo quyết liệt Đảng bộ, Chính quyền, sự chung sức, đồng lòng của doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nên đã đạt được thành tựu trong tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và đặc biệt là xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục từ trước đến nay, hoàn thành những mục tiêu phát triển KT- XH và Nghị quyết Đảng bộ đã đề ra.

Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế có hiệu lực từ 1/1/2022 là “cú hích” để tỉnh phát triển mạnh mẽ - bền vững trong giai đoạn tới. Tỉnh đã xây dựng chương trình hành động ra sao để thực hiện nghị quyết này? Những lĩnh vực nào sẽ được ưu tiên?

Hạ tầng đồng bộ đang là mục tiêu hướng đến của Thừa Thiên Huế- thành phố trực thuộc trung ương

Các cơ chế chính sách đặc thù phát triển Thừa Thiên Huế được Quốc hội thông qua thực sự phát huy hiệu quả khi có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức, đồng lòng của người dân và doanh nghiệp. Để phát triển Thừa Thiên Huế lên tầm cao mới, tỉnh sẽ tập trung xây dựng và thực hiện tốt các giải pháp:

Cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế dựa trên các lợi thế ngành dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Trong đó, du lịch là mũi nhọn; dịch vụ y tế chuyên sâu, giáo dục chất lượng cao, tài chính, ngân hàng, cảng biển, logistic, đào tạo nguồn nhân lực là nòng cốt; công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao là bứt phá; kinh tế biển là thiết yếu.

Đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị theo hướng xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin và đô thị đồng bộ, hiện đại và thông minh. Trong đó, ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm về phát triển đô thị như: Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt Sông Hương, Đê chắn sóng cảng Chân Mây-giai đoạn 2, mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài,…

Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển KT- XH, nhất là cho phát triển kết cấu hạ tầng và các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế. Tập trung xây dựng các chính sách hỗ trợ các Doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới…

Nâng cao hiệu quả liên kết phát triển vùng, mở rộng hợp tác và quan hệ đối ngoại phục vụ phát triển KT-XH.

Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, củng cố vị thế là trung tâm văn hóa lớn và đặc sắc của cả nước; bảo tồn di sản vật thể, phi vật thể và phát huy giá trị di sản, văn hóa Huế; phát triển trung tâm Giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, Trung tâm y tế, Trung tâm KHCN của cả nước,...

Tăng trưởng xanh được xem là mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh giai đoạn 2021- 2025. Cụ thể mục tiêu này như thế nào?

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 cùng với những khó khăn, thách thức trong biến đổi khí hậu cho chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sống, bảo đảm hài hòa giữa con người và thiên nhiên; đồng thời là động lực để thúc đẩy phát triển. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần đồng lòng chung sức giải quyết hài hòa giữa nhu cầu cấp bách phát triển kinh tế với yêu cầu phát triển xanh, phát triển bền vững. Về định hướng phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, tỉnh sẽ tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế.

Trong đó, tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp đi đôi với kiểm soát tốt các tiêu chuẩn về môi trường. Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, các ngành chế biến sâu, công nghệ thông tin và phần mềm… Hiện nay, tỉnh đang hỗ trợ cho Nhà máy Kanglongda tại Khu Công nghiệp Phong Điền xử lý nước tuần hoàn không thải ra môi trường,...

Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch; phát triển kinh tế biển và đầm phá trên cơ sở tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái.

Gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia, hình thành hệ thống khu bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa. Hằng năm, tỉnh tổ chức lồng ghép các chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện như: Tỷ lệ che phủ rừng; tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch, tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom,…

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án tăng trưởng xanh như: Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế; dự án “Chương trình phát triển các đô thị loại II (các Đô thị Xanh)”. Đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo đảm cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, “xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch”; phong trào “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”;...

Năm 2022 đang đến gần, ông có mong muốn gì trong dịp năm mới và có lời chúc nào đến toàn thể người dân toàn tỉnh Thừa Thiên Huế?

Tỉnh sẽ chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho thành phố trực thuộc trung ương trong tương lai 

Năm 2021 khép lại để hướng đến những điều tốt đẹp nhất cho năm 2022. Với những gì mà tỉnh nhà đạt được trong năm qua, tôi kỳ vọng năm mới với nhiều đổi mới trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.

Chính quyền sẽ nỗ lực nhằm kiểm soát dịch bệnh để người dân, doanh nghiệp yên tâm lao động, tăng gia sản xuất; du lịch mở cửa đón khách trở lại; học sinh, sinh viên được đến trường…

Các nhà đầu tư lớn, năng lực cao, ứng dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại tham gia nghiên cứu, đầu tư nhiều dự án tại Huế tạo thêm nhiều việc làm, đóng góp vào thu ngân sách địa phương; Các dự án được triển khai nhanh chóng, đảm bảo tiến độ.

Cơ chế, chính sách được Quốc hội, UBTVQH thông qua được triển khai và mang lại nhiều hiệu quả, phát huy tinh thần tự lực tự cường, chung sức đồng lòng của chính quyền và nhân dân toàn tỉnh giúp đẩy nhanh quá trình đô thị hóa; huy động thêm nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đầu tư xây dựng hạ tầng sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa cả Tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Nhân dịp năm mới 2022 và xuân Nhâm Dần, tôi xin kính chúc Đảng bộ Thừa Thiên Huế vững mạnh, chính quyền thân thiện, xã hội yên bình, người dân có cuộc sống sung túc, bình an. Xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến Nhân dân tỉnh nhà, bà con Thừa Thiên Huế xa quê, những người bạn của Huế lời chúc mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc, một năm mới an khang, thịnh vượng!

Tiếp tục thực hiện chuyển đổi số

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương tiên phong, đi đầu trong việc triển khai thực hiện chuyển đổi số. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh số hóa dữ liệu toàn tỉnh phục vụ chỉ đạo điều hành; Thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn; Tăng cường các dịch vụ thiết yếu được cung cấp cho người dân qua hình thức các dịch vụ đô thị thông minh; Hoàn thiện nền tảng hạ tầng số, chuyển đổi giải pháp điện toán đám mây cho hạ tầng hạ tầng dùng chung của tỉnh; Đào tạo nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho cán bộ, công chức…

Xin trân trọng cảm ơn ông!

https://baothuathienhue.vn/phat-trien-theo-huong-tang-truong-xanh-dua-thua-thien-hue-len-tam-cao-moi

Tin liên quan
Xem tin theo ngày