Đập tan luận điệu đòi “xét lại”
Cập nhật 08/02/2022

Những năm gần đây, cứ đến dịp kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2) thì các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trong và ngoài nước lại tiếp tục tăng cường xuyên tạc với mục đích phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng thông qua luận điệu đòi xét lại nội dung cốt lõi nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

Những luận điệu của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trong và ngoài nước chủ yếu liên quan đến việc xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời, không còn phù hợp. Thậm chí, chúng công khai phủ nhận, phản bác chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh… Mục đích thực sự của các thế lực chống phá này chính là đòi Nhà nước ta thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, xây dựng chế độ xã hội theo mô hình phương Tây.

Những quan điểm mang tư tưởng xét lại, chống phá trên tuy không mới, nhưng nếu không được đấu tranh, phản bác, ngăn chặn kịp thời sẽ gây hoang mang trong Nhân dân, làm suy giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, trong đó có tư tưởng xét lại, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, là nhiệm vụ quan trọng của toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.

Quán triệt tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải “kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”[1]. Việc đấu tranh, phản bác đối với các tư tưởng xét lại của các đối tượng thù địch, cơ hội chính trị có lúc diễn ra ngay trong nội bộ, nên đòi hỏi phải hết sức kiên trì. Làm tốt việc đấu tranh với các tư tưởng xét lại cũng chính là làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây cũng là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, “không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”.

Việc đấu tranh với các tư tưởng xét lại, bên cạnh yêu cầu giữ vững nguyên tắc còn phải nắm vững và xử lý khéo léo mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới. Trước hết, phải thấy rằng, theo đà phát triển không ngừng của thực tiễn và khoa học, bất cứ học thuyết nào tự bản thân nó cũng không phải là một hệ thống lý luận giáo điều, và chính Mác cũng đã từng đưa ra câu cách ngôn “Mỗi bước tiến của phong trào thực tiễn còn quan trọng hơn hàng tá cương lĩnh”. Học thuyết Mác-Lênin mặc dù rất khoa học và đúng đắn cũng không thể giải đáp đầy đủ, chi tiết, cặn kẽ mọi vấn đề, ở mọi thời đại, của mọi quốc gia. Nó chỉ là thế giới quan và phương pháp luận khoa học, là vũ khí tư tưởng của con người trong cuộc đấu tranh vì chân lý khoa học và chính nghĩa nhân văn để nhận thức và cải tạo thế giới mà không phải là “cái đã xong xuôi” hay “nhất thành bất biến”... Bởi nếu chỉ kiên định một cách máy móc thì sẽ dễ dẫn đến giáo điều, cứng nhắc, bảo thủ, trong khi thực tiễn luôn đặt ra những vấn đề mới đòi hỏi phải được giải đáp, giải quyết. Đây là việc làm không dễ dàng nhưng lịch sử cho thấy Đảng ta luôn biết vượt qua khó khăn, thử thách trong những thời điểm mà thực tế đòi hỏi phải có những đổi mới, phát triển.

Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà đất nước ta giành được trong những năm qua, tiến hành công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng chính là minh chứng thuyết phục nhất về sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện thực tế của đất nước ta. Những thành tựu đó tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Đúng như lời khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Có thể khẳng định rằng, thành công của công cuộc đổi mới đã khẳng định sự đúng đắn của con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn cho dân tộc ta, tiếp tục là nền tảng để Đảng ta hoàn thiện đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới, đập tan luận điệu xuyên tạc, chống phá, đòi xét lại nội dung cốt lõi nền tảng tư tưởng của Đảng ta của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước.      

Vũ Phong

[1]Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, trang 33

https://baothuathienhue.vn/dap-tan-luan-dieu-doi-xet-lai-a109667.html

Tin liên quan
Xem tin theo ngày