Cơ hội bứt tốc trong thanh toán không dùng tiền mặt
Cập nhật 10/02/2022

Phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của cách mạng 4.0, trong đó tập trung nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ, mô hình kinh doanh, giải pháp số tiên tiến để phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật; phát triển thanh toán điện tử trong thương mại điện tử (TMĐT); phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đó là một trong những định hướng quan trọng trong thúc đẩy TTKDTM của ngành ngân hàng trong năm 2022 mà ông Châu Khắc Thái, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh trao đổi với Báo Thừa Thiên Huế.

Ông có thể cho biết những kết quả đạt được trong hoạt động TTKDTM?

Năm qua, ngành ngân hàng triển khai có hiệu quả các đề án, kế hoạch về TTKDTM trên địa bàn, các quy định liên quan đến việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử EKYC, phát hành thẻ chip và các thiết bị chấp nhận thẻ chip; trong đó, lưu ý các vấn đề rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật thanh toán. Việc tích hợp các giải pháp thanh toán trên ứng dụng Hue-S đang được các ngân hàng thương mại (NHTM) tích cực triển khai, hiện nay có VietinBank Thừa Thiên Huế phối hợp thực hiện và đang trong giai đoạn vận hành kiểm thử. Công tác thanh toán đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, chính xác, các hệ thống thanh toán hoạt động thường xuyên, đáp ứng được nhu cầu thanh toán của các đơn vị trên bàn.

Đến cuối năm 2021, trên toàn địa bàn tỉnh có 218 máy ATM và 1.287 máy POS; số lượng thẻ thanh toán đang lưu hành 1.022.046 thẻ, bình quân đạt 1,1 thẻ/người dân đủ 15 tuổi trở lên. Ứng dụng mã QR Code được lắp đặt tại các đơn vị hành chính, trường học, bệnh viện trên địa bàn để thực hiện TTKDTM trong thực hiện dịch vụ. Các chi nhánh NHTM trên địa bàn phát triển nhiều hình thức thanh toán hiện đại. Trong năm 2021, doanh số giao dịch ATM, POS trên địa bàn tỉnh đạt gần 15.600 tỷ đồng với 5.821 nghìn món. Giá trị giao dịch qua mobile banking đạt 59.877 tỷ đồng, tăng 149%; qua kênh internet banking đạt khoảng 53.278 tỷ đồng, tăng 90% so với năm 2020.

Ngoài ra, tổng số doanh nghiệp TTKDTM trên địa bàn chiếm 74,9% trong tổng số doanh nghiệp có tài khoản mở tại ngân hàng. Các thiết bị chấp nhận thẻ POS, ứng dụng mã QR Code được lắp đặt tại 3 trung tâm hành chính công, 9 bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh và 17 trường học trên địa bàn; ATM được lắp đặt tại Kho bạc Nhà nước tỉnh, 13 bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh và 9 trường học trên địa bàn.

Theo ông, đâu là động lực cho sự tăng trưởng hoạt động TTKDTM?

Đại dịch COVID-19 tác động tích cực đến tần suất sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại. Số lượng giao dịch trên các sàn TMĐT ngày càng tăng và sự thay đổi trong loại hình ứng dụng giao dịch yêu thích. Theo đó, người dân ngày càng có nhiều thiện cảm đối với TTKDTM và đang cố gắng chuyển đổi hết các giao dịch sang hình thức TTKDTM. Bởi các phương thức này thường nhanh, tiện lợi và quan trọng nhất là giúp giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Thách thức từ dịch COVID-19 chính là thời cơ “vàng” cho TTKDTM bứt tốc?

Điều này hoàn toàn đúng, vì thói quen tiêu dùng, chi tiêu… của người dân đã thay đổi nhiều. Vấn đề là làm sao nắm bắt được cơ hội để thúc đẩy. Và điều này đang được NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn nắm bắt khá tốt. Hiện, hệ thống các ngân hàng trên địa bàn, các cơ quan chức năng đang đề ra nhiều giải pháp thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt và hướng người dùng tới các hình thức thanh toán mới an toàn, tiện lợi hơn.

NHNN ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 về phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ. Về phía tỉnh, mục tiêu giai đoạn này là gì?

Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM đạt 20-25%/năm.

NHNN Việt Nam cũng đã ban hành Quyết định số 2006/QĐ-NHNN ngày 17/12/2021 triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, NHNN Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch hành động số 30/KH-TTH ngày 18/1/2022 với các nội dung được cụ thể hóa theo tình hình thực tế của địa phương.

Ông có thể thông tin về một số giải pháp được NHNN triển khai để thực hiện mục tiêu này trong năm 2022 và những năm tiếp theo?

NHNN chi nhánh tỉnh đã triển khai đến các TCTD trên địa bàn chủ trương chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy TTKDTM thông qua kế hoạch hành động, chương trình hành động của ngành ngân hàng trên địa bàn; trong đó đã đề ra các  mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.

NHNN chi nhánh tỉnh cũng tổ chức họp giao ban ngành ngân hàng, có công văn chỉ đạo các TCTD triển khai các quy định liên quan đến việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC), chỉ đạo các NHTM thực hiện chuyển đổi, phát triển ngân hàng số và phát triển thanh toán thẻ nội địa. Đồng thời, theo dõi, đôn đốc các TCTD triển khai tiêu chuẩn cơ sở thẻ chip nội địa, tăng cường kiểm soát an ninh hoạt động thanh toán, rà soát hệ thống máy giao dịch tự động và các thiết bị chấp nhận thẻ, phối hợp với cơ quan công an trong phòng, chống tội phạm công nghệ cao, thường xuyên cảnh báo khách hàng các rủi ro trong hoạt động TTKDTM...

Hoàng Loan (thực hiện)

https://baothuathienhue.vn/co-hoi-but-toc-trong-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-a109691.html

Tin liên quan
Xem tin theo ngày