Thực tế từ cơ sở
Mới đây, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam huyện A Lưới tổ chức đoàn giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trên địa bàn huyện tại các xã: Hồng Thái, Quảng Nhâm, Hồng Kim và thị trấn A Lưới.
Qua giám sát cho thấy, việc chi trả hỗ trợ cho các nhóm đối tượng đảm bảo đúng quy định. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, cần sớm khắc phục, đó là, việc thực hiện trình tự, thủ tục ở một số cơ sở thực hiện chưa chặt chẽ. Trong triển khai tổ chức thực hiện ở cơ sở, có nơi chưa sâu sát, chưa nghiên cứu sâu các văn bản của Trung ương, của tỉnh. Từ đó, trong quá trình thực hiện còn lúng túng, chậm tiến độ và còn bỏ sót đối tượng thụ hưởng phải bổ sung.
“Vẫn có trường hợp công chức phụ trách chính sách ở một số địa phương chưa nhiệt tình giải đáp thắc mắc cho người dân, nên người dân phải đến các cơ quan chức năng phản ánh, gây dư luận không tốt cho chính quyền cơ sở. Công tác giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã tuy có chú trọng thực hiện, song đôi lúc thiếu kịp thời, một số nơi thiếu tính chủ động. Một bộ phận người dân nhận thức chưa đầy đủ mục đích, ý nghĩa, quy định từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, nên còn đòi hỏi, gây áp lực với cán bộ, công chức trực tiếp ở cơ sở”, ông Pơ Loong Mái, Chủ tịch UBMTTTQ Việt Nam huyện A Lưới thừa nhận.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, cộng đồng dân cư đã thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong công tác giám sát, bảo vệ môi trường. Sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phản biện, tư vấn chính sách, giám sát về bảo vệ môi trường ngày càng thiết thực hơn; góp phần ngăn ngừa, phát hiện, xử lý nguy cơ ô nhiễm môi trường.
“Thông qua việc hình thành các mô hình cộng đồng tham gia giám sát, bảo vệ môi trường đã mang lại hiệu quả rất thiết thực. Ở Thủy Biều (TP. Huế) có cộng đồng tổ dân phố Đông Phước 2; ở xã Quảng Phú (Quảng Điền) có cộng đồng thôn Vạn Hạ Lang; ở huyện Phú Vang có cộng đồng xã Phú Hải; ở xã Phong Xuân (Phong Điền) có cộng đồng thôn Bến Củi... Chính sự GSPB của cộng đồng dân cư đã làm thay đổi diện mạo nông thôn mới; nhận thức trong giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân cũng không ngừng nâng lên”, bà Phạm Thị Ái Nhi, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh khẳng định.
Thống kê của UBMTTQVN tỉnh, từ 2013 đến nay, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì thành lập 29 đoàn giám sát; giám sát bằng nghiên cứu, xem xét văn bản 13 nội dung; phối hợp tham gia 177 đoàn giám sát với các đơn vị có liên quan. MTTQ Việt Nam cấp huyện trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 238 cuộc giám sát bằng hình thức thành lập đoàn; 127 cuộc giám sát bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản và trực tiếp tham gia 881 cuộc giám sát với các cơ quan, đơn vị liên quan.
“Thông qua các cuộc giám sát đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên; giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của địa phương, cơ quan, đơn vị. Mặc dù còn nhiều hạn chế về hình thức tổ chức, tuy nhiên Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã tổ chức 6 hội nghị phản biện, tham gia 44 cuộc phản biện theo hình thức gửi dự thảo văn bản…”, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Nam Tiến cho biết.
Chọn những nội dung trọng tâm, trọng điểm
Đánh giá của UBMTTQ Việt Nam tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác GSPBXH thời gian qua còn những tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục để đạt kết quả cao hơn. Đó là, công tác giám sát của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa phương, nhất là cơ sở vẫn còn lúng túng trong việc xác định nội dung, đối tượng giám sát, chưa bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương; còn mang tính hình thức, chưa có khả năng để đi sâu giám sát một số lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Việc trả lời ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại các cuộc tiếp xúc cử tri, đối thoại trực tiếp với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền của một số ban, ngành, một số địa phương còn chậm, chưa đáp yêu cầu mong đợi của người dân. Mặt trận một số địa phương chậm kiện toàn, củng cố tổ chức Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng và các Tổ tự quản ở cộng đồng dân cư nên chưa phát huy tối đa hiệu quả giám sát của các tổ chức này.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chỉ đạo, hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh cần tiếp tục nâng cao chất lượng, đổi mới thực hiện công tác GSPBXH. Phát huy hơn nữa vai trò tập hợp quần chúng Nhân dân và các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội để tham gia GSPBXH; phải có những phương thức, cách thức triển khai GSPBXH một cách có chiều sâu, lĩnh vực cụ thể; lắng nghe, nắm bắt tư tưởng của Nhân dân để kịp thời phản ánh với cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết.
Ngày 12/4, qua làm việc với các sở, ban, ngành của tỉnh liên quan đến công tác GSPBXH của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giai đoạn 2013 – 2021, ngoài ghi nhận những nỗ lực cố gắng của tỉnh trong thực hiện công tác GSPBXH, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - Ngô Sách Thực đề nghị, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh cần chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch, nội dung GSPBXH. Việc GSPBXH phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, lành mạnh để góp phần xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền tốt hơn. Hoạt động GSPBXH phải chọn những nội dung có trọng tâm trọng điểm, là vấn đề bức xúc được chính quyền và Nhân dân quan tâm mới đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
Bài, ảnh: Tâm Anh
https://baothuathienhue.vn/tang-cuong-giam-sat-phan-bien-xa-hoi-a112338.html