Xây dựng đô thị văn minh: Người dân là chủ thể
Cập nhật 05/05/2022

Lấy người dân làm trung tâm, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tại TP. Huế đã được cụ thể hóa bằng những mô hình, phong trào gần gũi.

Sắc hồng Cố đô

Cuối tháng 3 vừa qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) cùng các đoàn thể chính trị - xã hội TP. Huế tổ chức phát động phong trào "Sắc hồng Cố đô" giai đoạn 2022 - 2023 tại vườn hoa Phan Đăng Lưu - Di tích Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba (phường Đông Ba).

Dịp này, 60 gốc hồng cổ Huế do Mặt trận, đoàn thể và Nhân dân các xã, phường đóng góp đã được trồng tại khu vực vườn hoa Phan Đăng Lưu. Mặt trận phường Đông Ba cũng vận động người dân tham gia chăm sóc, duy trì và bảo vệ cảnh quan tại khu vực vườn hồng cổ.

Chị Lê Hoàng Linh, người dân sống tại tuyến đường Phan Đăng Lưu chia sẻ, việc trồng vườn hồng cổ Huế được người dân thích thú, ủng hộ, bởi mang đậm bản sắc văn hóa vùng đất Cố đô. Bản thân chị thường xuyên cùng con nhỏ đến để tưới nước, chăm sóc.

Ông Hoàng Tân Ninh, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP. Huế cho biết, phong trào “Sắc hồng Cố đô” là sự tiếp nối, nhằm góp phần gìn giữ, phát huy các kết quả đã đạt được, đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thi văn minh” và thiết thực góp phần thực hiện đề án Ngày Chủ nhật xanh “Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng” cùng mô hình “Huế - Thành phố bốn mùa hoa”.

Sau lễ phát động, Mặt trận và đoàn thể các cấp trên địa bàn thành phố đã vận động, khuyến khích cộng đồng dân cư, các tôn giáo, các cơ quan, trường học, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thực hiện việc ươm trồng, nhân giống rộng rãi và chăm sóc, bảo vệ các loại hoa, nhất là các loại hoa hồng của xứ Huế tại nhiều tuyến đường, tuyến kiệt và địa điểm công cộng. Qua đó, tạo điểm nhấn về cảnh quan, nâng cao ý thức bảo vệ bền vững môi trường sinh thái và phục vụ lợi ích cộng đồng.

Theo ông Hoàng Tân Ninh, phong trào "Sắc hồng Cố đô" phải gắn với việc xây dựng cơ quan văn hóa, gia đình, thôn, tổ dân phố văn hóa và song hành cùng các phong trào "Chủ nhật xanh", "Chủ nhật vì cộng đồng", "Điểm xanh văn hóa", "Dân vận khéo xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", "Nuôi dưỡng tình yêu sách và văn hóa đọc"… để có thể duy trì hiệu quả tốt nhất.

Hợp lòng dân

Không riêng phong trào “Sắc hồng Cố đô”, trong năm 2021, Mặt trận thành phố đã phối hợp cùng Ban Dân vận Thành ủy và các đoàn thể thực hiện tốt phong trào thi đua "Dân vận khéo xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Chủ nhật vì cộng đồng", "Tết Huế".

Đáng chú ý là mô hình "Điểm xanh văn hóa" được triển khai đồng loạt tại nhiều phường, nhằm tôn tạo những khu vực công cộng thành điểm sinh hoạt cộng đồng tại khu dân cư. Đến nay, đã có 9 "Điểm xanh văn hóa" được xây dựng phục vụ hoạt động văn hóa, thể dục thể thao của cộng đồng dân cư tại các phường Phú Hòa, Vĩnh Ninh, An Tây, An Đông, An Hòa, Vỹ Dạ, Tây Lộc, Phú Thượng… và đang được nhân rộng tại nhiều khu dân cư khác.

Điển hình là "Điểm xanh văn hóa" tại phường Phú Thượng. Từng là điểm tập kết cát sạn sát bờ sông bị bỏ hoang, khu đất trống nay được chính quyền địa phương đầu tư san lấp nền, xây dựng hàng rào và trồng hoa để phục vụ người dân.

Bà Hoàng Ánh Thư, cán bộ hưu trí sống tại phường Phú Thượng cho biết, khu đất hoang hóa cạnh bờ sông nay đã được “thay áo mới” khang trang, sạch sẽ. Điểm xanh giờ đây là nơi để người cao tuổi tập trung thể dục, thể thao vào buổi sáng hay dành cho các cháu nhỏ vui chơi sau mỗi giờ học.

“Không ai bảo ai nhưng mọi người đều tự giác giữ gìn vệ sinh và luân phiên chăm sóc cây cối tại điểm xanh. Chung sức giữ gìn điểm công cộng cũng là để bản thân mỗi cư dân đều được thụ hưởng về lâu dài”, bà Thư chia sẻ.

Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN TP. Huế, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai gắn với phấn đấu mục tiêu xây dựng thành phố đến năm 2025 trở thành đô thị có con người sống văn hóa, nhân ái, thân thiện; có đô thị xanh, sạch, đẹp; có kinh tế phát triển trên nền tảng di sản, tri thức và hội nhập…

Thời gian tới, Mặt trận thành phố sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các mô hình dân vận trong hệ thống Mặt trận. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả các mô hình tự quản khu dân cư như: “Tổ tự quản điểm xanh văn hóa”; “Tổ tự quản an ninh trật tự”; “Tổ tự quản tuyến đường văn minh”…

Bài, ảnh: Minh Nguyên

https://baothuathienhue.vn/xay-dung-do-thi-van-minh-nguoi-dan-la-chu-the-a112630.html

Tin liên quan
Xem tin theo ngày