Nâng thương hiệu điểm đến
Nhắc đến ẩm thực Huế người ta nghĩ ngay đến vùng đất từng là kinh đô của cả nước, bao nhiêu tinh hoa ẩm thực từng tụ hội về. Vì thế, trong số hơn 2.300 món ăn được khảo sát thì Huế có đến 1.700 món, chiếm 2/3 của cả nước. Do đó, việc phát huy giá trị tinh hoa văn hóa ẩm thực Huế rất quan trọng. Không chỉ giữ gìn di sản của ông cha, mà còn là cơ hội để ngành văn hóa và du lịch phát triển, thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương.
Khi văn hóa ẩm thực Huế phát triển có thể đứng trên trường quốc tế sẽ là kênh quảng bá, truyền thông hiệu quả nhất, thúc đẩy kênh tiêu thụ lương thực, thực phẩm của tỉnh ra thị trường toàn quốc và nhiều khu vực trên thế giới.
Ông Nguyễn Quốc Thành – Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực tỉnh cũng cho rằng, hiệp hội ra đời là bước ngoặt kết nối các nghệ nhân, chuyên gia nghiên cứu văn hóa ẩm thực, các doanh nghiệp chuyên kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực. Từ đây sẽ có định hướng, chiến lược cụ thể rõ ràng trong việc phát huy, tôn vinh ẩm thực Huế. “Việc đầu tiên chúng tôi sẽ làm đó là liên kết, mở lớp đào tạo cho những người đam mê ẩm thực, lưu giữ những món ngon truyền thống Huế”, ông Thành nói và cho biết, những người đứng lớp chính là các nghệ nhân ẩm thực gạo cội của Huế.
Nói về sự ra đời của hiệp hội, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch cho rằng, hiệp hội như diễn đàn và sân chơi có tính hàn lâm, chuyên nghiệp, tiêu chuẩn hơn cho các doanh nhân, doanh nghiệp, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu có liên quan đến lĩnh vực ẩm thực cùng các nghệ nhân ẩm thực và đầu bếp chuyên nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Theo ông Phúc, việc này góp phần nâng cao vị thế ẩm thực Huế nói riêng và miền Trung nói chung, xứng tầm vị thế quốc gia và quảng bá ra thế giới.
Sớm ban hành, xác định các tiêu chuẩn văn hóa ẩm thực
Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam – Nguyễn Quốc Kỳ khẳng định, trách nhiệm của Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam và Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Thừa Thiên Huế là đoàn kết mọi tầng lớp, từng bước tôn vinh và phát triển di sản văn hóa ẩm thực của nước nhà. Việc này nhằm thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam, phát triển kinh tế Việt Nam, đặc biệt là kinh tế ban đêm. Riêng với Huế, nơi hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi nên việc phát triển văn hóa ẩm thực càng quan trọng và cần được triển khai.
Về chiến lược góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực Huế, ông Nguyễn Văn Phúc cho rằng, hiệp hội cần phải hoàn thành nhiều mục tiêu. Trong đó, chú trọng khâu phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu các món ẩm thực truyền thống, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực, giao lưu trao đổi kinh nghiệm nhằm tăng cường công tác bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực của tỉnh. Tham gia tư vấn cho các cấp chính quyền xây dựng chiến lược phát triển văn hóa ẩm thực của địa phương, xây dựng các tiêu chuẩn, định chuẩn cho các cơ sở kinh doanh, sản xuất và chế biến thực phẩm.
“Hiệp hội cần nghiên cứu, chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng xây dựng, ban hành các quy định và xác định tiêu chuẩn của văn hóa ẩm thực, phát triển văn hóa ẩm thực của tỉnh. Cần phối hợp với ngành du lịch đẩy mạnh công tác giới thiệu quảng bá ẩm thực, gắn với du lịch đến trong nước và ngoài nước thông sự kiện của hiệp hội và các hội chợ, sự kiện du lịch trong và ngoài nước”, ông Phúc lưu ý và tin rằng hiệp hội sẽ là chiếc “cầu nối” để mang những món “ngon và lành” đặc sắc của tỉnh đến với du khách và bạn bè quốc tế.
Bài, ảnh: NHẬT MINH
https://baothuathienhue.vn/cau-noi-phat-huy-gia-tri-tinh-hoa-am-thuc-hue-a113176.html