Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Cập nhật 29/06/2022

Tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn không đạt theo yêu cầu, trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương, vốn ODA, tỷ lệ giải ngân còn thấp. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, chủ đầu tư triển khai ngay các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, đảm bảo yêu cầu trong những tháng còn lại.

Chưa đạt yêu cầu

Ông Võ Văn Việt, Giám đốc Ban Quản lý dự án (DA) đầu tư xây dựng Chương trình phát triển các đô thị loại II, thông tin lũy kế vốn đến nay đạt hơn 862 tỷ đồng, nguồn vốn bố trí trong năm 2022 hơn 556 tỷ đồng, trong khi lũy kế giải ngân đến nay đạt hơn 308 tỷ đồng. Hiện nay vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) khiến nhiều gói thầu, hạng mục thuộc DA chậm tiến độ, đặc biệt đối với các hộ dân đã nhận tiền đền bù nhưng chưa chịu di dời. Chủ đầu tư đã kiến nghị các địa phương sớm giải quyết.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tổng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 của tỉnh hơn 4.266 tỷ đồng. Tại thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương về việc báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân các DA sử dụng vốn ngân sách Trung ương và vốn ODA năm 2022 cho thấy, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn không đạt theo yêu cầu của UBND tỉnh; trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương, vốn ODA tỷ lệ giải ngân còn thấp, ảnh hưởng đến tỷ lệ chung của toàn tỉnh. Việc giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân, ngoài tác động của nguyên nhân khách quan làm chậm tiến độ các DA, nguyên nhân chủ quan từ phía chủ đầu tư, các địa phương là chủ yếu.

Theo đó, có 13/17 DA sử dụng vốn ngân sách Trung ương giải ngân dưới 20%, trong đó có 7 DA có số giải ngân rất thấp hoặc chưa thực hiện giải ngân như nâng cấp, sửa chữa tuyến Hói Hà, Hói Nậy - huyện Phong Điền (0%); đường Chợ Mai - Tân Mỹ - huyện Phú Vang (2,4%); đường phía đông đầm Lập An - huyện Phú Lộc (1,9%); DA bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế - hợp phần Bồi thường GPMB (0%); phục hồi điện Kiến Trung - Tử Cấm Thành (13,4%); tu bổ và phát huy giá trị tổng thể lăng vua Gia Long phần còn lại (0%); Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh (0%).

Đặc biệt, có 5/7 DA sử dụng vốn ODA có số giải ngân dưới 20%, trong đó có 3 DA chưa thực hiện giải ngân gồm: Cải thiện dịch vụ y tế tỉnh (0%); tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai thực hiện tại tỉnh (0%); xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương - LARM Huế (0%).

Lập kế hoạch giải ngân chi tiết

Đối với chủ đầu tư các DA sử dụng vốn ngân sách Trung ương thuộc diện phải hoàn thành trong năm 2022, đã kết thúc thời gian bố trí vốn đối với DA nhóm B theo quy định của Luật Đầu tư công, không bố trí kế hoạch năm 2023 như: Đường Phú Mỹ - Thuận An, đường Chợ Mai - Tân Mỹ, đường phía Đông đầm Lập An, Phục hồi điện Kiến Trung - Tử Cấm Thành, yêu cầu chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với địa phương thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, GPMB và giải ngân hết nguồn vốn ngân sách Trung ương DA thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Tiếp tục hoàn chỉnh các thủ tục để triển khai các DA: Đê chắn sóng Cảng Chân Mây giai đoạn 2, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài trong năm 2022. Hoàn thành việc di dời dân cư khu vực 1 di tích Kinh thành Huế giai đoạn 1 trong năm 2022.

Đối với các DA ODA cơ bản phải giải ngân kế hoạch năm 2022 trước ngày 30/9/2022, trong đó các địa phương chịu trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoạt động DA trên địa bàn. Tập trung GPMB, phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/6 để đẩy nhanh tiến độ xây lắp các DA: Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng sông Mê Công mở rộng - giai đoạn 2, Chương trình phát triển các đô thị II - các đô thị xanh.

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Ban Quản lý DA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh thông tin, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư một số công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn, hiện nay, vướng mắc trong công tác GPMB và thiếu vật liệu san lấp đang ảnh hưởng đến tiến độ một số hạng mục và tiến độ chung của công trình. Chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các địa phương từng bước tháo gỡ khó khăn, tập trung GPMB đảm bảo bàn giao mặt bằng dạng “cuốn chiếu” để thi công và đề xuất khối lượng nhằm chủ động nguồn cung vật liệu san lấp, xây dựng kế hoạch thực hiện, nghiệm thu công trình khi có yêu cầu.

Mới đây, tại cuộc họp về công tác GPMB, đẩy nhanh tiến độ các DA, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu đối với các DA có khối lượng GPMB lớn, vướng mắc kéo dài các địa phương cần tập trung chỉ đạo giải quyết. Chủ đầu tư và chính quyền địa phương theo thẩm quyền tổ chức lập và phê duyệt phương án, kế hoạch, tiến hành GPMB và tái định cư. Tập trung công tác GPMB, chủ đầu tư thanh toán ngay khi có khối lượng, chủ động tham mưu điều chuyển kế hoạch vốn giữa các DA ngân sách Trung ương, ODA chậm giải ngân sang DA có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn và ưu tiên bố trí đủ vốn cho các hiệp định kết thúc năm 2022, 2023...

Xử lý đơn vị không hoàn thành kế hoạch giải ngân

UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT phối hợp với Sở Tài chính theo dõi, tổ chức kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, đánh giá tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Báo cáo UBND tỉnh danh sách các đơn vị không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ yêu cầu, để mất vốn ngân sách Trung ương, trong đó đề xuất phương án xử lý phù hợp; danh sách các nhà thầu vi phạm tiến độ hợp đồng, không đảm bảo năng lực thực hiện và kiến nghị UBND tỉnh biện pháp xử lý nghiêm, theo đúng quy định pháp luật.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

https://baothuathienhue.vn/day-nhanh-tien-do-giai-ngan-von-dau-tu-cong-a114852.html

Tin liên quan
Xem tin theo ngày