|
|
|
Cảnh Dương - Lăng Cô sẽ là khu du lịch quốc gia Cập nhật 18/10/2019
Hàng loạt dự án lớn được triển khai, cùng với đó là quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc hỗ trợ các dự án triển khai thuận lợi, không lâu nữa, du lịch tại Cảnh Dương - Lăng Cô hứa hẹn sẽ bừng sáng và “hình hài” khu du lịch quốc gia sẽ sớm hiện hữu.
Cơ hội cho nhà đầu tư
Năm 2019, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được xem là đại công trường khi nhiều dự án, công trình được đầu tư, khởi công xây dựng. Thay vì những dự án du lịch “đắp chiếu” với thời gian dài, hiện hoạt động xây dựng đang diễn ra khẩn trương và sôi động. Dải đất cát dọc bờ biển từ Lăng Cô đến Cảnh Dương đã và sẽ được phủ kín bằng những resort, trung tâm du lịch đẳng cấp.
Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh cho biết, với khu vực từ Cảnh Dương đến Lăng Cô, có thể “điểm mặt” những dự án du lịch mang tầm quốc tế đang được xây dựng, như Laguna Lăng Cô khi nâng tổng vốn đầu tư lên 2 tỷ USD và đang triển khai các hạng mục; dự án Khu du lịch Quốc tế Minh Viễn với diện tích 102ha, bao gồm hệ thống khách sạn, khu resort, trung tâm hội nghị và các dịch vụ bổ trợ đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao, có tổng mức đầu tư 368 triệu USD. Dự kiến, cuối năm 2019, giai đoạn I của dự án sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động.
Mới đây, dự án Khu phức hợp du lịch và dịch vụ Đăng Kim Long cũng được động thổ, với tổng vốn đầu tư 3.730 tỷ đồng, diện tích 59,4 ha. Hai dự án lớn là Khu du lịch Lăng Cô- đầm Lập An (vốn đăng ký 8.000 tỷ đồng); dự án Khu du lịch Bãi Cả (tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng) cũng được hoàn tất thủ tục để cấp phép đầu tư. Ngoài ra, tại khu vực biển Cảnh Dương, Bình An (Lộc Vĩnh) cũng sẽ quy hoạch thành một đô thị du lịch kiểu mẫu, vừa đảm bảo tính hiện đại, vừa có cảnh quan, môi trường.
Qua thực tiễn để thấy, các dự án du lịch ở Chân Mây- Lăng Cô bị chậm tiến độ đa số là do giải phóng mặt bằng vị vướng mắc, chậm giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Hay những nhà đầu tư muốn “xí phần” đã khiến nhiều dự án “đắp chiếu”, môi trường đầu tư thiếu sự sôi động.
Cảnh Dương - Lăng Cô sẽ là khu du lịch quốc gia
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ kiểm tra các dự án tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, tỉnh sẽ tạo điều kiện cho chủ đầu tư, nhưng cũng tăng cường giám sát. Quan điểm của tỉnh là luôn trải thảm đỏ chào đón các nhà đầu tư, nhưng kiên quyết không để tình trạng trục lợi, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Do đó, giám sát sẽ giúp tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh, vừa có thể hỗ trợ kịp thời cho chủ đầu tư khi gặp vướng mắc.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, một trong những ưu đãi quan trọng nhất của tỉnh đối với chủ đầu tư là sự tâm huyết, hỗ trợ thủ tục, tập trung nguồn lực để đẩy nhanh quá trình giải phóng mặt bằng, giúp chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ.
Ông Don Lâm, đồng sáng lập, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital đánh giá, lợi thế của miền Trung là hạ tầng và sân bay. Một lợi thế khác của miền Trung là giá dịch vụ lưu trú trung bình cao hơn so với hai đầu đất nước, trong khi giá đất để đền bù cho dự án lại rẻ. Do đó, đầu tư vào miền Trung sẽ sinh lợi nhanh hơn. “Lăng Cô sẽ là điểm tiếp theo mà VinaCapital đầu tư, bởi khu vực này hội tụ các yếu tố thuận lợi cho chúng tôi”, ông Don Lâm khẳng định.
Ông Gavin Herholdt, Giám đốc Laguna Lăng Cô phân tích, lý do mà Laguna tăng vốn đầu tư lên 2 tỷ USD là bởi khu vực Cảnh Dương – Lăng Cô nằm giữa hai Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng và Phú Bài (Huế), giao thông di chuyển đến 2 sân bay cũng thuận lợi. Điều được xác định sẽ giúp Laguna Lăng Cô tăng trưởng lượng khách ổn định.
Hướng đến khu du lịch quốc gia
Hiện nay bến số 2, số 3 và đê chắn sóng của cảng Chân Mây đang gấp rút triển khai. Cảng Chân Mây sẽ sớm thành cảng du lịch, sẵn sàng đón các du thuyền cập cảng với thời gian lâu hơn và tàu có trọng tải lớn. Ông Gavin Herholdt cho rằng, ngoài đường hàng không, đường thủy chính là yếu tố quan trọng không kém đưa khách đến với Huế.
Một thuận lợi nữa cho khu vực phía Nam của tỉnh là vào ngày 19/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Lăng Cô- Cảnh Dương đến năm 2025 tầm nhìn 2030. Theo đó, phát triển Lăng Cô- Cảnh Dương xứng tầm một điểm đến mang tầm cỡ quốc tế với những sản phẩm du lịch nổi bật về nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, các sự kiện văn hóa- thể thao, cảng quốc tế; hình thành được thương hiệu Khu du lịch Quốc gia Lăng Cô- Cảnh Dương, nâng cao sức cạnh tranh, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Khu du lịch Lăng Cô- Cảnh Dương sẽ được kết nối chặt chẽ với thành phố Festival Huế và các điểm du lịch trọng điểm khác trong tỉnh, như Vườn quốc gia Bạch Mã, đầm Cầu Hai, Hải Vân quan; hình thành mối liên kết với các khu, điểm du lịch trọng điểm trong khu vực miền Trung, như khu du lịch Cửa Tùng- Cửa Việt (Quảng Trị), Khu du lịch Quốc gia Sơn Trà, Khu du lịch Bà Nà, Non Nước (Đà Nẵng).
Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế ưu đãi nhất theo quy định hiện hành để thu hút đầu tư vào Chân Mây- Lăng Cô, để trở thành khu du lịch biển, đảo có sức cạnh tranh quốc tế. Như thế, Lăng Cô- Cảnh Dương sẽ là điểm đến nổi bật của khu vực và cả nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, với các dự án, tỉnh sẽ quyết tâm bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư, cùng với đó xây dựng những khu dân cư mới, có hạ tầng, cơ sở vật chất đầy đủ để tạo thành đô thị du lịch cho khu vực phía Nam của tỉnh. Tỉnh cũng sẽ hình thành tổ giám sát các dự án, do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ phó và các sở, ban, ngành liên quan làm tổ viên. Điều này giúp việc triển khai các dự án nhanh, đảm bảo tiến độ.
Huế liên tiếp ký kết với các nhà đầu tư lớn, cùng với đó là những tập đoàn du lịch hàng đầu trong nước và quốc tế mong muốn "rót" vốn. Bức tranh với những gam màu tươi sáng đang dần hiện rõ hơn tại Lăng Cô - Cảnh Dương, nơi được vinh danh là vịnh đẹp thế giới.
|
|
|
|