Nông thôn mới phải thực sự “mới”
Cập nhật 19/08/2020

Sự đổi thay của Hương Thọ (Hương Trà) đến từ việc phát huy tiềm năng, lợi thế của xã vùng đồi và kết quả của chặng đường 8 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Lợi thế riêng có

Lên Hương Thọ mới thấy sự trở mình của vùng đất với nhiều di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng. Từ các tuyến đường khang trang dọc chiều dài của xã đến các con đường liên thôn, xóm cùng nhà cửa san sát xen giữa không gian xanh của vườn đồi, vườn rừng.

Chủ tịch UBND xã Hương Thọ Nguyễn Văn Quý hồ hởi, Hương Thọ có điều kiện tự nhiên và dân số “lý tưởng”. 98% trong tổng số trên 1 ngàn hộ đều có rừng trồng. Người dân có điều kiện phát triển kinh tế từ cao su, trồng rừng và cây ăn quả - “điều kiện tiên quyết để nâng cao thu nhập, đời sống cho bà con”, ông Quý nói. 

Hiện xã có trên 1.100ha rừng kinh tế, hơn 500 ha cao su đang “hái ra tiền”, chưa kể các mỏ khai thác đá, thế mạnh về du lịch với các di tích lăng Gia Long, Minh Mạng, điện Hòn Chén… hàng năm thu hút hàng vạn lượt khách tham quan.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở Hương Thọ là 38 triệu đồng, phấn đấu đến cuối 2020 đạt 40 triệu đồng/người/năm.

Ngoài ưu thế trong phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông phát triển cũng là yếu tố mà người dân xã vùng gò đồi tự hào.

Không chỉ có cầu Hữu Trạch khang trang, đem lại nhiều cơ hội phát triển cho người dân trên địa bàn. Mới đây, đường vào thôn Sơn Thọ cũng được mở rộng tới tận hồ đập với kinh phí 12 tỷ đồng (kể cả nâng đập Sơn Thọ). Tuyến đường vào lăng Gia Long với kinh phí 19 tỷ đồng đã hoàn tất và chuẩn bị đầu tư đường vào Điện Hòn Chén với số tiền 19 tỷ đồng (dự kiến quý 4 triển khai). Xã chuẩn bị đấu thầu xây dựng đường liên thôn từ Trạm Y tế về thôn Hải Cát (1,8 tỷ đồng), thị xã đang khảo sát các tuyến đường vào cụm lăng 9 chúa, làm đường liên thôn Hải Cát - La Khê Bãi… tương lai Hương Thọ sáp nhập vào thành phố, bộ mặt xã NTM càng khang trang.

Gỡ khó

Do có địa thế trải dài, lâu nay, các trường học trên địa bàn đều có từ 2 cơ sở, thậm chí trường mầm non có đến 4, tiểu học 3 cơ sở. Khi hầu hết các tiêu chí xây dựng NTM xã đều phấn đấu đạt thì lại “vướng” ở chỉ tiêu trường đạt chuẩn quốc gia trong tiêu chí giáo dục. “Với điều kiện như vậy, để hạ tầng trường học đạt chuẩn rất khó”, Bí thư Đảng uỷ xã Hương Thọ Nguyễn Xuân Lam cho hay.

“Chúng tôi đã đề nghị thị xã chuyển Trường THCS Tôn Thất Bách về một cơ sở tại thôn La Khê Trẹm, gộp trường mầm non còn 2 cơ sở và trường tiểu học 2 cơ sở. Đồng thời, trường mầm non được đầu tư xây dựng 6 phòng học và đang triển khai, trường tiểu học cũng đang hoàn thiện 6 phòng học”, ông Lam thông tin.

Hiệu Trưởng Trường THCS Tôn Thất Bách - thầy Trần Văn Bình vui mừng: “Sáng 11/8 trường khởi công tu sửa làm mới 12 phòng học sau đó sẽ xây dựng cổng tường rào, sân nền với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng”. Hiện nhà trường chỉ có 200 học sinh và gần 30 cán bộ quản lý, giáo viên nhưng do chia làm 2 cơ sở nên phân tán, việc đầu tư xây dựng cũng khó, tốn kém hơn. Việc tu sửa phòng học phấn đấu hoàn thành sớm để các em có phòng học trước năm học mới, riêng các hạng mục còn lại sẽ tiếp tục vừa dạy học vừa làm. “Ngoài các hạng mục được đầu tư đợt này, để được công nhận đạt chuẩn quốc gia, nhà trường vẫn thiếu khu hiệu bộ (với 6 phòng), dự kiến đưa vào đầu tư công 2021”, thầy Bình cho biết. Hiện Hương Thọ đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và đang đề xuất công nhận xã đạt chuẩn NTM 2020.

Xen với niềm vui “cán đích”, chính quyền địa phương cũng lo lắng với việc làm sao để duy trì và giữ vững tiêu chí đã đạt. Lý giải cho sự “lo xa” này, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Quý cho hay, trong các tiêu chí, có nhiều chỉ tiêu chỉ đạt ở mức tối thiểu. Do đó, “xã sẽ huy động mọi nguồn lực, tranh thủ nguồn vốn của cấp trên tập trung xây dựng các chỉ tiêu ở mức tiệm cận thấp, quy hoạch các khu cấp quyền sử dụng đất ở khu vực Hoà An và Hải Cát 1 để có nguồn kinh phí tái đầu tư”.

www.baothuathienhue.vn
Tin liên quan
Xem tin theo ngày