Những làng biển đầu tiên
Xưa người Việt di dân vào Thuận Hóa, chủ yếu đi bằng đường thủy (men theo bờ biển) rồi tìm vào các cửa sông. Vùng đầm phá ven biển Thừa Thiên Huế là nơi có ruộng, hồ đầm chính là nơi lý tưởng để người Việt dừng chân. Một số thích nghi với việc làm ruộng và đánh bắt thủy, hải sản thì chọn vùng đất đầm phá để định cư. Một bộ phận khác tiếp tục theo nguồn sông tìm đến những vùng đất phù sa ven sông để lập làng, số đến sau lại tiếp tục lên vùng thượng nguồn để sinh sống. Các vị tổ khai canh, khai khẩn của các họ ở các địa phương lân cận đã dừng lại dải đất này để khai phá đất đai, tính kế lâu dài cho con cháu.
Các làng biển đầu tiên của Thừa Thiên Huế được ghi nhận trong sách “Ô châu cận lục” của Dương Văn An là Thai Dương (Thuận An), Hòa Duân (Phú Thuận), Kế Chủng (Phú Diên)… Sở dĩ các làng biển ít hơn và thành lập muộn hơn so với các làng thuần nông là bởi: người làm nông di cư chỉ cần cây dao, cái cuốc là có thể phát cây, lập nương vườn; trong khi ngư dân muốn mang theo ngư cụ thì cần thời gian. Thông thường, các làng thuần nông có trước, sau đó các làng biển mới vào lập làng sau, đánh bắt rồi buôn bán với nông dân.
Buổi đầu, các làng biển được gọi với các tên khác nhau. Ví dụ gọi là “Kẻ”, như Kẻ Câu (làng Xuân Hòa), gọi là “phường” như phường Mỹ Toàn (xã Vinh Mỹ), phường Nội Phủ, Hoa Diên (làng Phương Diên, xã Phú Diên)… Làng biển có làng bãi dọc là làng nằm dọc các con sông lớn, như ở cửa Thuận An, cửa Vinh Hiền. Làng bãi ngang là làng nằm theo bờ biển. Xưa có câu “Làng bãi dọc ngư nhọc, nông nhàn/ Làng bãi ngang ngư nhàn, nông nhọc”…Tín ngưỡng đa thần là nét nổi bật của làng biển xứ Huế. Chỉ một làng Phương Diên (Phú Vang) đã có 8 miếu thờ các vị thần Nam Hải, Cao các Đại vương, Long thần, Bổn thổ Thành hoàng, Phi vận tướng quân, Ngư Ông, Nguyễn Quý Công, Trần Quý Công…
Hàng trăm năm qua, các làng biển ngày càng phát triển, góp phần xây dựng và phát triển vùng biển Thừa Thiên Huế giàu có về văn hóa, mạnh về kinh tế, đóng góp nhiều cho việc giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc. Ví như năm 2020, Làng văn hóa Phương Diên (xã Phú Diên) đã đón nhận 2 kỷ lục Việt Nam được xác lập là: Hò chèo cạn - Điệu hò dân gian miền Trung đầu tiên được áp dụng trong lễ hội đua ghe nan truyền thống trên biển ở địa phương cấp làng xã và lễ hội đua ghe nan truyền thống trên biển ở địa phương cấp làng xã (chu kỳ 3 năm/lần) được bảo tồn và duy trì lâu đời nhất. Làng Mỹ Lợi (Vinh Mỹ) có một văn bản Hán Nôm cổ liên quan đến Hoàng Sa lập dưới thời Lê, năm 1759 cho biết ít nhất năm 1743 Việt Nam đã có đội thuyền Hoàng Sa, đã bàn giao tư liệu cho Bộ Ngoại giao…
Cùng tỉnh nhà hướng ra biển lớn
Trong hoàng hôn rất đẹp, ngư dân Nguyễn Thanh Đô, chủ tàu ở xã Phú Thuận (Phú Vang) cập thuyền vào bờ sau chuyến đi biển kéo dài hơn 2 tuần. Ra khơi từ khi còn là một thanh niên 19 tuổi, đến nay ông có 30 năm gắn bó với biển, xem biển “là nhà”. Mỗi chuyến ra khơi không còn là hành trình đánh bắt hải sản, kiếm kế sinh nhai... mà đó còn là hành trình để bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo.
Cũng vậy, hơn 30 năm làm nghề biển, ông Trần Dũng (phường Thuận An) ban đầu ra khơi chỉ với chiếc thuyền nan nhỏ bé đánh bắt vùng lộng. Rồi ông tích cóp, vay mượn đóng chiếc tàu xa bờ từ 90CV, cải hoán lên 300CV, rồi 400CV. Nay ông có chiếc tàu vỏ thép có trị giá hàng chục tỷ đồng, vươn khơi đến vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa. Ở phường Thuận An (Huế), hiện có 337 tàu thuyền lớn, nhỏ đánh bắt gần bờ và xa bờ, trong đó ngư trường xa bờ tập trung chủ yếu ở Hoàng Sa với 122 tàu, sản lượng hải sản khai thác đạt hơn 10.000 tấn/năm. Từ khi có CLB “Ngư dân trẻ vươn khơi bám biển” thì hoạt động ngư nghiệp của địa phương trở nên sôi động.
Thừa Thiên Huế đang phấn đấu trở thành tỉnh “mạnh về biển, giàu từ biển”. Hiện nay, ngoài cảng cá Thuận An, tỉnh có cảng nước sâu Chân Mây với quy mô gồm các bến cảng tổng hợp. Các dự án ven biển nhất là Khu du lịch Laguna Lăng Cô đang vận hành hiệu quả. Một số dự án lớn cũng được triển khai như Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn - Lăng Cô, khu nghỉ dưỡng Địa Trung Hải, dự án khu khách sạn, dịch vụ nghỉ dưỡng, biệt thự tại các xã ven biển Vinh Thanh, Vinh Xuân (huyện Phú Vang) của Tập đoàn BRG...
Đặc biệt, Thừa Thiên Huế vừa có quyết định đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển (đoạn từ huyện Phong Điền đến Lăng Cô, huyện Phú Lộc) có tổng chiều dài khoảng 127km. Tuyến này được đánh giá là “con đường vàng” kết nối, tích hợp thuận lợi với mạng lưới giao thông của từng địa phương; kết nối các tỉnh, thành ven biển miền Trung; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và du lịch, từ đó góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ vùng biển, đảo Thừa Thiên Huế.
Làng biển đang cùng toàn tỉnh hướng ra biển lớn.
Đến nay, toàn tỉnh đang có trên 400 phương tiện tàu, thuyền khai thác xa bờ. Trong đó, đã đóng mới 40 chiếc tàu khai thác thủy sản có công suất từ 400CV đến dưới 1.000CV (theo Nghị định 67) và trên 2.000 phương tiện bãi ngang ven biển, đầm phá. Các tàu này không chỉ tổ chức đánh bắt hải sản đưa lại hiệu quả kinh tế, mà còn tham gia nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, “Mỗi thuyền là một cột mốc sống”. Thành lập từ năm 2015, Thừa Thiên Huế hiện có 92 “tổ tàu thuyền an toàn trên biển” với 318 phương tiện, 1.305 thuyền viên. Mỗi tổ khoảng 10 - 12 người.
Bài: ĐẶNG NGỌC NGUYÊN -
Ảnh: NGUYỄN PHONG
https://baothuathienhue.vn/bien-lang-bien-xu-hue-a116666.html