Tại cuộc họp, theo báo cáo của UBND huyện A Lưới cho biết, về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, huyện A Lưới đang tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng Kinh tế - Xã hội; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững trên địa bàn; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; triển khai các quyết định, chương trình nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2021-2025.
Về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, A Lưới tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các tiêu chí khó đạt và những chỉ tiêu trong các tiêu chí mới theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025. Đã có 22 công trình có Quyết định phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật, với tổng mức đầu tư: 58.632 triệu đồng. Hiện nay có 21/50 vườn thực hiện mô hình phát triển kinh tế vườn (huyện hỗ trợ sau đầu tư, hỗ trợ 5 triệu đồng/vườn nếu đạt tiêu chuẩn vườn mẫu).
Về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 – 2030, A Lưới triển khai rà soát, tổng hợp các nội dung theo từng dự án thành phần tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025…
Theo báo cáo của UBND huyện Nam Đông, về chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, năm 2022 huyện Nam Đông triển khai 31 công trình đầu tư công với tổng kế hoạch vốn đầu tư là 31.142 triệu đồng (trong đó NSTW là 15.429 triệu đồng, ngân sách tỉnh là 10.999 triệu đồng, ngân sách huyện là 4.714 triệu đồng). Hiện nay, UBND huyện đã đề xuất tỉnh bố trí nguồn vốn sự nghiệp với tổng kinh phí đề nghị cấp tỉnh bố trí cho huyện là 5.420 triệu đồng. Các hạng mục đề nghị bố trí hiện nay đã chuẩn bị các thủ tục, đến khi được tỉnh giao kế hoạch vốn huyện sẽ khẩn trương triển khai thực hiện.
Về chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Nam Đông đã triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc và miền núi. Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Hiện nay, UBND huyện đã đề xuất tỉnh bố trí nguồn vốn sự nghiệp với tổng kinh phí đề nghị cấp tỉnh bố trí cho huyện là 3.153 triệu đồng.
Về chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tổng nguồn vốn dự kiến được phân bổ: 2.996 triệu đồng. Nam Đông đang triển khai thực hiện các dự án về đa dạng hóa sinh kế; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin…
Lãnh đạo Sở Lao động -Thương binh và Xã hội trao đổi tại cuộc họp
Tại cuộc họp, đại diện các Sở, ngành và các địa phương đã có những trao đổi, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, có những kiến nghị, đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, hoan nghênh và đánh giá cao các sở, ban, ngành, địa phương trong thời gian qua đã triển khai quyết liệt triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị Sở kế hoạch và đầu tư sớm hoàn tất kế hoạch giải ngân các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia. Cần phát huy vai trò các tổ công tác trong hỗ trợ các địa phương trong triển khai thực hiện, các địa phương cần chủ động, triển khai quyết liệt theo từng công việc được phân công.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, đề nghị các Sở, ngành rà soát cụ thể công việc triển khai tại các địa phương. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc cần quan tâm, chú trọng đến việc triển khai xóa nhà tạm cho người dân. Rà soát, thống kê về lao động việc làm, có kế hoạch cụ thể để triển khai tại huyện A lưới. Có đánh giá các mô hình sản xuất, các dự án để hỗ trợ sinh kế cho người dân. Trên cơ sở đó, cần xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng tuần. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị huyện A Lưới thường xuyên báo cáo từng tuần chi tiết, cần phải bắt tay chỉ việc, từng đầu việc một trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần hướng dẫn cho các địa phương trong thủ tục các hồ sơ điều chỉnh theo từng danh mục dự án, qua đó có kiểm tra, đánh giá cụ thể trong quá trình thực hiện. Các sở, ban, ngành và địa phương cần sớm có kế hoạch triển khai thực hiện các chương trình MTQG cho năm 2023 và các năm tiếp theo.