45 năm Việt Nam tham gia Liên hợp quốc: Vị thế mới, thời cơ mới
Cập nhật 19/09/2022
45 năm trước, Việt Nam vừa chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, thống nhất đất nước. Khi ấy, Việt Nam là biểu tượng của phong trào giải phóng dân tộc, giành được rất nhiều tình cảm của nhân loại.
 

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui độc lập và thống nhất đất nước, Việt Nam lúc đó đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, khi vừa bước ra khỏi chiến tranh, cùng với nền kinh tế, kỹ thuật lạc hậu. Về mặt đối ngoại, nước ta đang còn bị bao vây, cấm vận của nhiều nước.

Bởi vậy, câu chuyện Liên hợp quốc (LHQ) chính thức kết nạp Việt Nam là thành viên có ý nghĩa rất lớn. Nhìn lại 45 năm qua, kể từ khi Việt Nam tham gia LHQ năm 1977, có thể rút ra một số điểm có ý nghĩa sau:

Thứ nhất, đó là việc công nhận một Việt Nam mới, hòa bình, thống nhất, độc lập và tham gia vào các cơ chế quốc tế, dù khi đó vẫn đang còn bị cấm vận. Đó cũng là kết quả của cả quá trình hình thành và phát triển phong trào rộng rãi các nước ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam. Việc chính thức gia nhập tổ chức toàn cầu lớn nhất này đã mở ra chương mới trong quan hệ của Việt Nam với thế giới, từ đó tạo điều kiện cho Việt Nam không chỉ tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế cho tái thiết đất nước, mà còn ngày càng tham gia, đóng góp sâu rộng hơn vào các công việc chung của LHQ và của thế giới. 

Ngay sau khi nghị quyết chấp thuận Việt Nam trở thành thành viên của LHQ, tổ chức này đã ra nghị quyết kêu gọi, giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam tái thiết đất nước sau chiến tranh, xóa đói giảm nghèo. Đây là bước khởi đầu lớn, tạo cơ sở được công nhận bởi LHQ trong việc vận động quốc tế giúp đỡ Việt Nam. Trong những năm Việt Nam còn bị cấm vận, từ 1977 cho đến cuối những năm 80 của thế kỷ 20, LHQ là tổ chức giúp đỡ Việt Nam nhiều nhất, từ việc khắc phục hậu quả chiến tranh đến xóa đói giảm nghèo, phát triển và nhiều sự trợ giúp khác. Vào những năm 90 của thế kỷ 20, LHQ là một trong những tổ chức đi đầu giúp đỡ Việt Nam hoạch định các chính sách và chương trình hành động về đổi mới, cải cách kinh tế, cải cách hệ thống pháp luật, hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy phát triển và hội nhập quốc tế.

Thứ hai, cùng với các thành tựu về đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế, Việt Nam đồng hành và đóng góp ngày càng hiệu quả vào các công việc chung của LHQ và thế giới. Điển hình nhất là việc Việt Nam tham gia vào hoạch định và thực hiện các Chương trình mục tiêu Thiên niên kỷ và Phát triển bền vững tới 2030 của LHQ, trở thành điển hình về hợp tác và thực hiện hiệu quả các chương trình hành động của LHQ.

Theo đó, chúng ta cũng tích cực tham gia vào các chương trình hợp tác của LHQ về môi trường, biến đổi khí hậu, phòng, chống dịch bệnh hay xóa đói giảm nghèo và giúp đỡ những người bị yếu thế. Việt Nam cũng đã tích cực phối hợp cùng LHQ triển khai các sáng kiến về hợp tác 3 bên giúp đỡ các nước ở châu Phi như về nông nghiệp, lương thực, giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo. Đây là quá trình hai bên cùng hợp tác và thúc đẩy vì những mục tiêu chung.

Thứ ba, Việt Nam luôn đề cao và tích cực đóng góp vào việc tăng cường các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và Luật pháp quốc tế, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển chung của các dân tộc. Đây cũng là nguyên tắc nhất quán trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Chúng ta ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của LHQ về vấn đề này như: Đề cao hợp tác, đối thoại, giải quyết hòa bình các tranh chấp, giải trừ vũ khí hạt nhân, hay ủng hộ và đề cao văn hóa hòa bình trong quan hệ quốc tế.

Khi tham gia Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến quan trọng như: Về đề cao Hiến chương LHQ và chủ nghĩa đa phương, về giúp đỡ tháo gỡ bom mìn, về bảo vệ phụ nữ, trẻ em hay bảo vệ các cơ sở dân sự thiết yếu trong chiến tranh, được sự ủng hộ và nhất trí cao của các nước thành viên LHQ nói chung. Việt Nam cũng đã và đang tích cực tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, như hoạt động ở châu Phi, được LHQ và các nước đánh giá cao.

Thứ tư, Việt Nam từng bước tham gia và ngày càng phát huy vai trò tại các cơ quan lãnh đạo của LHQ. Từ nửa sau những năm 90, Việt Nam đã tham gia vào một số cơ quan lãnh đạo của Chương trình phát triển LHQ (UNDP), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), rồi đến Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), Cơ quan Nguyên tử năng lượng quốc tế (IAEA) hay Hội đồng Nhân quyền.

Việt Nam đã hai lần tham gia làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, cơ quan chịu trách nhiệm chính về hòa bình an ninh của LHQ (các nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021). Với những vai trò này, Việt Nam vừa tích cực đóng góp vào công việc chung, đồng thời góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam tại LHQ và trên trường quốc tế.

Thứ năm, trong quá trình tham gia LHQ, chúng ta đồng thời đề cao các nguyên tắc Hiến chương và các văn kiện quan trọng của LHQ như công ước Luật Biển (UNCLOS) 1982 nhằm đóng góp cho hòa bình, an ninh, hợp tác phát triển ở khu vực. Theo đó, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy việc hợp tác giữa LHQ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trên các lĩnh vực, từ hòa bình an ninh, hợp tác phát triển, đến ứng phó với các thách thức mang tính toàn cầu như môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh.

Về Biển Đông, Việt Nam luôn nhấn mạnh việc tôn trọng luật pháp quốc tế và UNCLOS, nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, giải quyết hòa bình các tranh chấp và không làm phức tạp thêm tình hình. Đây cũng là quan điểm và nguyên tắc chung của ASEAN.

Thứ sáu, nhìn lại 45 năm, có thể thấy, Việt Nam đã luôn kết hợp hài hòa giữa bảo đảm lợi ích quốc gia với việc đóng góp một cách tích cực và trách nhiệm vào các công việc chung của LHQ. Đó là một bộ phận trong chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam về độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Đó là bài học trong quá trình tham gia LHQ, cũng như hội nhập quốc tế và khu vực của Việt Nam. 

Theo đó, chúng ta vừa kết hợp giữa độc lập, tự chủ, tự cường với tranh thủ sự ủng hộ, nguồn lực từ bên ngoài, cùng với đóng góp vào công việc chung với tinh thần không chỉ chủ động, tích cực, mà còn có trách nhiệm cao. Điều này đã góp phần tăng cường uy tín, tạo nên vị thế mới cho Việt Nam, được bạn bè quốc tế tin cậy và đánh giá cao. 

Tại LHQ, Việt Nam đã tham gia đóng góp vào công việc chung với tinh thần trách nhiệm cao; tham gia hoạch định những chương trình nghị sự quốc tế dựa trên không chỉ lợi ích quốc gia mà còn với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế để tạo ra sân chơi bình đẳng giữa nước lớn, nước nhỏ, vì hòa bình, an ninh và phát triển dựa trên luật pháp quốc tế. 


Các nữ quân nhân Đội Công binh số 1 lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Ảnh: TUẤN HUY 

 

Thứ bảy, trong thời gian tới, với điều kiện và vị thế mới, Việt Nam càng phải phát huy hơn nữa sự tham gia và đóng góp của mình tại LHQ và trên bình diện quốc tế. Theo đó, chúng ta càng cần tiếp tục phát huy các nguyên tắc đối ngoại nêu trên, để vừa phục vụ cho khát vọng phát triển của Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045, trong khi tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò chủ động trong các công việc chung của thế giới, vì hòa bình, an ninh, hợp tác phát triển và xử lý các thách thức toàn cầu.

Việt Nam cần tiếp tục đề cao vai trò của LHQ, đa phương, hợp tác quốc tế và việc thượng tôn pháp luật quốc tế; cũng như chủ động đóng góp xây dựng các chương trình nghị sự của thế giới, các nguyên tắc quốc tế, khung hợp tác với các quốc gia, trong khuôn khổ LHQ và thông qua các cơ chế khu vực. Điều này sẽ giúp Việt Nam có đóng góp thực chất và hiệu quả trong hợp tác quốc tế, bảo đảm luật pháp quốc tế, từ đó đóng góp vào việc định hình các quy định và luật chơi của quốc tế và LHQ.

Cuối cùng, như Đại hội XIII của Đảng nêu rõ, nhiệm vụ trọng tâm của đối ngoại Việt Nam là đảm bảo cao cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi; trong đó chỉ rõ vai trò tiên phong của đối ngoại “trong tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”.

Để hoàn thành được trọng trách đó, chúng ta phải kết hợp được nền ngoại giao toàn diện, hiện đại trên tất cả các kênh: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân. Cùng với đó, tiếp tục tham gia hội nhập sâu rộng và toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó chú ý tới các lĩnh vực Việt Nam có lợi ích và khả năng tham gia, từ đó, vừa tranh thủ cho môi trường quốc tế thuận lợi cho hòa bình, an ninh và phát triển của Việt Nam, vừa phát huy sự đóng góp vào xây dựng các chương trình nghị sự và các lĩnh vực hợp tác chung của quốc tế và khu vực.

Để mối quan hệ của Việt Nam đi sâu, thực chất với các nước, đem lại hiệu quả phục vụ công cuộc phát triển đất nước, cần bám sát chủ trương đối ngoại của Đảng tại Đại hội XIII, đồng thời hướng tới mục tiêu là hội nhập ở chất lượng cao hơn nhằm phục vụ tốt hơn cho mục tiêu phát triển kinh tế trong giai đoạn mới, đặc biệt là tranh thủ chất xám khoa học công nghệ, các chuỗi cung ứng và phân công lao động chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế.

Phát triển quan hệ của Việt Nam với thế giới, Việt Nam cũng tiếp tục phát triển các khuôn khổ hợp tác hiện nay, thành những khuôn khổ hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế ngày càng ổn định, lâu dài, đi vào thực chất, hiệu quả, cùng có lợi. Để làm được điều này, cần phối hợp tốt hơn nữa các kênh đối ngoại ở tất cả các lĩnh vực. Không chỉ Bộ Ngoại giao, mà tất cả các bộ, ngành đều phải tham gia vào quá trình này.

Cùng với đó, công tác dự báo chiến lược và công tác cán bộ là hai việc hết sức quan trọng. Trong bối cảnh thế giới đang chuyển động sâu rộng và phức tạp, thách thức và cơ hội đan xen, càng đòi hỏi phải nâng cao chất lượng của dự báo, để có thể làm tốt việc tham mưu và kiến nghị các đối sách, cũng như trong xử lý thách thức nhưng không bỏ lỡ cơ hội. Đội ngũ cán bộ cũng cần được nâng tầm cả về tri thức, bản lĩnh, chiến lược, cũng như về các kỹ năng đối ngoại và cập nhật về công nghệ.

Đại sứ PHẠM QUANG VINH (Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao)

qdnd.vn
Tin liên quan
Xem tin theo ngày