Sau khi đại dịch COVID-19 tại Việt Nam được kiểm soát thì ngành Y tế nói chung và các bệnh viện nói riêng phải đối mặt với nhiều thách thức. Nguồn lực của ngành y tế bị bào mòn không chỉ bởi sự khắc nghiệt của dịch bệnh mà còn bởi sự tha hóa của một số cán bộ y tế. Trong bối cảnh ấy, hoạt động chữa trị, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân bị ảnh hưởng đáng kể. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế nổi lên trở thành “vấn đề nóng” trong toàn ngành y tế và cả xã hội.
Theo thống kê bước đầu, việc thiếu thuốc xảy ra ở nhiều bệnh viện trên cả nước, đặc biệt ở 28 sở y tế, 12 bệnh viện Trung ương được khảo sát, ảnh hưởng đến việc điều trị cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo. Nó tạo ra áp lực và không khí nặng nề trong các bệnh viện không chỉ đối với bệnh nhân, gia đình của bệnh nhân mà cả các bác sĩ.
Sự thiếu thốn này khiến nhiều người bệnh đã phải thốt lên: Chúng tôi đóng tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) để được hưởng BHYT khi đi khám, chữa bệnh. Vậy mà những loại thuốc đáng ra được BHYT thanh toán thì bây giờ chúng tôi phải mua ngoài vì lí do… bệnh viện bảo hết thuốc. Vậy số tiền này ai thanh toán cho chúng tôi? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm với chúng tôi?
Lo lắng cho bệnh nhân, có bác sĩ bức xúc viết trên Facebook của mình: “Để người bệnh thiếu thuốc chỉ vì thủ tục hành chính là điều không thể chấp nhận được”. Việc thiếu thuốc, nhất là các thuốc thuộc phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế khiến các bệnh nhân nghèo vốn đau khổ vì bệnh tật càng thêm bất an. Nỗi bất an càng gia tăng khi các giải pháp cụ thể, thiết thực chưa được đưa ra.
Một phần nguyên nhân của tình trạng thiếu thốn vật tư y tế hiện nay là do cơ chế pháp lý, thể chế chưa rõ ràng, minh bạch, cụ thể. TS Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia cho hay việc tổ chức đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị tại các cơ sở y tế còn vướng víu nhiều mặt do các cấp tổ chức đấu thầu hoạt động khác nhau. 90% văn bản pháp lý không theo kịp được thực tế là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc thiếu thuốc, vật tư y tế.
Mặt khác, giá thuốc tăng cao, tiêu chí mời thầu thấp thì không thể tham gia thầu, gia hạn giấy đăng ký chậm… cũng là một trong những nguyên nhân chủ quan dẫn đến thiếu thuốc, vật tư y tế. Rồi năng lực tham gia đấu thầu còn hạn chế, người tham gia phải có am hiểu về trang thiết bị, thuốc và quy định đấu thầu dẫn đến tâm lý e ngại…
Nhưng có một căn bệnh khác mà đã được báo chí nói nhiều và dư luận xã hội bức xúc đó chính là bối cảnh phức tạp, "sóng gió" hiện tại của ngành y tế cũng khiến các đơn vị khám, chữa bệnh e dè tổ chức đấu thầu vì… ngại và sợ trách nhiệm. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý trong ngành y tế có tâm lý hoang mang, không biết những gì mình làm có sai sót dẫn đến phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hay không...
Điều này cũng đã được Bộ Y tế xác nhận: Mặc dù Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị nhưng do tâm lý lo ngại, sợ sai, dẫn đến không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị dẫn tới thiếu thuốc, vật tư y tế….
Và hậu quả của những nguyên nhân nêu trên đã làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người bệnh và gây khó khăn cho các cơ sở y tế. Vấn đề trở lên cấp bách đến mức báo động đòi hỏi các cán bộ và cơ quan có thẩm quyền phải khẩn trương, rốt ráo hành động vì sức khỏe và sinh mạng của nhân dân. Đây cũng chính là “phép thử” đối với uy tín của Bộ Y tế vì dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng việc giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế phải là một ưu tiên của bộ.
Vẫn biết việc giải quyết những khó khăn trong mua sắm, đấu thầu không phải chỉ bằng mệnh lệnh hành chính mà phải được tháo gỡ bằng các biện pháp linh hoạt, cụ thể, nhất là hoạt động đấu thầu. Và trong quá trình này tất nhiên, không chỉ là trách nhiệm của riêng Bộ Y tế mà cả các bộ, ngành liên quan đến đầu tư và đấu thầu công.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo rất quyết liệt, cụ thể đối với các cơ quan chức năng, trong đó nhiều lần chỉ đạo Bộ Y tế và các cơ quan liên quan thống kê, đánh giá khoa học, khách quan, trung thực và có hướng khắc phục kịp thời cả trước mắt và lâu dài.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, chúng ta có thể kỳ vọng tình trạng nêu trên sẽ nhanh chóng được khắc phục để các bác sĩ yên tâm công tác, bệnh nhân được phục vụ tốt hơn. Đó cũng chính là cách chúng ta cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “chú trọng nâng cao phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, cố gắng bảo đảm những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của Nhân dân về nhà ở, đi lại, giáo dục, y tế, việc làm...”.
Ytế là một lĩnh vực luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm hàng đầu. Phúc lợi y tế là một trong những cột trụ của hệ thống phúc lợi xã hội. Theo đó, hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe bảo đảm phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả, đáp ứng nhu cầu khám và chữa bệnh cho người dân mà không làm “nghèo hóa” người có thu nhập thấp. Nhờ BHYT toàn dân và giá dịch vụ y tế được kiểm soát bởi vai trò Nhà nước thể hiện tính chất phúc lợi xã hội tiến bộ, hiệu quả và nhân văn. Tinh thần đó đã được nêu rõ trong định hướng mục tiêu của hệ thống y tế là “bảo đảm toàn dân được quản lý, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe”. Chính điều này thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Vì thế việc bảo đảm quyền khám, chữa bệnh của người dân không chỉ là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân mà còn để bảo vệ bản chất của chế độ chúng ta./.