Thói quen cần thay đổi
Cập nhật 24/08/2020

Cho đến thời điểm hiện tại, số ca dương tính với COVID-19 vẫn tiếp tục tăng lên, đa phần đều có yếu tố liên quan đến Đà Nẵng. Ngay từ một buổi làm việc trực tuyến với đơn vị thường trực chống dịch tại Đà Nẵng vào đầu tháng 8, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhận định, các bệnh viện này đã trở thành ổ dịch siêu lây nhiễm. Không chỉ dừng lại ở người bệnh, nhân viên y tế, mà còn lây lan ra cộng đồng trong và ngoài Đà Nẵng. Báo cáo từ Đà Nẵng cho hay, khoảng 11.000 người đã đến các bệnh viện lớn nhất của địa phương này để khám chữa bệnh, thăm và chăm sóc người nhà trong thời gian xuất hiện các ca bệnh COVID-19.

Không phải tất cả những người đã đến chăm/thăm bệnh nhân ở các bệnh viện này đều mắc COVID-19. Tuy nhiên, đây là những đối tượng có yếu tố dịch tễ phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao khi lịch trình và diện tiếp xúc hàng ngày của họ rất rộng. Điều đáng lo là ở chỗ, ngay cả khi đã test nhanh hoặc đã quá 14 ngày cách ly hoặc tự cách ly, vẫn có những ca dương tính với SARS-CoV-2.

Chúng tôi trở lại với những thông tin này để thấy rằng, nguy cơ lây nhiễm từ các bệnh viện là rất lớn, và bao gồm nhiều căn bệnh chứ không chỉ là SARS-CoV-2. Thực ra, những điều này cũng không có gì là mới, nhưng khi dịch bệnh bùng phát trở lại từ bệnh viện ở Đà Nẵng (trước đó là Bạch Mai - Hà Nội), người dân mới nhận thức và cẩn thận hơn với các nguy cơ này. Có lẽ, đây cũng là quãng thời gian tự tiết chế nhiều nhất – nếu có thể gọi là như vậy - đồng thời, cũng được thông cảm nhiều nhất khi việc đi thăm bệnh đã được “giãn cách” gần như ở mức tối đa.

Thực trạng vẫn diễn tiến lâu nay là nếu nhà có người ốm, phải nằm viện, ít nhất cũng có một người thường xuyên lên xuống bệnh viện để chăm nuôi. Số người đến thăm, động viên và chia sẻ đương nhiên sẽ là một con số lũy tiến mà 11.000 người như Đà Nẵng đã báo cáo là một ví dụ. Tôi không nghĩ đây là một văn hóa như ai đó đã từng gọi mà có lẽ, chỉ là một thói quen đã được mặc định từ rất lâu trong cộng đồng. Sự quá tải của các bệnh viện, nhất là ở các khu vực trung tâm còn có nguyên nhân từ chính thói quen này.

Kiểm soát chặt chẽ luồng người đến hàng ngày; rà soát, củng cố và thực hiện thật nghiêm các quy định về phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh, khắc phục ngay các vấn đề tồn tại khi phát hiện các nguy cơ không an toàn trong công tác phòng chống dịch; lập danh sách, theo dõi tất cả nhân viên y tế, người bệnh và các trường hợp có liên quan đến các thông báo khẩn là những yêu cầu cần được thực hiện ngay của Bộ Y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh. Đây là những biện pháp gia tăng để ứng phó với đại dịch COVID-19, nhưng có thể xem đó là những giải pháp cho lâu dài để hạn chế sự lây nhiễm các căn bệnh khác trong môi trường y tế.

Rủi ro và hậu quả khó lường của dịch bệnh lần này đã cho thấy, chúng ta cần có những thay đổi cơ bản thói quen về việc chăm/thăm bệnh đã tồn tại lâu nay. Không khó để tìm ra một phương thức khác trong việc hỗ trợ và chia sẻ khi đau ốm giữa mọi người. Mặt khác, việc tăng cường năng lực cho các cơ sở y tế cả về nhân lực, trình độ chuyên môn và vật lực là điều tiên quyết nhất để tạo nên sự yên tâm của cộng đồng trong việc hướng đến xác lập một thói quen mới, tích cực hơn.

Theo baothuathienhue.vn
Tin liên quan
Xem tin theo ngày