Tỷ lệ giải ngân thấp
Gặp khó khăn từ vật liệu đến giải phóng mặt bằng (GPMB), thủ tục… khiến tỷ lệ giải ngân DA chương trình phát triển các đô thị loại II, DA thành phần ở Thừa Thiên Huế (dự án đô thị xanh) vẫn ở mức rất thấp.
DA đô thị xanh được triển khai trên địa bàn 3 tỉnh Hà Giang, Vĩnh Phúc và Thừa Thiên Huế có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược trong việc giải quyết tình trạng ngập lụt, vệ sinh môi trường, nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy đầu tư sản xuất trên địa bàn các tỉnh.
Tại Thừa Thiên Huế, DA thành phần (bên mời thầu) do Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) làm chủ đầu tư, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng trong nước được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư xây dựng vào tháng 4/2016 với tổng mức đầu tư 1.617 tỷ đồng (VNĐ), tương đương 72,52 triệu (USD) với ba hợp phần chính.
Hợp phần 1 tập trung đầu tư phục vụ công tác phòng chống ngập lụt và vệ sinh môi trường; hợp phần 2 tập trung phát triển hệ thống giao thông; hợp phần 3 tăng cường năng lực và hỗ trợ thực hiện DA.
DA có thời gian thực hiện trong vòng 5 năm (2020 - 2025), với 7 gói thầu xây lắp lớn và 13 gói thầu tư vấn.
Theo kế hoạch vốn năm 2020, DA sẽ giải ngân 240 tỷ đồng, trong đó, vốn cấp phát từ Trung ương 129 tỷ đồng, vốn vay lại 110 tỷ đồng. Đến cuối tháng 8, DA đã trao thầu cho 4 gói thầu, gồm 3 gói xây lắp và 1 gói tư vấn giám sát với tổng vốn 271 tỷ đồng, đang thương thảo 1 gói xây lắp giá trị 89 tỷ đồng, đã giải ngân 6 tỷ đồng, đạt 3% kế hoạch.
Đại diện Sở KH&ĐT thông tin, có rất nhiều nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân DA chậm. Một trong số đó xuất phát từ việc đây là DA ODA, nên quy trình rút vốn qua nhiều cơ quan kiểm soát, mỗi DA sẽ phải theo một quy định riêng, khi rút đợt vốn mới phải làm thủ tục hoàn vốn đợt trước, phải xây dựng kế hoạch chi tiêu cho từng đợt rút vốn… Do đó, mất nhiều thời gian trong triển khai các thủ tục, các nhà thầu lần đầu thực hiện DA ODA nên còn lúng túng, hồ sơ nghiệm thu đệ trình chưa đúng quy định nên quá trình hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu đợt 1 khá dài.
DA này trải rộng trên địa bàn các thị xã Hương Thủy, Hương Trà và thành phố Huế, số hộ bị ảnh hưởng khá lớn (2.329 hộ trong đó có 202 hộ tái định cư). Trong khi năm 2020, hai thị xã này đang tập trung GPMB cho nhiều DA lớn như: DA cao tốc Cam Lộ - La Sơn và đường dây 500kv mạch 2...; thành phố Huế đang tập trung nhân lực cho DA di dời dân cư, GPMB tại khu vực Thượng Thành nên công tác GPMB của DA còn chậm.
Do tình hình dịch COVID-19 nên các đơn vị thi công không thể huy động đủ nhân lực và máy móc để phục vụ thi công.
Theo Ban Quản lý DA, trong năm 2020, DA các đô thị xanh, tiểu DA Thừa Thiên Huế cần 426.181m3 đất san lấp. Tuy nhiên, năm 2020 trên địa bàn Thừa Thiên Huế đồng loạt triển khai nhiều công trình trọng điểm cần nguồn đất san lấp lớn.
Cụ thể, trong năm 2020, DA đường Cao tốc Cam Lộ - La Sơn cần khoảng 2,5 triệu m3 đất san lấp, DA nhà ga T2 sân bay Phú Bài cần khoảng 1 triệu m3 đất san lấp, DA hạ tầng 6 khu định cư còn lại trong tổng số 8 khu định cư ở phía Bắc Hương Sơ rộng khoảng 10ha cũng cần thêm vài triệu m3 đất san lấp...
Dự báo, tổng nhu cầu các công trình trọng điểm dự kiến cần khoảng 10 triệu m3 đất san lấp. Trong khi khả năng cung cấp đất làm vật liệu san lấp hiện nay trên địa bàn chỉ khoảng 1 triệu m3/năm... dẫn đến việc thiếu nguồn đất san lấp phục vụ DA.
Tập trung tháo gỡ vướng mắc
Để góp phần đẩy nhanh tiến độ DA, Sở KH&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất Chính phủ rà soát các thủ tục liên quan đến quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài; nhất là các quy định về giải ngân nguồn vốn. Công tác nghiệm thu cũng được giám sát, hướng dẫn, giúp nhà thầu đẩy nhanh tiến độ nghiệm thu, nhờ vậy DA đã hoàn thành giải ngân thanh toán đợt 1.
Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở KH&ĐT thông tin, sở cũng tập trung giải quyết các vướng mắc trong GPMB, ký thêm hợp đồng với Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế để đẩy nhanh tiến độ GPMB, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Trước tình hình nhu cầu đất đắp tăng đột biến nhằm đáp ứng tiến độ các DA trọng điểm, tỉnh đang tổ chức lựa chọn cấp phép khai thác đất san lấp tại các vị trí đã được phê duyệt. Đồng thời, tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại 10 vị trí trên địa bàn tỉnh.
Với trữ lượng các khu vực khai thác mới, nguồn cung đất làm vật liệu san lấp sẽ đi vào ổn định, giúp đảm bảo tiến độ DA nói riêng và các DA trọng điểm khác nói chung.
Sở cũng có công văn gửi các mỏ đất về việc cung cấp thông tin trữ lượng đất san lấp của các mỏ đất trên địa bàn, giúp nhà thầu nắm thông tin về nguồn vật liệu san lấp phục vụ quá trình đầu tư xây dựng.