Theo Nghị quyết 834/NQ-UBTVQH14 được sở Nội vụ công bố tại hội nghị thì UBTVQH đồng ý sắp xếp các ĐVHC cấp xã của 5 đơn vị cấp huyện. Cụ thể tại thị xã Hương Trà, thành lập xã Bình Tiến trên cơ sở sáp nhập 2 xã Hồng Tiến - Bình Điền; sau khi sắp xếp, thị xã Hương Trà có 15 ĐVHC cấp xã, gồm 8 xã và 7 phường.
Tại huyện Phú Lộc, thành lập xã Giang Hải trên cơ sở sáp nhập 2 xã Vinh Hải và Vinh Giang; sau khi sắp xếp, huyện Phú Lộc có 17 ĐVHC cấp xã, gồm 15 xã và 2 thị trấn.
Tại huyện A Lưới, thành lập xã Lâm Đớt trên cơ sở sáp nhập 2 xã A Đớt và Hương Lâm; thành lập xã Quảng Nhâm trên cơ sở sáp nhập 2 xã Hồng Quảng - xã Nhâm; thành lập xã Trung Sơn trên cơ sở sáp nhập 2 xã Hồng Trung- Bắc Sơn; sau khi sắp xếp huyện A Lưới có 18 ĐVHC cấp xã, gồm 17 xã và 1 thị trấn.
Tại huyện Nam Đông, thành lập mới xã Hương Xuân trên cơ sở sáp nhập 2 xã Hương Giang và Hương Hòa; sâu khi sáp nhập huyện Nam Đông có 10 ĐVHC cấp xã, gồm 9 xã và 1 thị trấn.
Tại huyện Phú Vang, thành lập mới xã Phú Gia trên cơ sở sáp nhập 2 xã Vinh Phú và Vinh Thái; sau khi sáp nhập, huyện Phú Vang có 19 ĐVHC cấp xã, gồm 17 xã và 2 thị trấn.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, điều quan trọng khi triển khai thực hiện Nghị quyết là phải tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; Tạo động lực để tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở mỗi địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trong quá trình triển khai thực hiện cần có sự vận dụng phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Đặc biệt là không làm ảnh hưởng đến các hoạt động chung, không có sự gián đoạn giữa đơn vị hành chính cũ và đơn vị hành chính mới; không làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân. Thực hiện công tác bàn giao, tiếp nhận đảm bảo đúng quy định của pháp luật, chặt chẽ, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm.
“Cần có sự đồng thuận và quyết tâm cao, triển khai sớm ngày nào là tốt ngày đó. Sau Tết phải thống nhất bộ máy và các thủ tục để vận hành. Chính sách cán bộ là việc khó, nhất là việc xử lý số dôi dư, cần phải tính toán và sắp xếp khéo léo. Lãnh đạo địa phương phải chủ động, có gì vướng mắc phải báo cáo ngay cấp trên, làm sao xử lý những công việc của người dân hằng ngày và quản lý chặt chẽ công việc. Duy trì các chế độ trong dịp tết, đảm bảo không khí cởi mở, vui vẻ trong thực hiện Nghị quyết; Đảm bảo ổn định trong chỉ đạo điều hành của chính quyền cấp xã”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát biểu tại hội nghị
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đề nghị, Ban thường vụ các cấp phải chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; sớm kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính đảm bảo theo hướng tinh gọn, hợp lý, không làm tăng thêm đầu mối các cơ quan, tổ chức. Quan tâm đến công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tăng cường công tác tuyên truyền trong suốt quá trình thực hiện nhằm tạo sự đồng thuận và nhất trí cao trong nhân dân.
Như vậy là kể từ ngày 01/01/2020, tỉnh Thừa Thiên Huế có 9 ĐVHC cấp huyện, gồm 6 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố; 145 ĐVHC cấp xã, gồm 98 xã, 39 phường và 8 thị trấn.