Cách đây hơn một thế kỷ, năm 1911, lúc rời nước ta để ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân tại Bến cảng Nhà Rồng, đến khi trở về nước (năm 1941) là khoảng thời gian 30 năm, Người đã đi qua gần 30 quốc gia, 4 châu lục và 3 đại dương và đã tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau, nhưng Người chỉ tiếp nhận những giá trị văn hóa nào phù hợp với lợi ích của quốc gia, lợi ích dân tộc. Với sự lựa chọn có chủ đích đó của Bác đã góp phần làm phong phú, làm giàu thêm những giá trị văn hóa Việt Nam. Đến với học thuyết Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội từ truyền thống lịch sử - văn hóa và con người Việt Nam, Hồ Chí Minh đã xác định chủ nghĩa xã hội là một chế độ xã hội mang trong bản thân nó bản chất nhân văn và văn hóa, là một giai đoạn phát triển cao hơn chủ nghĩa tư bản về văn hóa, về giải phóng con người. Người đã đưa ra khái niệm về văn hóa: "Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa...". Bác đã nhấn mạnh văn hóa, giáo dục, khoa học là động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xây dựng chủ nghĩa xã hội cần phải phát triển văn hóa, khoa học, giáo dục để có thể biến một nước nghèo nàn, lạc hậu thành "một nước văn hóa cao, có đời sống tươi vui, hạnh phúc" và "tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng mình". Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Phải xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới. Đó là nguồn vốn, là của cải quý báu nhất của quốc gia. Năm 1943, "Đề cương về Văn hóa Việt Nam" ra đời đã nêu những vấn đề cơ bản của văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong điều kiện lúc đó của cách mạng Việt Nam. Đề cương không chỉ có giá trị trong chỉ đạo hoạt động văn hóa - xã hội mà còn có ý nghĩa đối với việc xây dựng, hoàn thiện lý luận về nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đề cương là văn kiện có tính cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa.
Về vị trí, vai trò của văn hóa, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa đứng ngang hàng với các lĩnh vực hoạt động khác của xã hội: "Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trong ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa".
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, bàn về văn hóa và giáo dục, Bác đã khẳng định: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Hiểu rộng ra tư tưởng trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giữa văn hóa và phát triển có mối quan hệ biện chứng chặt chẽ với nhau. Văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác nhấn mạnh: "Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hóa đế quốc. Đồng thời, phải phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng". Cùng với chế độ mới, nền kinh tế mới, Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh tới nền văn hóa mới và con người mới XHCN trong mục tiêu của CNXH. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bác đã nhấn mạnh: "Văn hóa giáo dục phải phát triển mạnh để phục vụ yêu cầu cách mạng. Văn hóa giáo dục là một mặt trận quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà"; "Văn hóa phải phục vụ sản xuất tiết kiệm, phục vụ nhân dân, phục vụ đoàn kết, phục vụ Tổ quốc"... Mong ước của Bác Hồ được nêu trong Di chúc là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".
Văn hóa là lĩnh vực cực kỳ quan trọng, là nhân tố hàng đầu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tư tưởng, đạo đức, lối sống là lĩnh vực then chốt của văn hóa, là quan điểm quan trọng trong đường lối của Đảng. Để đạo đức, lối sống sa sút, xuống cấp, tệ tham nhũng, lãng phí xảy ra không chỉ là nguy cơ như hơn 30 năm trước đây đã cảnh báo mà sẽ trở thành hiểm họa đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Đây là bài học sâu sắc cho chúng ta hôm nay trước những thử thách của hội nhập quốc tế đã tác động mạnh mẽ đến các mặt trong cuộc sống. Phải cân nhắc, lựa chọn để văn hóa nước ta hội nhập mà không hòa tan, vẫn giữ được nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong thời đại ngày nay, dù là ở đâu, các nước phát triển hay đang phát triển, không thể chỉ hướng tới phát triển đơn thuần, phát triển bằng mọi giá mà phải là phát triển bền vững, trong đó một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu của phát triển bền vững là kết hợp với văn hóa.
Học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển văn hóa, Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) "Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) "Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước"... Văn kiện Đại hội XIII, quan điểm của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được trình bày trong mối quan hệ thống nhất, biện chứng khi khẳng định: "giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế". Việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam là quá trình kết hợp nhuần nhuyễn, vừa sáng tạo, xác lập những giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức mới, vừa khơi dậy, làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa, chuẩn mực đạo đức, tinh thần và ý chí quyết tâm, niềm tự hào, tiềm năng, thế mạnh, sức sáng tạo của con người Việt Nam, tạo động lực thúc đẩy đất nước phát triển bền vững, dân tộc cường thịnh, trường tồn.
Sự tự hào của một dân tộc về di sản văn hóa của dân tộc mình không thể lượng giá được, nhưng nó chứa đựng một sức mạnh tiềm ẩn, để rồi trong những yêu cầu cụ thể nó trở thành một sức mạnh to lớn để vượt qua bao khó khăn, thử thách, hiểm nguy. Di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, trường tồn cùng sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam.