NGÀY ẤY, BÂY GIỜ…
Cập nhật 27/03/2023

Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người.

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có biết bao người con của dân tộc Việt Nam, của quê hương Thừa Thiên Huế đã lên đường ra tiền tuyến cầm súng chiến đấu với quân thù với lý tưởng cao đẹp: giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc!

Hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ, quân và nhân dân Thừa Thiên Huế đã trải qua các chặng đường đầy cam go và ác liệt, song đã anh dũng, kiên cường đánh thắng các kiểu chiến tranh của địch thực hiện trên vùng đất Thừa Thiên Huế. Trung thành vô hạn với Đảng, với Bác Hồ, quân và dân Thừa Thiên Huế sẵn sàng hy sinh, gian khổ để xóa bỏ nỗi đau mất nước, xóa bỏ chia cắt non sông, góp phần thu giang sơn về một mối.

Với tinh thần "một ngày bằng 20 năm", quân và dân Thừa Thiên Huế tiến quân vào chiến dịch với ý chí quyết chiến, quyết thắng. Ngày 26/3/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu, đánh dấu mốc lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế được hoàn toàn giải phóng. Thắng lợi đó góp phần quyết định vào thắng lợi toàn vẹn của chiến dịch Huế - Đà Nẵng, tạo đà “thần tốc chiến lược” trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đây là thắng lợi to lớn nhất, rực rỡ nhất của quân và dân Thừa Thiên Huế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với những thành tích đã đạt được, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế được Đảng và Chính phủ gửi điện khen ngợi: “Việc đánh chiếm và giải phóng hoàn toàn Thừa Thiên Huế là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược về chính trị rất lớn. Chiến công đó đã làm cho nhân dân cả nước ta nức lòng phấn khởi, làm cho địch suy yếu thêm một bước rất nghiêm trọng…”. Ngày 21/4/1975, ba vạn đồng bào trong tỉnh đã tham dự Lễ mít - tinh trọng thể trước Ngọ Môn, chào mừng quê hương được hoàn toàn giải phóng. Ngày 15/5/1975, tại thành phố Huế, năm vạn đồng bào đã tham dự Cuộc mít - tinh mừng đất nước thống nhất. 

Sau ngày quê hương được giải phóng, tỉnh phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, phức tạp. Kinh tế miền Nam nói chung và Thừa Thừa Thiên Huế nói riêng trước đó ở trong tình trạng phụ thuộc hoàn toàn viện trợ Mỹ; một xã hội tiêu thụ với đầy rẫy những di hại của chủ nghĩa thực dân kiểu mới và hậu quả chiến tranh để lại quá nặng nề. Làng quê tiêu điều, xơ xác. Đất đai canh tác bị bỏ hoang hóa, bom mìn cài đặt khắp nơi, núi rừng bị đạn bom và chất độc hóa học Mỹ tàn phá. Hàng vạn người di tản vô gia cư, bị thất nghiệp, ngày giải phóng trở về với hai bàn tay trắng đang cần ăn, ở, học hành, chữa bệnh. Bộ máy chiến tranh của địch tuy đã bị tan rã nhưng vẫn còn một số phần tử ngoan cố vốn có nợ máu với nhân dân vẫn tiếp tục tìm cách gây rối, phá hoại. Bộ máy CIA do địch cài lại, các đảng phái, tổ chức phản động vẫn lén lút hoạt động chống phá chính quyền cách mạng.

Trước tình hình đó, Đảng bộ, quân và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế chung sức, chung lòng khắc phục hậu quả chiến tranh để lại; động viên, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích chào mừng thắng lợi vĩ đại của dân tộc, tập trung xây dựng bộ máy lãnh đạo và quản lý xã hội, lãnh đạo nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng trong tình hình mới, tập trung đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Vận động nhân dân đóng góp xây dựng quê hương và đề ra những nhiệm vụ cấp bách trong 2 năm 1975 - 1976. Ngày 16/6/1975, Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị về việc sửa đổi tác phong, thái độ làm việc của người cán bộ cách mạng trong tình hình mới. Chỉ thị nêu rõ, con đường đấu tranh cách mạng để thực hiện lý tưởng của mỗi đảng viên còn phải tiếp tục trên một cuộc chiến đấu mới không kém phần quyết liệt, gian khổ, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải nỗ lực phấn đấu toàn diện cả về ý chí chiến đấu, đạo đức cách mạng, tri thức cách mạng và những tri thức về khoa học - kỹ thuật. Để đáp ứng yêu cầu cách mạng, từ ngày 21 - 27/6/1975, Đảng bộ Thừa Thiên Huế đã triệu tập Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành và đã ra nghị quyết, trong đó nhấn mạnh: "Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy khí thế tiến công, tinh thần làm chủ đất nước, tinh thần tự lực cánh sinh và cần cù lao động của nhân dân ta, nỗ lực phấn đấu để vượt qua những khó khăn trước mắt, tiếp tục ổn định tình hình chính trị. Thực hiện một bước cơ bản ổn định sản xuất, ổn định đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân... thu xếp công ăn việc làm cho nhân dân thành phố...". Phải nâng cao cảnh giác, tăng cường quốc phòng, kịp thời trấn áp những hoạt động phá hoại của bọn phản cách mạng. Ra sức xây dựng, củng cố các lực lượng cách mạng, tăng cương công tác vận động, giáo dục quần chúng và xây dựng, củng cố tổ chức ở cơ sở. Những cố gắng phấn đấu không mệt mỏi của Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đạt được sau ngày quê hương được giải phóng có ý nghĩa quan trọng và đáng tự hào, góp phần khẳng định niềm tin của nhân dân với chế độ mới, được Trung ương đánh giá: “Thừa Thiên Huế là một tỉnh gặp khó khăn nhất, nhưng cũng là địa phương sớm ổn định tình hình, nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh”.

Phát huy truyền thống “Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”, gần nửa thế kỷ qua, với quyết tâm nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, thực hiện chủ trương hợp “lòng dân - ý Đảng”, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân tỉnh nhà đã vượt qua bao khó khăn, thử thách để xây dựng và phát triển quê hương. Bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều khởi sắc, có những bước phát triển mới tạo dấu ấn nổi bật, trở thành một cực phát triển năng động của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Bộ mặt đô thị ngày càng đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từ thành thị đến nông thôn được nâng lên đáng kể. An sinh xã hội được đảm bảo. Hệ thống chính trị ngày càng ổn định và giữ vững. Nền kinh tế tiếp tục chuyển biến theo hướng theo hướng xanh và bền vững; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực dựa trên khai thác các tiềm năng, lợi thế về văn hóa, di sản, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ và các dịch vụ du lịch. Trong năm 2022, khu vực dịch vụ tăng trưởng hơn 11%. Nhiều hoạt động du lịch lễ hội, văn hóa đặc sắc được tổ chức, nhất là các chuỗi sự kiện, chương trình Festival Huế 2022 tạo điểm nhấn kích cầu, phục hồi phát triển du lịch. Tổng lượng khách du lịch đạt trên 2 triệu lượt (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ), doanh thu du lịch đạt khoảng 4.500 tỷ đồng. Có 14/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,56%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và là mức tăng trưởng khá so với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Thu ngân sách đạt trên 12.700 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ. Văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đổi mới. Khoa học - công nghệ có nhiều chuyển biến tích cực. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, các hoạt động nhân đạo, từ thiện được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm, ủng hộ tích cực, đã thực sự trở thành phong trào và ý thức tự giác trong các tầng lớp nhân dân, bằng những việc làm thiết thực. Các Mẹ Việt Nam anh hùng được các tổ chức, cơ quan phụng dưỡng suốt đời. Các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nước được quan tâm chăm sóc, chi trả kịp thời các chế độ, chính sách của nhà nước, góp phần phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Công tác vận động, giúp đỡ người nghèo và thực hiện các chương trình an sinh xã hội được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm chỉ đạo, thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xóa đói, giảm nghèo của những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gặp hoạn nạn.

Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước càng nhân thêm niềm tự hào về dân tộc Việt Nam, về quê hương Thừa Thiên Huế. Tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, một lòng một dạ chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong không khí hào hùng kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2023), hướng đến kỷ niệm Ngày Chiến thắng 30/4 thống nhất đất nước, chúng ta thành kính nhớ đến công ơn trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất. Tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người mãi mãi tỏa sáng, soi đường cho cách mạng Việt Nam. Chúng ta tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn sâu sắc các anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã không tiếc máu xương, công sức của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mặc dù phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; với tiềm năng to lớn, nội lực mạnh mẽ cùng với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh nhà là động lực, nền tảng, nguồn lực to lớn để Thừa Thiên Huế tiếp tục triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị để xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

THIỆN LINH

Tin liên quan
Xem tin theo ngày