1. Thời gian qua, đội ngũ VNS luôn phát huy tinh thần yêu nước, đồng hành cùng nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong sự nghiệp đổi mới; góp phần xây dựng nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc; dưới nhiều hình thức nghệ thuật đã trở thành vũ khí sắc bén phản bác lại các quan điểm lệch lạc, sai trái, xuyên tạc, bịa đặt đi ngược lại với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Tuy nhiên, những tác động của mặt trái kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế làm lệch chuẩn trong nhận thức của một bộ phận VNS. Về vấn đề này, Đảng ta nhận định: “Vẫn còn một bộ phận trí thức, VNS chưa ý thức rõ bổn phận của mình đối với đất nước, chưa tâm huyết, chưa đầu tư nhiều thời gian cho học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ. Cá biệt, có một số trí thức, VNS chưa mạnh dạn, thẳng thắn bày tỏ chính kiến, thậm chí né tránh hoặc lợi dụng danh nghĩa để đưa ra các ý kiến, quan điểm sai trái. Một số VNS dễ dàng “chiều” theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng, tìm cách quảng bá những tác phẩm chống đối chế độ, xuyên tạc nhằm hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, một số lãnh tụ tiền bối,…”.
Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng chỉ rõ, sự lệch lạc trong VHNT là một trong các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đó là vấn đề: “Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với báo chí, văn học – nghệ thuật. Tác động, lôi kéo, lái dư luận xã hội không theo đường lối của Ðảng; cổ xúy cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan; thổi phồng mặt trái của xã hội. Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Ðảng”.
Có thể thấy một vài điển hình, trong năm 2019, thời điểm Luật An ninh mạng được ban hành, ca sĩ Văn Mai Hương đã có những phát ngôn phản đối những người đưa ra dự thảo Luật, dùng ảnh hưởng của mình để kích động mọi người xuống đường biểu tình phản đối luật An ninh mạng làm cho một bộ phận giới trẻ trong đó có các fan của cô tacó nhận thức lệch lạc. Thế nhưng ngay sau đó không lâu, chính Văn Mai Hương đã phải nhờ đến Luật An ninh mạng làm cơ sở pháp lý để bảo vệ cô ấy trước hành động xâm phạm đời tư.
Trước đó, vào những năm 2004, ca sĩ Bằng Kiều, Thu Phương sau khi sang Mỹ bằng đường du lịch, đã quay lưng lại với Tổ quốc bằng những phát biểu xuyên tạc, nói xấu chế độ nhân quyền Việt Nam để những thế lực phản động, thù địch lợi dụng vu cáo, chống phá công cuộc xây dựng chế độ CNXH trong nước.
Mới đây, ngày 01/7/2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã xử lý cảnh cáo, nhắc nhở đối với Công ty Mây Lang Thang – đơn vị tổ chức đêm nhạc Khánh Ly do sai phạm về biểu diễn ca khúc nằm ngoài danh mục bài hát đã đăng ký và được duyệt trước đó. Nguy hiểm hơn, nội dung bài hát nằm ngoài danh mục này lại chứa những thông tin sai lệch, xuyên tạc lịch sử dân tộc, gây bức xúc dư luận. Từ vụ việc này, một lần nữa họ ta thấy được nguy cơ mất an ninh văn hóa có thể diễn ra ở bất cứ đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Ngoài ra, còn nhiều trường hợp khác liên quan đến các hoạt động VHNT và giới nghệ sĩ, dù chưa đến mức áp dụng chế tài, xử lý hành chính nhưng cũng gây bức xúc dư luận. Sự lệch lạc này không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến xã hội mà còn là cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước ta.
2. Lợi dụng số VNS có nhận thức lệch lạc, các thế lực thù địch lôi kéo tham gia các hoạt động biểu diễn, sáng tác, tuyên truyền chống phá, phủ nhận những giá trị lịch sử của dân tộc, vai trò lãnh đạo của Đảng, thành tựu của cách mạng; chia rẽ nội bộ; bôi nhọ, xúc phạm lãnh tụ; tuyên truyền quan điểm sai trái, phản động về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, coi là cuộc nội chiến… Tổ chức cho một số VNS ra nước ngoài tham quan, trao đổi, biểu diễn, sáng tác… để tiếp cận, tuyên truyền, tác động tư tưởng, thậm chí cài bẫy khống chế tham gia vào các hoạt động chống đối chế độ, xây dựng họ thành những “ngọn cờ” trong giới VNS, là những “hạt nhân” để phát triển “lực lượng dân chủ” trong nước…
Các tổ chức phản động sau khi dụ dỗ, móc nối với số VNS, trí thức có tư tưởng lệch lạc đã ra sức tiếp tay, hỗ trợ về kinh phí để số này hoạt động tuyên truyền chống phá. Chúng tổ chức in ấn, phát hành các sản phẩm mang nội dung xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; cổ xúy, khích lệ các tư tưởng chống cộng; ủng hộ số đối tượng vi phạm luật pháp bị bắt, xử lý; vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ nhân quyền; tán dương, cổ vũ quan điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật”, đối lập văn nghệ với chính trị, bài xích VHNT dưới sự lãnh đạo của Đảng là phục vụ chính trị, minh họa cho đường lối chính trị của Đảng nên không có giá trị, không có đỉnh cao, do đó không có tác phẩm hay, ngang tầm thời đại…
Sau khi đối tượng Phạm Thanh Nghiên chấp hành án phạt tù vì tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam, cuốn sách “Những mảnh đời sau song sắt” với bút danh là “Blogger Phạm Thanh Nghiên”, được các tổ chức phản động Đài “Đáp lời Sông núi”, “Tủ sách Tiếng quê hương” và “Thư viện Việt Nam” hỗ trợ, in ấn và phát hành song ngữ, độ dày 500 trang, có giá bán 25 USD tại Mỹ. Nội dung cuốn sách tuyên truyền phản đối chính sách giam giữ của Việt Nam; vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền; cổ vũ, khích lệ “tinh thần đấu tranh dân chủ của các đối tượng tù nhân lương tâm”, nhất là đối tượng nữ giới ở Việt Nam và sự phát triển của cái gọi là “phong trào xã hội dân sự độc lập”.
Cuốn “Chính trị bình dân” do đối tượng Phạm Đoan Trang soạn thảo từ tháng 11/2016 có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, nói xấu chế độ Đảng, Nhà nước, Quân đội ta; nhằm thay đổi thể chế chính trị, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam… được các tổ chức phản động “Sáng kiến vì lương tâm người Việt-VOICE”, “Mạng lưới blogger Việt Nam” xuất bản tại Mỹ vào tháng 9/2017. Các thế lực thù địch cũng tiếp tay cho số VNS, trí thức có tư tưởng lệch lạc phát hành nhiều cuốn sách có nội dung kích động người dân thay đổi thể chế, xóa bỏ và lật đổ Đảng Cộng sản Việt Nam; kêu gọi “xây dựng “quốc gia mới”…
Lợi dụng tư tưởng ham vinh hoa, ảo mộng trời Tây của số VNS Việt Nam, các tổ chức phản động đã dụ dỗ số này xuất cảnh, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, trở thành con rối chính trị trong tay các thế lực thù địch.
Có thể thấy những lệch chuẩn trong VHNT là một vấn đề hết sức nguy hiểm, cấp bách và cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là quần chúng nhân dân nhằm chủ động tạo sức đề kháng, đồng thời nhận diện, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những tác phẩm, sản phẩm xấu, độc; khơi thông dòng tích cực chủ đạo với những tác phẩm hướng đến những giá trị chân – thiện – mỹ, góp phần tạo lập môi trường văn hóa lành mạnh, không để cho các thế lực thù địch có cơ hội lợi dụng chống phá.■
Tạp chí Nhân quyền Việt Nam số tháng 6/2022