VAI TRÒ BÁO CHÍ TRONG ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH
Cập nhật 18/05/2023

Trong những năm qua, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng phát triển lớn mạnh, là vũ khí tư tưởng sắc bén, tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của nhân dân, xứng đáng là một trong những nền báo chí cách mạng trên thế giới. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta khẳng định: Công tác báo chí là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong toàn bộ công tác tư tưởng của Đảng.

 

Chúng ta có một hệ thống báo chí ngày càng lớn mạnh. Tính đến năm 2022 cả nước ta có 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí (trong đó có 327 tạp chí lý luận và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật), 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Đội ngũ những người làm báo không ngừng trưởng thành, có bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, thể hiện rõ vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa; đã góp phần làm cho đời sống báo chí ngày càng đa dạng, khởi sắc, tạo tiền đề quan trọng cho sự ổn định, phát triển và đi lên của quê hương, đất nước.

Phải nói rằng, phương châm “chủ động, kịp thời, hiệu quả” trong chỉ đạo và hoạt động báo chí thời gian vừa qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là đối với một số vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm. Thông tin chính thống cũng được cung cấp một cách bài bản, với số lượng rất lớn. Cộng đồng mạng cũng tìm đọc báo chí chính thống để tìm hiểu thông tin. Theo số liệu, đến đầu năm 2022, Việt Nam có 76,95 triệu người dùng mạng xã hội (chiếm 97,8% dân số từ 13 tuổi trở lên), tăng 6,9% so với năm 2021. Thời gian trung bình người Việt sử dụng mạng xã hội là 2 giờ 28 phút. Con số này cũng lớn hơn nhiều so với trung bình các nước khác trên thế giới. Theo nghiên cứu, khi truy cập mạng xã hội, ngoài việc giữ kết nối với người thân và bạn bè, người dùng quan tâm nhiều nhất đến việc cập nhật tin tức (hơn 57%). Các vụ án, những khuyết điểm, tham nhũng, tiêu cực, cộng đồng mạng cũng quan tâm tìm hiểu; tuy nhiên, các thông tin này của báo chí chính thống đưa lên trang báo đôi khi còn chậm, thậm chí chỉ chậm hơn vài phút là các mạng xã hội (MXH) ngoài Việt Nam đã đăng tải. Không ít trường hợp chúng ta biết trước, chúng ta có thông tin, nhưng do thiếu kịp thời trong tuyên truyền của báo chí chính thống nên đã tạo thời cơ, lợi thế cho MXH, nếu các thế lực thù địch, phản động lợi dụng MXH để tạo thông tin giả, bóp méo, xuyên tạc sự thật. Không ít bài viết còn theo "lối mòn" nặng về lý luận mà chưa gắn kết với thực tiễn, lập luận thiếu sắc bén, thiếu tính thuyết phục; chậm đổi mới cách tiếp cận và hình thức thể hiện, nên hiệu quả đấu tranh chưa được như mong muốn.

Với vai trò người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể và tổ chức tập thể, nhiệm vụ của báo chí là tạo dòng thông tin chủ đạo, chi phối để cộng đồng mạng có thể nhận thức, nhận diện thông tin xấu độc, hiểu rõ bản chất, nội hàm quan điểm sai trái, thù địch, tạo thêm "sức đề kháng" để từ đó mỗi công dân mạng sẽ có nhãn quan chính trị, tự giác trong phòng, chống và chủ động đấu tranh. Trang bị tri thức cho cộng đồng mạng nhận diện rõ mục đích, ý đồ của các thế lực thù địch là nhằm làm tan rã, xói mòn niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng ta, kích động nội bộ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" để chuyển hóa chế độ. Chúng khai thác những hạn chế, khuyết điểm, tiêu cực trong xã hội để coi đó là nguyên nhân, hệ lụy của việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin "lỗi thời, lạc hậu" vào con đường phát triển của cách mạng Việt Nam. Hệ thống báo chí cần tăng cường các chuyên trang, chuyên mục, đa dạng hóa các hình thức nhằm cung cấp thường xuyên và có hệ thống cho công chúng thông tin chính thống về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời cần đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi công dân mạng tin tưởng về những thành tựu to lớn, kết quả đạt được của quê hương, đất nước sau hơn 35 năm đổi mới, "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng). Đây là một trong những phương thức tốt nhất để hạn chế tối đa sự lợi dụng những yếu kém, hạn chế của ta để xuyên tạc, chống phá. Phát hiện, biểu dương và nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến để lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy thông tin tích cực đẩy lùi thông tin tiêu cực, thông tin xấu, độc. Báo chí cần tăng cường tuyên truyền những thành tựu của công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII và XIII); đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nhằm làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Cần có định hướng rõ ràng để các mạng xã hội Việt Nam có thế mạnh vào cuộc, tham gia chủ động trong gợi mở, định hướng, dẫn dắt và chi phối thông tin, nhất là những thông tin tích cực để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Trong đấu tranh, báo chí phải luôn giữ thế chủ động về thông tin, nâng cao khả năng dự báo, dẫn dắt, hướng dư luận trên báo chí, nhất là trên không gian mạng. Một khi thông tin chính thống được đăng tải chính xác, kịp thời thì những thông tin sai trái, bịa đặt của các thế lực thù địch chống phá quê hương, đất nước trên MXH sẽ dần dần bị đẩy lùi, vô hiệu hóa. Các cơ quan báo chí cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên vừa có năng lực chuyên môn, tinh thông nghề nghiệp, vừa có đạo đức trong sáng, lập trường tư tưởng chính trị vững vàng và có tính chiến đấu cao để đem lại hiệu quả cao nhất trong công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Khi các thế lực thù địch triệt để khai thác công nghệ thông tin, thì các cơ quan báo chí phải có hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, tốc độ làm báo nhanh hơn, nhạy hơn, chủ động hơn, kỹ năng tác nghiệp của phóng viên trên môi trường mạng linh hoạt, sáng tạo và năng động hơn. Các báo điện tử, trang điện tử tiếp tục đổi mới trong việc cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho số đông cư dân mạng sử dụng dễ dàng trong việc khai thác, tìm kiếm thông tin chính thống. Phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội, vì lợi ích của nhân dân và đất nước. Coi trọng định hướng phát triển, định hướng thông tin, công tác cán bộ; xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để vừa tạo điều kiện cho báo chí phát triển, vừa khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền thông qua các tin, bài viết, phóng sự, phim tư liệu, tài liệu... để có sức thuyết phục cao, tác động mạnh mẽ trong công chúng.

 Đấu tranh, phản bác trên các phương tiện truyền thông chính thống phải đi vào chiều sâu, với những bài viết có chất lượng, mang tính lý luận và thực tiễn cao. Cần tập trung những bài viết sâu sắc, phản ánh chân thực, khách quan trên các báo điện tử, trang tin điện tử để công chúng trong và ngoài nước dễ dàng tiếp cận thông tin tích cực một cách nhanh nhất; phát huy thế mạnh của các loại hình báo chí trên mạng Internet, kể cả phát thanh, truyền hình trực tuyến. Không bảo thủ, máy móc viết trên báo, trên tạp chí thiếu sức thuyết phục đưa một loạt những nguyên lý cũ kỹ để chống lại những cái thủ đoạn mới, tinh vi, xảo quyệt.

Bác Hồ kính yêu đã dạy: Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hoá, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công. Với lời dạy sâu sắc của Bác, phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, cùng những tiềm lực quan trọng mà báo chí đã xây dựng, tích lũy; hoạt động báo chí tiếp tục có nhiều đóng góp mới, hiệu quả hơn nữa trong công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

 

BBT
Tin liên quan
Xem tin theo ngày