NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Cập nhật 22/05/2023

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo. Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (khóa VII) đã xác định nguy cơ tham nhũng và tệ quan liêu, lãng phí là một trong bốn nguy cơ lớn thách thức đến sự tồn vong của Đảng, chế độ; và cho đến nay bốn nguy cơ vẫn còn tồn tại, bên cạnh đó có một số mặt diễn biến có tính chất phức tạp.

 

Đảng ta đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự duy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; từ đó, định hướng, chỉ đạo, lãnh đạo cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày được nâng cao. Công tác tuyên truyền đã góp phần tạo được dư luận rộng rãi lên án hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và đồng tình với những chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Để công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra, trong đó quan tâm, chú trọng và đổi mới công tác tuyên truyền.

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục của Đảng, Nhà nước, làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức được một cách đầy đủ, toàn diện và sâu sắc rằng, tham nhũng vừa là một hành vi phạm tội, vừa là một biểu hiện của sự suy thoái, biến chất về nhân cách, là sự suy đồi về đạo đức và lối sống, là kẻ thù tồn tại ngay trong bản thân mỗi con người phải tìm mọi cách để loại trừ. Đồng thời, nhận thức rõ hơn về tác hại của tham nhũng đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Từ đó, xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là đấu tranh chống giặc "nội xâm"; hành vi tham nhũng của cán bộ, đảng viên là hành vi làm ô danh Đảng, phá hoại sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể phải có quyết tâm chính trị cao, tạo ra sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Khắc phục những biểu hiện, nhận thức lệch lạc, ngại chỉ đích danh hành vi tham nhũng, tiêu cực do bệnh thành tích, sợ liên lụy, trốn tránh trách nhiệm, nể nang, né tránh.

Đổi mới hình thức tổ chức học tập quán triệt nghị quyết để đạt hiệu quả thiết thực, tránh hình thức, chiếu lệ. Hình thức tuyên truyền, giáo dục cần đa dạng, dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng. Cần quan tâm đến các hình thức tuyên truyền như tổ chức sinh hoạt tư tưởng, sinh hoạt chuyên đề, trao đổi, thảo luận, kiến nghị với cấp có thẩm quyền về đổi mới cơ chế, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổ chức các hội nghị tuyên truyền, vinh danh, khen thưởng, động viên những gương điển hình tập thể, cá nhân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cần khắc phục tình trạng thông tin một chiều dễ gây hoang mang dư luận xã hội mà tăng cường, chú trọng hơn nêu gương người tốt, việc tốt, góp phần nhân rộng điển hình tiên tiến thành phong trào ngày càng rộng lớn trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Khen thưởng, động viên và bảo vệ, những người dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng. Xử lý nghiêm việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu.

Triển khai có hiệu quả việc đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là về cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; về nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, tạo nên phong trào tự tu dưỡng, rèn luyện, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và nạn tham nhũng trong Đảng, trong xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương đấu tranh không mệt mỏi chống lại cái ác, cái xấu trong xã hội, trong mỗi con người, những biểu hiện tiêu cực, nhất là căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu trong tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước. Người căn dặn, cán bộ, đảng viên không được phép làm "quan cách mạng", phòng tránh những cám dỗ đời thường để không bị ngã gục trước những "viên đạn bọc đường".

Chú trọng thực hiện có hiệu quả Thông báo kết luận số 226-TB/TW, ngày 03/3/2009 của Ban Bí thư về tăng cường tuyên truyền, phổ biến công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng; công khai kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng về phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực và kết quả xử lý những vi phạm đó. Chủ động công khai, đầy đủ, kịp thời những thông tin được phép công bố về công bố kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, qua đó góp phần định hướng tư tưởng, tạo niềm tin vững chắc cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và cảnh tỉnh, ngăn ngừa vi phạm. Việc thừa nhận, công khai những vi phạm tham nhũng của tổ chức, của cán bộ, đảng viên cũng chính là sự khẳng định Đảng ta luôn nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật và cương quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả. Đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc lợi dụng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta để kích động, bịa đặt nói xấu chế độ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm hiện âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, phản động.

 

HSV
Tin liên quan
Xem tin theo ngày