TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ THI ĐUA YÊU NƯỚC
Cập nhật 29/05/2023

Thi đua yêu nước trong Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện, chứa đựng những giá trị có khả năng vạch đường cho cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ xây dựng “Thi đua yêu nước” thành một phong trào cách mạng rộng lớn, mà còn xác định nó là bộ phận quan trọng của hệ thống “phương pháp cách mạng”, quyết định thành công cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

 

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đất nước đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách đòi hỏi phải phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc để thực bằng được mục tiêu “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Trước tình cảnh ấy và để phong trào thi đua ái quốc phát triển sâu rộng, trở thành cao trào cách mạng rộng lớn của nhân dân, góp phần đắc lực vào thắng lợi của cách mạng nước ta, ngày 01/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 195-SL thành lập Ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương và các cấp. Ngày 11/6/1948, Người ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, kêu gọi toàn dân tộc tích cực thi đua để “kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”. Lời kêu gọi của Người đã hiệu triệu, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, hoàn thành các nhiệm vụ cách mạng, góp phần quan trọng làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành những quan điểm chỉ đạo, định hướng phong trào thi đua yêu nước của Đảng và Nhà nước ta trong gần 75năm qua; là cơ sở để Đảng, Nhà nước ta bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách về thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng, đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình cách mạng mới.

- Về mục đích và ý nghĩa của thi đua

Mục đích của thi đua được Hồ Chí Minh xác định là để “làm tròn nghĩa vụ quốc dân”[i], để “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, để “kháng chiến nhất định thắng lợi, kiến quốc nhất định thành công”[ii], “làm cho nhân dân no, ấm, biết chữ, làm cho Tổ quốc độc lập, tự do”[iii]. Người viết: “thi đua ái quốc sẽ sớm đưa nước ta lên một trình độ cao hơn trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc, đưa cách mạng thành công. Với lòng nồng nàn yêu nước và lực lượng vô cùng tận của nhân dân ta, cuộc Thi đua ái quốc nhất định sẽ thành công to. Vì vậy, mà thắng lợi càng nhất định về tay ta”[iv]. Bằng cách thi đua, kháng chiến toàn dân, toàn diện sẽ được thực hiện triệt để; mọi khuyết điểm được tẩy sạch, mọi ưu điểm được phát triển, mọi khó khăn đều được vượt qua; mọi âm mưu của bọn thực dân bị đập tan và hoàn thành thống nhất và độc lập thật sự. Người viết: “Chúng ta trên dưới một lòng, quân dân nhất trí,… thì rồi đây chúng ta sẽ kỷ niệm Ngày độc lập trong một nước Việt Nam vui sướng thái bình”[v].

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định thi đua là để tăng cường đoàn kết các dân tộc, đồng bào trong cả nước. Người viết: “Phong trào thi đua đã làm phát triển tinh thần đoàn kết giữa tất cả các tầng lớp nhân dân... Thế là thi đua tăng cường đoàn kết, mà đoàn kết đẩy mạnh thi đua. Đoàn kết ấy là đoàn kết thật sự và rất chặt chẽ[vi]. Ngoài ra, “thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực”. Hồ Chí Minh nêu rõ nếu tất cả những người lao động nước ta đều thi đua và tăng năng suất gấp đôi, thì kết quả về mọi mặt đều tăng gấp đôi. Kết quả là kháng chiến sẽ thắng lợi gấp đôi, kiến quốc sẽ thành công gấp đôi. Kết quả là dân giàu nước mạnh. Cho nên “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Thi đua là tinh thần quốc tế, là góp sức giữ gìn hòa bình và dân chủ thế giới. Thi đua chẳng những bồi dưỡng tinh thần đoàn kết và tinh thần yêu nước của dân tộc ta, mà lại làm cho nhân dân ta đoàn kết với nhân dân lao động thế giới, “thiết thực góp phần vào công cuộc giữ gìn hòa bình và dân chủ thế giới. Đó chính là tinh thần quốc tế của thi đua”[vii].

Sau cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định mục đích và ý nghĩa to lớn nhất của thi đua là “cải tạo con người”. Người cho rằng “càng hăng hái thi đua thì càng phải ra sức tìm tòi, học hỏi, cầu tiến bộ. Do sáng kiến và kinh nghiệm trong thi đua mà lao động chân tay nâng cao trình độ kỹ thuật của mình; lao động trí óc gần gũi, giúp đỡ, cộng tác và học hỏi những người lao động chân tay, và trở nên những người trí thức hoàn toàn. Thế là phong trào thi đua đã làm cho công nông binh trí thức hóa, và trí thức thì lao động hóa”[viii]. Nhờ có thi đua mà chiến sĩ có tinh thần vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của mình, trở thành những “người tôi trung của nhân dân, con hiếu của Tổ quốc”[ix].

- Về khẩu hiệu và đặc điểm của thi đua

Với khẩu hiệu “Tất cả để chiến thắng. Chiến thắng giặc thực dân. Chiến thắng giặc dốt. Chiến thắng giặc đói. Chiến thắng mọi tính xấu trong mình ta”[x], Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ đặc điểm của thi đua là “đưa tất cả tinh thần và lực lượng của quân và dân Việt Nam để thực hiện ba mục đích: - Diệt giặc đói, - Diệt giặc dốt, - Diệt giặc ngoại xâm”[xi]. Bất kỳ hạng người nào, bất kỳ nghề nghiệp gì, ai cũng thi đua nhau “làm cho mau, làm cho tốt, làm cho đẹp, làm cho nhiều” trên tinh thần cần, kiệm, liêm, chính.

Đặc điểm và những biểu hiện của thi đua gắn với từng hoạt động đặc thù của các đối tượng, thành phần trong xã hội. Trong đó: 1) Nhà nông thi đua chăn nuôi, trồng trọt cho đủ ăn để tiếp tế cho quân đội ăn no đánh giặc; 2) Công nhân thi đua nhau làm súng đạn và các thứ khác cho nhiều, cho tốt, để tiện lợi cho dân và để quân đội có súng ống đầy đủ mà đánh giặc; 3) Quân đội phải ra sức thi đua học tập chính trị và quân sự, nâng cao chí khí chiến đấu, tiêu diệt sinh lực địch nhiều hơn nữa, phá tan mọi âm mưu tấn công của địch, thi đua nhau bắn súng cho giỏi, ném lựu đạn cho xa, cho trúng và diệt cho nhiều địch, cướp cho nhiều súng; 4) Văn nhân, nghệ sĩ thi đua nhau sáng tác cho hay, cho nhiều, để cổ động trong nhân dân, tuyên truyền ra thế giới, và để lưu lại cho đời sau những sự tích vĩ đại trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta; 5) Các nhà chuyên môn, các kỹ sư thi đua nhau chế tạo máy móc cho nhiều, cho tốt, để cho dân sinh được tiện lợi, kháng chiến chóng thành công; 6) Y sĩ, dược sĩ thi đua nhau tìm ra những thứ thuốc dễ chế và hay, để chữa bệnh và giữ gìn sức khoẻ cho bộ đội và nhân dân; 7) Nhân viên và cán bộ thi đua nhau làm việc cho nhanh chóng và thực hành đúng 4 chữ cần, kiệm, liêm, chính; công việc chạy, mà lại được dân yêu, dân phục, dân tin; 8) Các nhà giáo dục thi đua nhau tìm cách dạy dỗ cho mau, cho tốt, cho thiết thực với công việc kháng chiến và kiến quốc, để đào tạo ra nhiều cán bộ có tài, có đức cho nhà nước; 9) Các nhà giàu có thi đua mở mang doanh nghiệp về canh nông, buôn bán, công nghệ, đã ích cho nước lại lợi cho nhà; 10) Các vị già nua thi đua kêu gọi và đốc thúc con cháu làm việc; 11) Các em nhi đồng thi đua học hành và giúp đỡ công việc nhẹ cho người lớn. Các em cũng hăng đáo để. Nhiều nơi, ngoài buổi học, chúng nó tự tổ chức từng tốp nuôi vịt, nuôi gà, trồng rau trồng sắn. “Nói tóm lại là quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, ngành nào cũng thi đua. Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh, ai cũng thi đua”[xii]. Có khi biểu hiện của thi đua được Hồ Chí Minh viết cụ thể và dễ hiểu: “Mỗi binh sĩ tiêu diệt thêm một tên địch, mỗi công nhân sản xuất thêm một viên đạn, mỗi nông dân sản xuất thêm một cân thóc, mỗi trí thức có thêm một phát minh, một sáng tác, đều là thêm một đòn nặng vào đầu thực dân. Mỗi cán bộ thực hành đúng tài chính thống nhất, đúng chính sách biên chế, đúng cần kiệm liêm chính, tức là làm kháng chiến tiến mau thêm một bước, thắng lợi đến sớm thêm một ngày”[xiii].

- Về lực lượng tham gia thi đua

Thi đua phải dựa vào “lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân”[xiv]. Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều. Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hoá. Vì vậy, đồng bào ta bất kỳ già, trẻ, gái, trai, giàu, nghèo, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, mọi người đều phải đưa chí sáng suốt, lực lượng và tài năng của mình vào đó, để phụng sự dân tộc, phụng sự Tổ quốc[xv].

Đối với thiếu niên nhi đồng, học sinh, thanh niên phải tích cực thi đua “hoạt động, lập công, học tập”[xvi], “chăm lo học tập và tuỳ sức mình mà tham gia lao động cho quen”[xvii]. Đối với học sinh và thanh niên phải “xung phong học và hành, ngày càng tiến bộ”, “ngoài giờ học ở trường, tham gia vào các Hội cứu quốc để tập luyện thêm cho quen với đời sống chiến sĩ và để giúp đỡ một vài việc nhẹ nhàng trong cuộc phòng thủ đất nước”[xviii].

Đối với quân nhân, bộ đội, công an phải “cố gắng học tập chính trị và kỹ thuật, ra sức bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn trật tự, an ninh, ra sức tham gia phong trào sản xuất và tiết kiệm”, “quân nhân phải biết võ, phải biết văn, võ là như tay phải, văn là như tay trái của quân nhân. Biết võ, biết văn, mới là quân nhân hoàn toàn. Muốn biết thì phải thi đua học. Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”[xix].

Đối với cán bộ, đảng viên phải “cố gắng công tác và học tập để tiến bộ không ngừng. Tăng cường đoàn kết nhất trí trên cơ sở tư tưởng Mác - Lênin, nhận thức đúng đắn về tình hình và nhiệm vụ. Nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức tổ chức và kỷ luật, ý thức đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội”[xx]. “Tất cả cán bộ, từ cấp trên đến cấp dưới, phải thi đua sửa chữa khuyết điểm và phát triển ưu điểm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công[xxi]. [xxii].

Đối với công nhân phải “gánh vác một phần rất quan trọng trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc”, dũng cảm trong chiến đấu, sáng tạo trong sản xuất, xung phong trong đóng góp quỹ kháng chiến để “xứng đáng với cái tên vẻ vang là đội tiền phong của dân tộc ta[xxiii].

Đối với phụ nữ, văn nghệ sĩ, trí thức, doanh nhân, buôn bán cần xung phong thi đua ái quốc, nhằm hai mục đích chính “học chữ quốc ngữ và tăng gia sản xuất để diệt giặc dốt, diệt giặc đói”, “làm cho nổi bật vai trò vẻ vang của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc”[xxiv]. Đội ngũ văn nghệ sĩ phải “đi sâu hơn nữa vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, sáng tác được nhiều tác phẩm phục vụ cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ nhưng nhất định thắng lợi của nhân dân ta”[xxv]. Tầng lớp doanh nhân, buôn bán, ai cũng thi đua để giúp sức phát triển thương nghiệp của nước nhà. Đối với đội ngũ lao động trí óc, Người yêu cầu “cố gắng học tập chủ nghĩa Mác -  Lênin, tuỳ theo khả năng mà tham gia lao động chân tay, để tự rèn luyện mình và để góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”. 

- Về cách làm, biện pháp thi đua

Thi đua ái quốc không chỉ là một phong trào cách mạng rộng lớn, mà còn là phương pháp cách mạng góp phần thắng lợi cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Do đó, để thi đua ái quốc có hiệu quả, đạt được mục đích đề ra, huy động đông đảo quần chúng tham gia đòi hỏi phải có cách làm, biện pháp phù hợp. 

Trước hết, Chính phủ, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể trong Mặt trận phải đẩy mạnh phong trào thi đua lên cao hơn nữa và rộng khắp hơn nữa. “Chính phủ lập ra các ban cổ động thi đua từ trung ương cho đến các khu, các tỉnh, các huyện, các xã. Chính phủ lại đặt ra giải thưởng”[xxvi]; phải chống bệnh quan liêu, chống nạn tham ô, lãng phí vì bệnh quan liêu sẽ ngăn trở phong trào thi đua, làm nó chậm tiến, và nạn tham ô, lãng phí sẽ làm giảm bớt những kết quả của phong trào thi đua. Chính phủ, đoàn thể, toàn thể quân và dân ta, nhất là các chiến sĩ thi đua phải lập ra các kế hoạch thi đua. Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực, tỉ mỉ. Khi đặt kế hoạch phải tuyệt đối tránh sự sơ suất, “đại khái”, quá cao, phiền phức, miễn cưỡng. Nhờ có kế hoạch thiết thực và có kiểm điểm hằng ngày, phê bình và bổ khuyết kịp thời thì thi đua ngày càng thắng lợi. Bên cạnh đó, phải quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để thực hiện cho bằng được kế hoạch ấy.

Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững. Nghĩa là phải nâng cao lòng nồng nàn yêu nước và giác ngộ chính trị của mọi người. Yêu nước thì phải thi đua, thi đua tức là yêu nước. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm. Nghĩa là phải sao cho mỗi nhóm, mỗi người tự giác tự động. Trong thi đua, không nên thiên về một phía. Phải điều hòa 3 nhiệm vụ với nhau: tăng gia sản xuất, công việc hằng ngày và học tập (chính trị, văn hóa, tình hình trong nước và thế giới).

Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng. Trước khi thi đua phải chuẩn bị đầy đủ (giải thích, cổ động, xét kỹ kế hoạch mỗi nhóm, mỗi người). Trong lúc thi đua, phải thiết thực đôn đốc, giúp đỡ, sửa đổi. Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi. Vì thi đua là cách tốt nhất để làm cho mọi người tiến bộ nên phải thật thà tự phê bình và thân ái phê bình. Người còn chỉ rõ: “Thi đua phải lâu dài và rộng khắp, không phải chỉ trong một thời gian nào, không phải chỉ riêng ngành nào, nhóm người nào. Vì vậy, trong thi đua, chúng ta phải đồng thời bồi bổ lực lượng và tinh thần của quần chúng”[xxvii].

Để thi đua ái quốc trở thành phong trào quần chúng rộng khắp, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các anh hùng, chiến sĩ thi đua phải luôn luôn cố gắng và khiêm tốn, gương mẫu về đạo đức cách mạng, luôn “nêu cao tinh thần trung với nước, hiếu với dân, dũng cảm, mưu trí, khiêm tốn, giản dị, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, khó khăn không ngại, gian khổ không sờn, quyết hoàn thành mọi nhiệm vụ cứu nước, góp phần vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc ta”[xxviii]. Như vậy thì kế hoạch Nhà nước chắc chắn sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức, đời sống của nhân dân ta chắc chắn sẽ cải thiện hơn nữa và chúng ta sẽ vững bước tiến dần lên chủ nghĩa xã hội[xxix].

*

*    *

75 năm qua, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước tiếp tục đưa cách mạng Việt Nam đi đến những thắng lợi quan trọng. Trước hết, tư tưởng của Người là nền tảng lý luận cho công tác thi đua của Đảng và Nhà nước ta qua các thời kì cách mạng, từ giành độc lập dân tộc, đến công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, từ công cuộc đổi mới đến hội nhập quốc tế.

Từ tư tưởng đến các phong trào thi đua yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động và dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân cả nước đã và đang ra sức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước rộng lớn như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”... Cũng từ đó, các thành phần, các cấp, các ngành, các lĩnh vực trong xã hội triển khai nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động, tiêu biểu như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” (công nhân); “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”; “Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng - an ninh” (nông dân); “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” (cán bộ, công chức); “Thi đua dạy tốt, học tốt” (giáo dục); “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”(phụ nữ); “Cựu chiến binh gương mẫu” (Cựu chiến binh); “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”; “Sinh viên tình nguyện” (thanh niên); “Thi đua quyết thắng” (quân đội); “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” (công an); Sinh viên 5 tốt (sinh viên); Học sinh 3 tốt và học sinh 3 rèn luyện (học sinh)...

Ngày nay, khi đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Việc nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước trong giai đoạn hiện nay rất cần được tiếp tục thực hiện. Trước hết, tiếp tục nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung, ý nghĩa, tác dụng của phong trào thi đua yêu nước. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, hình thành các phong trào rộng khắp từ các ngành, các cấp trong cả nước, từ Trung ương đến tận cơ sở. Từ đó, khơi dậy sức mạnh tiềm tàng trong mỗi con người, mỗi tập thể, trở thành động lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách đi đến thắng lợi trong các cuộc đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Đại học Huế

 


[i] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.540.

[ii] Sđd, t.5, tr.513.

[iii] Sđd, t.7, tr.108.

[iv] Sđd, t.5, tr.553.

[v] Sđd, t.5, tr.602.

[vi] Sđd, t.7, tr.404-405.

[vii] Sđd, t.7, tr.408.

[viii] Sđd, t.7, tr.408.

[ix] Sđd, t.7, tr.409.

[x] Sđd, t.6, tr.171.

[xi] Sđd, t.6, tr.55.

[xii] Sđd, t.6, tr.92-93.

[xiii] Sđd, t.7, tr.89-90.

[xiv] Sđd, t.5, tr.556.

[xv] Sđd, t.5, tr.546-547.

[xvi] Sđd, t.6, tr.74.

[xvii] Sđd, t.11, tr.218.

[xviii] Sđd, t.4, tr.35.

[xix] Sđd, t.6, tr.61.

[xx] Sđd, t.11, tr.218.

[xxi] Sđd, t.6, tr.54.

[xxii] Sđd, t.6, tr.52-53.

[xxiii] Sđd, t.6, tr.67.

[xxiv] Sđd, t.6, tr.76.

[xxv] Sđd, t.5, tr.190.

[xxvi] Sđd, t.6, tr.94.

[xxvii] Sđd, t.7, tr.146.

[xxviii] Sđd, t.15, tr.372.

[xxix] Sđd, t.11, tr.497.

 

Tin liên quan
Xem tin theo ngày