Niềm tin chính trị
Cập nhật 29/05/2023

Niềm tin chính trị được hình thành, củng cố dựa trên cơ sở tri thức khoa học cùng với tình cảm và lý tưởng chính trị. Nhận thức khoa học càng sâu sắc thì niềm tin chính trị càng vững chắc, đảm bảo sự ổn định về tư tưởng chính trị, không hoang mang, dao động trước những khó khăn, thử thách. Khi tư tưởng đã thông suốt, thống nhất một cách nghĩ sẽ biến ý chí thành hành động, làm cho mọi người chung sức, đồng lòng, tạo thành lực lượng vật chất to lớn thúc đẩy xã hội tiến lên. Yếu tố cốt lõi đưa tới thống nhất tư tưởng và hành động là niềm tin. “Đảng ta muôn vạn công nông/Đảng ta muôn vạn tấm lòng niềm tin” (Ba mươi năm đời ta có Đảng - Tố Hữu).

 

Niềm tin, lòng tin, sự tin cậy đã góp phần tạo nên sức mạnh của Đảng, của quân và nhân dân ta; là keo gắn trong Đảng và giữa Đảng với nhân dân, tạo thành động lực to lớn giúp chúng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Lý luận và thực tiễn cho thấy, niềm tin nói chung, đặc biệt là niềm tin chính trị là nhân tố quan trọng trong xây dựng sức mạnh của dân tộc ta, niềm tin đó được hình thành và củng cố trên cơ sở nhận thức và sự giác ngộ của quần chúng nhân dân đối với con đường cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta vạch ra. Niềm tin chính trị còn là cốt lõi của sức mạnh chính trị tinh thần, bảo đảm sự vững vàng, ổn định về tư tưởng của mọi thành phần, lực lượng cách mạng, cùng chung ý chí, cùng chung hành động để đạt mục tiêu cách mạng. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh điều đó.

Ngày 03/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặc vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Hơn 93 năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, đất nước ta vượt quan bao khó khăn, thử thách, hiểm nguy. "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập". Lời Bác là niềm tin, là ý chí sắt đá của Đảng, quyết tâm của cả dân tộc để đem đến thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Sau ngày độc lập, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác trong bối cảnh đất nước đang gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với ý chí và quyết tâm đã giúp cho Đảng, Chính phủ vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng đi đến thành công, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Trải qua 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cả dân tộc Việt Nam phải chịu biết bao đau thương, mất mát, hy sinh. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn". Với ý chí, quyết tâm và niềm tin vào chiến thắng không gì lay chuyển được, dân tộc ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, ác liệt và dã man nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc - kỷ nguyên đất nước độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong những năm 80 của thế kỷ XX, tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động lớn. Ở trong nước, chúng ta vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh kéo dài, lại ở trong thế bao vây, cấm vận bởi các thế lực thù địch, Việt Nam rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng kinh tế - xã hội. Khó khăn chồng chất khó khăn. Trước tình hình đó, Đảng Cộng sản Việt Nam ta đã tỏ rõ bản lĩnh, chủ động khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới. Thành công của sự nghiệp đổi mới 37 năm qua là không những giữ được sự ổn định về chính trị, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh chính trị thế giới hết sức phức tạp, đầy biến động mà còn đem lại nhiều thành tựu quan trọng cho đất nước, đem lại niềm tin ngày càng vững chắc trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo, thể hiện "ý Đảng - lòng dân"; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Tuy vậy, chúng ta cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Đó là tình trạng đạo đức xã hội, truyền thống, thuần phong, mỹ tục của dân tộc có mặt bị xuống cấp, mai một. Đặc biệt là tình trạng thoái hóa, biến chất, tham nhũng, quan liêu, cơ hội, thực dụng... của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Các thế lực thù địch kích động, chống phá với những âm mưu, thủ đoạn hết sức thâm độc, xảo quyệt hòng làm lung lạc niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Đây thực sự là những thách thức lớn đối với Đảng ta. Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả".

Trước thực trạng đó, phải xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) gắn với "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", nhằm xây dựng Đảng ta thật sự là Đảng cách mạng chân chính, trong sạch vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin vững chắc trong Đảng và nhân dân. Khuyết điểm, hạn chế chậm khắc phục, để kéo dài sẽ giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng và nếu không được sửa chữa, sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Để xác lập và củng cố niềm tin, điều cần thiết là phải nâng cao trình độ giác ngộ, trình độ hiểu biết cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vì thế, phải làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong toàn Đảng, toàn dân. Cần tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng để mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phải quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng và tệ quan liêu, lãng phí vì đây là một trong bốn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Nêu cao tính gương mẫu của đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo cầm quyền của Đảng. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Làm tốt công tác này là góp phần vào việc khắc phục sự "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Cuộc chiến trên không gian mạng sẽ ngày càng khốc liệt hơn vì âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch ngày càng thâm độc, tinh vi và xảo quyệt. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, quan trọng và có tính chiến lược. Việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ, gìn giữ thành quả cách mạng của quê hương, đất nước đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong tình hình mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, của từng địa phương, cơ quan đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên.

 

BBT
Tin liên quan
Xem tin theo ngày