Huế trong hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành
Cập nhật 01/06/2023

Cách đây 112 năm, ngày 5/6/1911, từ bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành từ giã quê hương, lên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin sang phương Tây, mang theo mình khát vọng cháy bỏng tìm đường cứu nước để đem lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đối với Nguyễn Tất Thành, đây là kết quả của quá trình phát triển chín muồi về nhận thức thông qua thực tiễn cuộc sống, trong đó, 10 năm gắn bó với mảnh đất, con người và thiên nhiên xứ Huế là một trong những tiền đề khách quan để Nguyễn Tất Thành hình thành chí hướng cách mạng và quyết định hành trình sang phương Tây tìm đường cho cách mạng Việt Nam.

 

Đặt chân tới đất kinh đô lần đầu tiên vào năm 1895 khi mới 5 tuổi và sống cùng gia đình tại ngôi nhà số 112 đường Mai Thúc Loan, thành phố Huế, Nguyễn Sinh Cung cùng gia đình nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống mới với bà con lao động xứ Huế. Tuy nhiên, đây là thời điểm Huế chịu nhiều tác động diễn ra trên diện rộng của thiên tai, hạn hán, mất mùa, đói kém. Cũng như bao người dân khác, gia đình Nguyễn Sinh Cung sống trong cảnh gieo neo, thiếu thốn. Mẹ của Người làm nghề dệt vải, còn bố của Người - ông Nguyễn Sinh Sắc ngoài thời gian học, phải đi chép chữ thuê để kiếm sống. Trong những năm tháng ấy, sự yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ của bà con lao động nghèo trên vùng đất kinh đô đã góp phần hình thành nên nhân cách đạo đức cách mạng, lòng yêu thương con người của Hồ Chí Minh sau này.

Là một cậu bé thông minh, lanh lợi và ham hiểu biết, sống giữa trung tâm của chế độ thực dân, phong kiến, Nguyễn Sinh Cung dần có những nhận thức ban đầu về thực trạng xã hội và đã biết thương cảm với những thân phận nghèo khó, tủi nhục của người dân mất nước.

Năm 1898, ông Nguyễn Sinh Sắc dự thi Hội lần hai vẫn không đỗ. Cuộc sống gia đình càng khó khăn hơn, ông Nguyễn Sinh Sắc đã về dạy học cho một số học sinh ở làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang. Làng Dương Nỗ với những cảnh vật bình dị của ruộng lúa, bờ tre, bến nước, sân đình nhanh chóng trở thành nơi thân thuộc của Nguyễn Sinh Cung. Chính những nơi này đã góp phần mở ra cái nhìn mới, những nhận thức mới về nét đẹp văn hóa làng quê xứ Huế đối với Nguyễn Sinh Cung.

Năm 1900, bà Loan mang thai người con thứ tư, ông Nguyễn Sinh Sắc được cử đi coi thi ở trường thi Hương Thanh Hóa. Ông đưa Nguyễn Sinh Khiêm đi cùng, còn Nguyễn Sinh Cung thì về sống với mẹ trong Nội thành Huế. Bà Loan sinh bé Xin trong cảnh khó khăn, túng thiếu nên lâm bệnh nặng và qua đời. Vài tháng sau, bé Xin quá yếu nên cũng mất sớm. Mới 11 tuổi, Nguyễn Sinh Cung đã phải một mình đưa tiễn 2 người thân yêu trong sự cưu mang, đùm bọc của bà con Nội thành xứ Huế. Không lâu sau đó, Nguyễn Sinh Cung được cha đưa về quê nhà Nghệ An.

Trở lại Huế lần thứ hai, Nguyễn Sinh Cung với tên mới - Nguyễn Tất Thành đã là một người thanh niên mang nhiều trăn trở, ưu tư về  vận nước. Cuối tháng  5/1906, ông Nguyễn Sinh Sắc vào kinh đô nhận chức sau khi đã đậu Phó bảng khoa thi Hội Tân Sửu. Ông đưa theo hai anh em Nguyễn Tất Thành cùng vào Huế. Tại đây, hai anh em đã được cha cho đi học Trường Tiều học Pháp - Việt Đông Ba.

Có thể khẳng định rằng, thời gian đi học trong cuộc đời Nguyễn Tất Thành phần nhiều là trên đất Huế. Cậu được học chữ Hán, chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Thời gian học tập ở Huế đã giúp Nguyễn Tất Thành mở rộng tầm nhìn và suy nghĩ, vun đắp thêm ý chí "đuổi thực dân Pháp giải phóng đồng bào". Đây chính là thời gian có ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định xuất dương của Nguyễn Tất Thành. Thời gian học ở trường Quốc Học Huế, ngoài những thầy giáo người Pháp còn có những giáo viên người Việt tâm huyết. Qua các bài giảng, Nguyễn Tất Thành cũng tiếp thu được những giá trị của văn minh, những giá trị nhân quyền, dân quyền từ các cuộc cách mạng tư sản, nhất là cuộc cách mạng tư sản Pháp năm 1789 mà Lênin gọi là cuộc "cách mạng vĩ đại".

Sinh sống và học tập ở trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước, Nguyễn Tất Thành sớm được tiếp cận với sách báo tiến bộ, được tìm hiểu về phong trào Duy Tân. Thực tiễn thất bại của các phong trào đấu tranh yêu nước đầu thế kỷ XX đã đặt ra nhiều câu hỏi và tác động đến chí hướng của Nguyễn Tất Thành.

Ở ngoài xã hội, Nguyễn Tất Thành chứng kiến cái nhục mất nước dưới chế độ thực dân, phong kiến. Các ông Tây, bà đầm thì nghênh ngang giữa phố, đánh người vô tội vạ. Những anh phu xe gầy guộc kéo những tấm thân phì nộn của các ông quan, bà lớn. Những chị hàng rong tất tưởi ngược xuôi kiếm sống qua ngày. Những cô gái giang hồ bán phấn nuôi thân trên sông Hương và từng đoàn người lam lũ kéo vào thành phố ăn xin. Sưu cao, thuế nặng chồng chất lên mãi với tiếng kêu não lòng của người dân xứ Huế. Thừa Thiên Huế được coi là "đất dưới xe vua", nông dân bị cột chặt vào mảnh ruộng khẩu phần nhỏ bé ở nông thôn và phải đóng thuế. Ruộng đất ở Huế ít ỏi, cằn cỗi, lại luôn bị ảnh hưởng bởi thiên tai nên mùa màng thường xuyên mất trắng. Thực dân Pháp còn dùng mọi thủ đoạn để tăng thuế ruộng. Ngay từ năm 1904, đã bắt đầu có tiếng kêu về thuế nặng qua bài vè "Bà Từ Dũ xin thuế cho dân". Song, thuế vẫn cứ chồng chất lên mãi, trở thành nỗi kinh hoàng của người nông dân. Vì thế, khi phong trào chống thuế ở Quảng Nam nổi lên, thì nông dân Thừa Thiên Huế cũng liền đứng dậy, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nông dân toàn miền.

Tháng 4/1908, nông dân 6 huyện rầm rộ kéo vào thành phố Huế, vây lấy Tòa Khâm. Cuộc biểu tình vang dội đến trường Quốc Học, thúc giục lớp thanh niên yêu nước phải tham gia hành động. Với ý thức ủng hộ đồng bào, Nguyễn Tất Thành nhanh chóng hưởng ứng phong trào. Là một học sinh biết tiếng Pháp, anh nhận làm thông ngôn, phiên dịch những yêu sách của đồng bào. Có thể nhận thấy, đây không phải là hành động ngẫu nhiên, bột phát mà là hành động có ý thức, có chiều sâu nhận thức trước những thực trạng mà Nguyễn Tất Thành đã nhìn thấy trong nhà trường và ngoài xã hội. Điều này nói lên lòng căm thù giặc, ý chí chống giặc ngoại xâm của Nguyễn Tất Thành đã không còn dừng lại ở nhận thức mà đã đi đến thực tiễn hành động, một sự chuyển biến về chất trong quá trình hình thành tư tưởng yêu nước của Nguyễn Tất Thành. Chính hành động này là một bước ngoặt lớn, một sự khởi đầu cho sự nghiệp cách mạng của người con yêu nước vĩ đại của dân tộc - Nguyễn Ái Quốc.

Phong trào chống thuế bị đàn áp dã man, mặc dù vậy, phong trào đấu tranh cũng đã ít nhiều tác động đến nhà cầm quyền, buộc chúng phải đáp ứng một số yêu sách của nhân dân. Đây là kết quả của một quá trình đấu tranh của nhân dân các tỉnh miền Trung nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng, trong đó có vai trò của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.

Khoảng tháng 6/1909, Nguyễn Tất Thành rời trường Quốc Học Huế theo cha vào miền Nam, kết thúc chặng đường thứ hai gắn bó với Thừa Thiên Huế. Chỉ sau 2 năm rời khỏi Huế, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã đi đến quyết định mang tính lịch sử - ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 5/6/1911.

Có thể khẳng định, việc ra nước ngoài để tìm một con đường giải phóng cho dân tộc, giải phóng quê hương trong thời điểm lúc bấy giờ là một quyết định hết sức táo bạo và bản lĩnh. Chính trong khoảng thời gian 10 năm gắn bó ở Huế đã có ảnh hưởng rất lớn đến hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Người. Xét về độ tuổi, về trình độ hiểu biết, về những biến cố lịch sử mà cậu bé Nguyễn Sinh Cung, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã từng kinh qua trên đất cố đô đã cung cấp cơ sở thực tiễn và lý luận quan trọng, là động lực vô cùng to lớn để người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đi đến quyết định ra đi tìm đường cứu nước. Và thực tiễn cũng đã chứng minh, đây là một quyết định hoàn toàn đúng đắn.

Tự hào là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình, nơi góp phần hình thành nhân cách  đạo đức, tư tưởng yêu nước và quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của Người. Trong 2 cuộc kháng chiến chống xâm lược, Huế là địa phương luôn nhận được tình cảm yêu mến và sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù bận trăm công, nghìn việc, Người vẫn dành thời gian thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Thừa Thiên Huế qua hàng chục bức thư, hàng trăm cuộc gặp mặt khi có đoàn miền Nam ra thăm. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, Thừa Thiên Huế là một trong 3 ngọn cờ đầu của chiến tranh nhân dân ở miền Nam chống Mỹ và được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen.

Chính tình cảm yêu mến, sự quan tâm đặc biệt của Người là động lực, là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế vững vàng, tự tin trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, đổi mới.

Đồng Thị Ly

 

Tin liên quan
Xem tin theo ngày