Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - Sự lựa chọn duy nhất đúng cho cách mạng Việt Nam
Cập nhật 05/06/2023

Đại hội toàn quốc lần thứ VII (năm 1991) của Đảng ta lần đầu tiên chính thức khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Quyết định này đã tạo niềm tin, phấn khởi đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Tuy nhiên vẫn có người cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin không có vai trò gì đối với cách mạng Việt Nam với lý lẽ để giải phóng dân tộc không có chủ nghĩa Mác - Lênin cũng làm được. Những kẻ phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin tất nhiên cũng sẽ phủ nhận luôn tư tưởng Hồ Chí Minh bởi đây là kết quả của sự vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Lại có người tôn cao tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng với ý đồ tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi chủ nghĩa Mác - Lênin, họ nói cái sáng tạo của Hồ Chí Minh là ở chỗ đã đi ra ngoài tư tưởng cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin để tìm một "con đường khác" phù hợp với Việt Nam.

Phủ nhận vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin trong quá trình cách mạng giải phóng dân tộc chính là làm ngơ trước sự thật lịch sử: nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam chính là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, một chính đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện; là phủ nhận công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đem lại cho nhân dân ta tư tưởng lý luận sắc bén: chủ nghĩa Mác - Lênin và chính Người đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam để tìm ra đường lối đúng đắn cho cách mạng Việt Nam.

Phải thấy hết tình hình nước ta vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chúng ta mới thấy hết giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với sự nghiệp giải phóng của dân tộc ta, mới thấy hết giá trị của con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Sau nhiều thể nghiệm không thành công của các nhà yêu nước như: Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh…, sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân ta tưởng chừng không có đường ra. Các sĩ phu phong kiến không thể có kế sách nào khác để đánh đuổi thực dân Pháp. Hai cụ Phan đã xuất dương để tìm đường cứu nước nhưng các cụ đã hoàn toàn thất vọng dù tinh thần yêu nước của hai cụ hết sức sâu sắc và cao quý. Nguyễn Thái Học đã giương cao ngọn cờ cách mạng theo khuynh hướng mới, khuynh hướng tư sản nhưng cuộc khởi nghĩa Yên Bái đơn độc đã bị thực dân Pháp bóp chết dễ dàng. Công cuộc cứu nước hoàn toàn bế tắc.

Những diễn biến lịch sử từ cuối thế kỷ XIX đến cuối những năm 20 của thế kỷ này nói lên rằng việc tìm con đường giải phóng để thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân là một nhu cầu bức bách của nhân dân ta. Thực tiễn đòi hỏi phải tìm một con đường mới, đúng đắn để cứu nước. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt đúng mạch của thời đại, Người tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin "cái cẩm nang thần kỳ" cần thiết cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Kể từ đó chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng khoa học về sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột đã đến với dân tộc Việt Nam. Và kể từ đó, nhân dân ta đi theo ngọn cờ tư tưởng ấy cho đến thắng lợi hoàn toàn của sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đi theo con đường của chủ nghĩa Mác - Lênin, không nhất thiết phải bắt đầu làm cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội mới, bởi lẽ trong đêm tối của chế độ thuộc địa thực dân, phong kiến, hơn 95% dân số mù chữ, mấy ai được tiếp cận với một cuốn sách mácxít. Nhưng khi nghe khẩu hiệu đấu tranh "độc lập dân tộc và người cày có ruộng", khi chứng kiến những người cộng sản không tiếc thân mình vì nước, vì dân, khi thấy tay sai, đế quốc căm thù và hoảng sợ khi nghe đến những người cộng sản thì hàng triệu đồng bào, không cần những lời giải thích đã có thể hiểu được đảng cộng sản là ai, vì sao chỉ có đảng đó mới đưa dân tộc hồi sinh. Đồng bào ta, nhân dân ta đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin qua thực tiễn cuộc sống.

Với giá trị lý luận sâu sắc, chủ nghĩa Mác - Lênin từng bước được khẳng định và xây đắp niềm tin trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta, trở thành kim chỉ nam chỉ ra con đường đi của dân tộc ta, đó là độc lập dân tộc rồi tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Bản thân mục tiêu và con đường đó đã chỉ ra giai cấp nào có khả năng lãnh đạo, những lực lượng xã hội nào có thể là động lực cách mạng hoặc tham gia đấu tranh, phương pháp nào cần sử dụng. Như vậy, mặc dù lúc đó chủ nghĩa xã hội chưa là mục tiêu trực tiếp nhưng có thể nói, việc xác định con đường tiến lên của cách mạng đã quyết định trước tính đúng đắn của đường lối giải phóng dân tộc. Và lịch sử cũng đã chứng minh, kiên định theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cách mạng nước ta đã giành hết thắng lợi này đến tháng lợi khác, từ Cách mạng Tháng Tám với "lần đầu tiên trong lịch sử của các dân tộc thuộc địa, nửa phong kiến, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền trong toàn quốc", đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ“lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu”, đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước hay cho đến khi đất nước ta "chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay" như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đánh giá.

Có thể khẳng định, không thể có thắng lợi của cách mạng nếu không có chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Và nếu cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin là phương pháp thì người nắm phương pháp ấy là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người từng nói: "Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình". Suốt mấy chục năm trời, Người đã vận dụng sáng tạo và nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin thích ứng một cách tự nhiên với hoàn cảnh và nhu cầu của cách mạng nước ta. Và thực tiễn cách mạng Việt Nam cũng đã chứng minh chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là sự lựa chọn duy nhất đúng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người mà không ai bác bỏ được. Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh mãi là nền tảng tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Đây chính là một trong những vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động.

Đồng Thị Ly

Tin liên quan
Xem tin theo ngày