Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính vừa kết thúc thành công chuyến thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Nhân dịp này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Bắc Kinh đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Hứa Lợi Bình - Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, về kết quả chuyến thăm.
Giáo sư Hứa Lợi Bình cho rằng chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính là chuyến thăm hợp tác thiết thực, cũng là chuyến thăm tăng cường tin cậy lẫn nhau về chính trị, đồng thời góp phần nâng cao hình ảnh quốc tế của Việt Nam.
Ở cấp độ song phương, Trung Quốc và Việt Nam đã ký kết một loạt văn kiện hợp tác song phương trong các lĩnh vực hợp tác trên biển, giám sát thị trường, xây dựng cửa khẩu, thúc đẩy hơn nữa hợp tác thiết thực song phương. Đồng thời, hai bên đã đạt được nhiều nhận thức chung kiểm soát bất đồng trên biển, đẩy nhanh tham vấn về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), qua đó tăng cường sự tin cậy lẫn nhau về chính trị giữa hai bên.
Ở cấp độ đa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới mùa Hè Thiên Tân, đề xuất phương án của Việt Nam về quản trị toàn cầu và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng quốc tế.
Theo Giáo sư Hứa Lợi Bình, chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra đúng dịp kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện giữa Trung Quốc và Việt Nam, điều này sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương lên một tầm cao mới.
Một mặt, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tổng kết hơn nữa kinh nghiệm và thành tựu hợp tác giữa Trung Quốc - Việt Nam trong 15 năm qua; mặt khác sẽ làm tốt công tác hoạch định chiến lược tầm cao của quan hệ song phương trong 15 năm tới, thúc đẩy quan hệ song phương phát triển ổn định lâu dài.
Đặc biệt ở cấp độ song phương, đa phương và quốc tế, hai bên đã phát huy tối đa tiềm năng, cùng nhau thúc đẩy sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, thực hiện được các mục tiêu hiện đại hóa của mỗi nước, xây dựng cộng đồng chung tương lai ngày càng gắn bó hơn.
Nhận định về vị thế của Việt Nam tại Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF, Giáo sư Hứa Lợi Bình cho rằng Việt Nam có vị trí nổi bật tại cuộc họp này.
Hội nghị thường niên năm nay đã thiết lập một chủ đề đặc biệt dành riêng cho Việt Nam, thể hiện đầy đủ tâm gương của Việt Nam trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu với tư cách là một nền kinh tế châu Á mới nổi. Điều này đã củng cố niềm tin cho các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, vượt qua tác động tiêu cực của dịch bệnh, sớm phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tiếp tục thể hiện tầm ảnh hưởng quốc tế của Việt Nam./.
TTXVN