Phát huy vai trò, trách nhiệm văn nghệ sĩ trong xây dựng và phát triển đất nước
Cập nhật 25/08/2023

Văn nghệ sĩ (VNS) là những người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật (VHNT). Với những cống hiến sáng tạo nghệ thuật, những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên... luôn nhận được sự quan tâm, chú ý của số đông công chúng và dư luận xã hội. Tài năng, lối sống và văn hóa ứng xử của VNS có khả năng tác động, ảnh hưởng, lan tỏa mạnh mẽ đến công chúng, nhất là giới trẻ.

 

Trong đời sống hiện nay, VHNT tiếp tục dòng mạch chính của chủ nghĩa nhân văn yêu nước, đội ngũ VNS đã hòa mình vào thực tiễn sinh động, chủ động đổi mới tư duy, giữ gìn và phát huy các yếu tố tích cực, lành mạnh. Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng, quan tâm, đầu tư, động viên đội ngũ VNS phát triển, trưởng thành, đóng góp tích cực, xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Đánh giá về đội ngũ VNS, Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) đã khẳng định: "Đội ngũ văn nghệ sĩ được hình thành, phát triển và rèn luyện trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, là lực lượng tin cậy, trung thành của đất nước, của Đảng và nhân dân, có lòng yêu nước nồng nàn, tự hào dân tộc, tâm huyết với nghề nghiệp, xứng đáng với danh hiệu cao quý nghệ sĩ - chiến sĩ, là lực lượng nòng cốt trực tiếp tạo nên nền văn học nghệ thuật cách mạng của dân tộc trong thời kỳ mới". Bên cạnh vai trò to lớn và những đóng góp rất quan trọng của đội ngũ VNS, vẫn còn những điều đáng nói về vai trò, trách nhiệm và đạo đức của VNS hiện nay. Việc đề cao quá mức "cái tôi" đã làm cho một số VNS có nhận thức, quan điểm lệch lạc trong lối sống. Trong hoạt động giao tiếp, ứng xử, không ít VNS thiếu chuẩn mực, thiếu văn hóa trong đời sống và trên mạng xã hội, khiến dư luận không đồng tình. Một số VNS chạy theo thị hiếu tầm thường, buông bỏ chức năng tư tưởng, giáo dục, sáng tác nên tác phẩm không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước, thậm chí truyền bá những tư tưởng đối lập với quan điểm, đường lối của Đảng, xét lại lịch sử, xóa nhòa ranh giới chính nghĩa và phi nghĩa của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc; thổi phồng, khoét sâu vào một số khuyết điểm của sự nghiệp đổi mới. Bên cạnh đó xuất hiện trào lưu sáng tác, tuyên truyền dòng văn học ngôn tình, ảo tưởng, cổ vũ lối sống hưởng thụ... Sự thiếu minh bạch trong một số hoạt động xã hội, nhất là hoạt động từ thiện của một số nghệ sĩ gây tác động trong dư luận xã hội, đã đánh mất uy tín, niềm tin, "thần tượng" đối với công chúng.

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã đề ra nhiệm vụ cho VHNT: "Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người". Trước hết là trách nhiệm của VNS để sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị về tư tưởng mà Đảng ta đã định ra trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tác phẩm VHNT không chỉ có giá trị về tư tưởng, mà còn phải có giá trị về nghệ thuật, có giá trị thẩm mỹ, hướng con người vươn tới chân - thiện - mỹ. Để thuyết phục công chúng về cái hay, cái đẹp, VNS phải là tấm gương về đạo đức, lối sống. VNS là phải luôn giữ bản lĩnh vững vàng, không bị tác động, ảnh hưởng bởi ngoại cảnh, không bị lôi kéo, mua chuộc, không vì lợi ích cá nhân mà có những sáng tác đi ngược lại lợi ích cộng đồng, lợi ích của dân tộc, của đất nước. Do vậy, phải đề cao vai trò và trách nhiệm của VNS trong việc xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống của con người Việt Nam.

Nhiệm vụ trọng tâm của VNS là sáng tác các tác phẩm có giá trị cho xã hội, cho dân tộc, để VHNT thật sự phát huy được tính tích cực của mình vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của quê hương, đất nước. Ngoài cái tâm và cái tài VNS cần phải có sự hiểu biết và niềm tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc nâng tầm tư tưởng của mỗi tác phẩm đang là đòi hỏi ngày càng cao của công chúng hiện nay. Khắc phục tình trạng đề cao quá mức chức năng giải trí, tôn sùng chủ nghĩa hình thức, dẫn đến "lệch chuẩn" trong một số loại hình, hoạt động VHNT. Các hội VHNT phải làm tốt vai trò tập hợp, quản lý, đoàn kết, phát huy tính chủ động, tích cực xã hội và tài năng sáng tạo, định hướng tư tưởng, bồi đắp phẩm chất chính trị cho đội ngũ VNS để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

VNS phải thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, đối với đồng nghiệp, đối với công chúng, khán giả; trên báo chí, truyền thông và không gian mạng và khi tham gia các hoạt động xã hội khác, nhằm mục đích xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử, nhằm thống nhất nhận thức, hành động của người hoạt động nghệ thuật, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật và toàn xã hội. Khuyến khích, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp theo tinh thần "lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực". Góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới. Bên cạnh động viên, khích lệ những người làm nghệ thuật chân chính, cần xây dựng chế tài xử phạt nghiêm khắc trước những sai phạm của VNS về pháp luật, đạo đức, lối sống.

Giữ gìn phẩm chất đạo đức, uy tín, danh dự của người hoạt động nghệ thuật phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa của đất nước. Cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhất là việc thẩm định trước khi công chiếu, trình diễn, trưng bày,... nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và uy tín của VNS trong hoạt động nghệ thuật. "Văn nghệ sĩ, người chiến sĩ xây dựng và phát triển nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần phát huy lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt với nhân dân, nêu cao trách nhiệm công dân, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị phụng sự đất nước và xã hội" (Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị). Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: "Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả của các loại hình văn hóa, văn nghệ... Chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, đồng thời bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam; hạn chế các lệch lạc, các biểu hiện chạy theo thị hiếu tầm thường...".

Trước những tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường và chống phá, lôi kéo, mua chuộc của các thế lực thù địch để thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình", cần chú trọng xây dựng và bồi đắp nhân cách, lý tưởng, trách nhiệm, đạo đức đối với nhân dân, đối với Tổ quốc để hình thành một đội ngũ VNS có tài năng, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ, góp phần đấu tranh các quan điểm sai trái, thù địch. Với trách nhiệm và đạo đức của VNS, bằng đề tài phong phú, nội dung sâu sắc, hình thức nghệ thuật hấp dẫn, VHNT nước ta sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững đất nước.

 

BBT
Tin liên quan
Xem tin theo ngày