Tiếng nói lạc lõng của các phần tử xuyên tạc, phá hoại trong mùa tựu trường
Cập nhật 14/09/2023

Trong quãng đời học sinh, mùa tựu trường là mùa đẹp nhất, đánh dấu cột mốc khởi đầu năm học mới với bao niềm tin, tương lai và hi vọng. Thời điểm này, khi hàng triệu học sinh, thầy cô giáo và các bậc phụ huynh đang phấn khởi hòa trong không khí ngày tựu trường thì vẫn có tiếng nói lạc lõng bình luận trên không gian mạng.

 

Trang Baotiengdan có bài: “Thầy và quan”, “Ai đánh trống khai giảng”, Fanpage của Việt Tân có bài: “Học sinh Việt Nam vẫn sướng”, “Việt Nam cần nhiều trường học chứ không phải nhà hát”…Trong đó, chúng dùng lời lẽ mỉa mai bình phẩm việc cán bộ lãnh đạo đến dự, đánh trống trong ngày khai giảng; khoét sâu vào một số biểu hiện đơn lẻ còn tồn tại của nền giáo dục rồi quy đó là bản chất của nền giáo dục Việt Nam. Đồng thời, so sánh nền giáo dục hiện nay với giáo dục của chế độ Việt Nam Cộng hòa hoặc ra sức quảng bá, tô vẽ, khuếch trương nền giáo dục phương Tây. Nguy hiểm hơn, chúng đòi bỏ môn lý luận Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam ra khỏi chương trình đào tạo; bịa đặt, xuyên tạc về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo.

Thực chất, đây là lời lẽ xuyên tạc trắng trợn đầy dã tâm của các phần tử phản động, cơ hội chính trị.

Bởi lẽ, Đảng ta luôn khẳng định Giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân”. Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), người đứng đầu Đảng, Nhà nước - Chủ tịch Hồ Chí Minh với quan niệm “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” đã đề ra một trong những nhiệm vụ cấp bách đầu tiên của chính quyền cách mạng là diệt “giặc dốt”. Từ đó đến nay, từ phong trào Bình dân học vụ đến phong trào xóa mù chữ, giáo dục Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng, đạt được nhiều kết quả đáng tự hào: diện mạo giáo dục thay đổi theo hướng tích cực; chất lượng giáo dục đại trà lẫn mũi nhọn có nhiều chuyển biến; học sinh Việt Nam liên tiếp giành các giải thưởng cao của khu vực, quốc tế; các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục lọt vào bảng xếp hạng uy tín thế giới…

Tuy vậy, chúng ta thẳng thắn nhìn nhận rằng, giáo dục - đào tạo Việt Nam đang phải nỗ lực vượt qua những thách thức không nhỏ. Trong đó phải kể đến chương trình học có môn còn quá tải; phương pháp dạy học còn thiên về truyền thụ kiến thức nên chưa phát huy được tính tích cực của người học; việc kiểm tra, thi cử còn nặng về điểm số dẫn tới áp lực cho học sinh; giáo dục cao đẳng, đại học chưa đáp ứng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Nhận thức sâu sắc vấn đề đó, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm từng bước khắc phục những tồn tại trong lĩnh vực giáo dục. Đặc biệt, Đảng đã đề ra quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo (Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XI), trọng tâm là chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục và đào tạo; xây dựng nền giáo dục mở; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo.

Giáo dục liên quan đến mọi người, mọi nhà và ảnh hưởng mật thiết đến sự ổn định, phát triển của quốc gia. Do đó, khi nhìn nhận, đánh giá về giáo dục rất cần phải được xem xét toàn diện, thấu đáo ở mọi khía cạnh. Một số người chưa thực sự biết giáo dục các nước như thế nào hoặc cũng chỉ “nghe” đã vội vàng tung hô hết lời và chê bai giáo dục của đất nước. Giáo dục ở các nước tiên tiến có mặt này, mặt khác tiến bộ khi chúng ta nhìn vào, nhưng chắc chắn vẫn có rất nhiều hạn chế, nhất là vấn đề công bằng trong giáo dục. Áp dụng một cách rập khuôn, máy móc, không có sự chắt lọc để phù hợp với điều kiện đất nước thì sẽ gây ra những hậu quả khó lường. Mọi sự phủ nhận sạch trơn, xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch nêu trên chỉ nhằm mục đích làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, phục vụ cho mưu đồ xấu xa của các đối tượng này.

Có thể khẳng định rằng, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, Nhà nước cùng sự chung tay góp sức của các tầng lớp nhân dân, 78 năm qua, chúng ta đã kiên định, phát triển các giá trị của nền giáo dục Việt Nam, tích cực khắc phục những hạn chế, yếu kém; bên cạnh đó, cần tiếp thu, cập nhật các tri thức, giá trị tiến bộ về giáo dục của thế giới. Giáo dục nước nhà đã đạt được những kết quả ấn tượng về nhiều mặt, được cộng đồng thế giới ghi nhận. Trong thời điểm tự trường, khắc ghi những lời dặn dò của Bác Hồ trong lá thư gửi học sinh cả nước nhân ngày khai giảng đầu tiên của nước Việt Nam DCCH: “Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang. Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn”. Lời dặn dò này cùng với tiếng trống sẽ giục giã, thôi thúc và tiếp thêm sức mạnh để các thế hệ học sinh nỗ lực, chăm chỉ học hành, góp phần dựng xây quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

 

Hà Tiên
Tin liên quan
Xem tin theo ngày