Vai trò của báo chí đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Cập nhật 15/12/2023

Theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí nước ta hiện nay là chủ động tiến công, kiên quyết và thường xuyên “đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị”, làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, góp phần tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

 

Trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội ra sức xuyên tạc, chống phá nhằm loại bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng ta - chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh - ra khỏi đời sống tinh thần xã hội. Chúng công kích những bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác - Lê-nin; tập trung vào những nguyên lý cơ bản và những luận điểm lý luận then chốt; lợi dụng cả những người hiểu và vận dụng chưa đầy đủ chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong thực tiễn để xuyên tạc, chống phá. Chúng tấn công chủ nghĩa Mác - Lê-nin cả về lý luận và thực tiễn; đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lê-nin; xuyên tạc, bóp méo tư tưởng Hồ Chí Minh.

          Các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị ra sức xuyên tạc, chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quá trình tổ chức thực hiện; triệt để lợi dụng những thiếu sót, khuyết điểm của ta trong thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật để chống phá; xuyên tạc sự thật, bôi nhọ một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đội ngũ cán bộ, đảng viên... Chúng trực tiếp tấn công vào nền báo chí cách mạng nước ta, với chiêu bài “tự do báo chí”, vu cáo Đảng và Nhà nước “vi phạm quyền tự do ngôn luận”, âm mưu phi chính trị báo chí nước ta, tách rời báo chí khỏi sự lãnh đạo của Đảng, khiến báo chí mất phương hướng chính trị, mất tính chiến đấu.

          Sự chống phá của các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị là hết sức thâm độc, nguy hiểm. Do đó, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng và đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị có vai trò quan trọng đặc biệt, là trách nhiệm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó có vai trò quan trọng, tiên phong của các cơ quan báo chí.

          Ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết nêu rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”[1]. Từ những quan điểm chỉ đạo cốt lõi đó, vai trò của hoạt động báo chí trong việc triển khai công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chủ yếu thể hiện trên các khía cạnh sau:

          Báo chí góp phần tuyên truyền, phổ biến, lan tỏa những giá trị, tính khoa học, cách mạng và nhân văn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đông đảo quần chúng nhân dân, giúp cho cán bộ, đảng viên, nhân dân luôn tin tưởng vào chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, chích sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thuận, đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương.

          Luôn thông tin trung thực, đầy đủ kịp thời về tình hình của tỉnh, của đất nước và thế giới, các sự kiện chính trị, những thành quả trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, gương người tốt, việc tốt để góp phần phòng, chống "diễn biến hòa bình", thông tin xấu, độc trên không gian mạng. Đồng thời, phản ánh, nhận diện chính xác, cụ thể những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị trong và ngoài nước chống phá Đảng và Nhà nước ta.

          Báo chí thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, phản biện, lan tỏa và phát triển quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các vấn đề trong đời sống xã hội; truyền bá hệ giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc; báo chí là cầu nối giữa Đảng với dân, phản ánh hơi thở của cuộc sống, chuyển tải tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đến cấp ủy, chính quyền để kịp thời tháo gỡ, giải quyết, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tránh để kẻ thù lợi dụng xuyên tạc, kích động chống phá.

          Bên cạnh đó, báo chí cũng góp phần hướng dẫn cán bộ, đảng viên, các lực lượng chức năng và nhân dân nhận thức đúng đắn, tổ chức thực hiện và có biện pháp đấu tranh phù hợp, hiệu quả trước các quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời, phản ánh và làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp nắm tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tạo sự đồng thuận, hình thành dư luận xã hội lành mạnh, góp phần tăng cường sự đoàn kết, nhất trí về tư tưởng, chính trị và nền tảng văn hóa tinh thần trong nhân dân, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.

          Đồng thời, báo chí góp phần phát hiện, nêu gương, nhân rộng người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến, cách làm, mô hình hay hiệu quả trong các lĩnh vực của đời sống xã hội với chủ trương "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", lấy thông tin tích cực dẹp thông tin tiêu cực. Báo chí là công cụ quan trọng và tiên phong trong phòng, chống tiêu cực, lãng phí, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; trực tiếp đấu tranh ngăn chặn, phản bác những quan điểm sai trái, xuyên tạc, phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, tự do ngôn luận để xuyên tạc, vu cáo nhằm tạo cơ can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, phủ định những thành quả của cách mạng, của sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo; xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.

          Có thể khẳng định rằng, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay với đầy rẫy thông tin đa chiều, tốt xấu, thật giả lẫn lộn, đan xen trên không gian mạng, thì vai trò của báo chí vẫn ngày càng khẳng định trong việc bảo đảm dòng chảy của thông tin chính thống, đặc biệt có vai trò định hướng dư luận, nâng cao dân trí, phục vụ có hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới./.

 


[1] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.7-8.

 

BBT
Tin liên quan
Xem tin theo ngày