NHÌN LẠI HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM
Cập nhật 27/02/2024

Sau hơn 35 năm đổi mới và hội nhập, Việt Nam từ một nước nông nghiệp lạc hậu, sản xuất đình trệ, lạm phát ở mức cao đã vươn lên trở thành một trong những nước có nền kinh tế năng động nhất trên thế giới và đã đạt được những bước phát triển nhanh, toàn diện trên tất cả các mặt, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Trước hết, sự ổn định về chính trị là một lợi thế để Việt Nam xây dựng nền hòa bình và thịnh vượng. Đây là yếu tố then chốt, là nền tảng cơ sở để hoạch định chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; bảo đảm cho sự gắn kết và thực thi các chính sách một cách nhất quán. Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới chính trị gắn liền với đổi mới kinh tế; không ngừng bổ sung, phát triển lý luận về con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội và những nội dung lý luận chính trị cơ bản, góp phần hoạch định các quyết sách chiến lược của Đảng trong thời kỳ đổi mới, hội nhập.

Nhờ đó, công tác đổi mới chính trị, nhất là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và củng cố chế độ chính trị đã đạt được những kết quả nổi bật, đó là: Quyền lực Nhà nước được thực thi thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan; hệ thống chính trị được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; quyền làm chủ của nhân dân trong các lĩnh vực đời sống xã hội được phát huy và đi vào thực chất; quyền con người, quyền công dân được Nhà nước công nhận, tôn trọng và bảo đảm, nhân dân hết sức phấn khởi... góp phần hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nhân dân được hưởng độc lập, tự do, hạnh phúc và có điều kiện phát triển toàn diện.

Nền kinh tế tăng trưởng mạnh và bền vững của Việt Nam đã trở thành “điểm sáng” trong “bức tranh tối màu” của nền kinh tế toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam tương đối cao, bình quân giai đoạn 2001-2010 tăng 7,26%, giai đoạn 2011-2020 đạt khoảng 6%, do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Mặc dù vậy, năm 2020, GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 2,91%, đạt 271,2 tỷ USD, gần đây nhất là năm 2023, tăng trưởng kinh tế đạt 5,05% cho thấy Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh và hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 224 đối tác và hơn 500 tổ chức quốc tế; đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương; tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 15 hiệp định đã và đang thực hiện, 2 hiệp định đang trong quá trình hoàn tất đàm phán.

Quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu và hội nhập quốc tế toàn diện. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng: Từng bước phá vỡ thế bao vây, cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại với các quốc gia, tổ chức trong khu vực và thế giới. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia trên thế giới, trong đó có 190/193 nước thành viên của Liên hợp quốc. Việt Nam cũng đang là thành viên tin cậy, có trách nhiệm của nhiều tổ chức trong khu vực và quốc tế như: ASEAN, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB)... Những thành tựu trong công tác đối ngoại đã góp phần thu hút nguồn ngoại lực lớn cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, duy trì hòa bình, ổn định, giữ vững an ninh quốc gia; giải quyết hiệu quả các vấn đề biên giới, lãnh thổ, biển, đảo với các nước có liên quan, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Tiềm lực quốc phòng, an ninh vững mạnh toàn diện. Cùng với những thành tựu vượt bậc của công cuộc đổi mới đất nước, lĩnh vực quốc phòng, an ninh luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân chăm lo xây dựng, củng cố. Vì vậy, tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững mạnh toàn diện, có bước phát triển mới về cả bề rộng và chiều sâu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Các lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Quân đội nhân dân, Công an nhân dân tiếp tục được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh được bổ sung, hoàn thiện, số lượng văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng, an ninh tăng lên rõ rệt. Công tác đối ngoại quốc phòng được đẩy mạnh, điển hình là Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác quốc phòng với hơn 100 quốc gia, đặt Cơ quan Tùy viên Quốc phòng thường trú tại Liên hợp quốc và nhiều nước, đồng thời cũng có nhiều nước đặt Cơ quan Tùy viên Quốc phòng/Tùy viên Quân sự tại Việt Nam.

Văn hóa Việt Nam bước đầu chuyển mình trở thành mục tiêu, động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước. Văn hóa là “chìa khóa” để củng cố vững chắc nền tảng tinh thần của xã hội, góp phần khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững. Thời gian qua, Việt Nam đã có những thay đổi tích cực về thể chế, chính sách nhằm thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển mạnh mẽ, trở thành “sức mạnh mềm” để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Nhà nước còn tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm văn hóa, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của dân tộc.

Lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo cũng có những chuyển biến tích cực, góp phần bảo đảm tốt việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện nhờ thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng với tăng trưởng kinh tế, công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động được đẩy mạnh, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao. Công tác xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Năm 2000, Việt Nam cơ bản xóa xong tình trạng đói kinh niên. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều của cả nước đã giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống dưới 3% (năm 2020), bình quân giai đoạn 2016-2020 giảm trên 1,4%/năm. Từ một nước nghèo, lạc hậu và thiếu ăn, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu rằng: "Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hoá. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Nhìn chung, trên hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, thế và lực của đất nước được nâng lên tầm cao mới, tạo tiền đề để Việt Nam tiếp tục đổi mới, phát triển trong tương lai. Hành trình đổi mới với sự hài hòa giữa ý Đảng với lòng dân, cùng với thiên thời, địa lợi, nhân hòa đã tạo động lực đưa Việt Nam vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

 

TH
Tin liên quan
Xem tin theo ngày