Khẳng định vai trò của phụ nữ Việt Nam trong tham gia xây dựng đất nước và chống giặc ngoại xâm
Cập nhật 08/03/2024

Nói đến phụ nữ Việt Nam là nói đến tinh thần dũng cảm, lòng vị tha, đức hy sinh, tính cần cù, nhẫn nại, tận tụy, thủy chung và tài năng, sáng tạo. Ngay từ buổi đầu dựng nước và giữ nước, những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam đã tỏa sáng trong tinh thần đấu tranh quật cường của dân tộc với những tấm gương tiêu biểu như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Thái hậu Dương Vân Nga, Nguyên phi Ỷ Lan, nữ tướng Bùi Thị Xuân,... khẳng định vai trò của phụ nữ trong tham gia lãnh đạo đất nước và chống giặc ngoại xâm. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, từ thời kỳ dựng nước, đấu tranh chống Bắc thuộc cho đến năm 1930, phụ nữ Việt Nam luôn khẳng định được ý chí, phẩm chất, truyền thống, nét văn hóa riêng biệt của mình và của dân tộc Việt Nam; có nhiều đóng góp to lớn vào lịch sử phát triển của dân tộc trên các lĩnh vực. Đây là nền tảng cơ bản để phụ nữ Việt Nam tiếp tục bước vào con đường đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ ngày có Đảng (ngày 3-2-1930), những hoạt động và đóng góp của phụ nữ Việt Nam vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước luôn gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất vào tháng 10-1930 đã chỉ rõ: “Lực lượng cách mạng của phụ nữ là một cái lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc tranh đấu cách mạng thì cách mạng không thắng lợi được”(1). Đây là nghị quyết có tính lịch sử, mở đầu cho trang sử mới của phong trào phụ nữ Việt Nam và tổ chức Hội. Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam có một chính đảng đánh giá đúng vai trò, vị trí, khả năng cách mạng của phụ nữ và có những chủ trương, phương thức lãnh đạo phù hợp để tập hợp, huy động phụ nữ tham gia vào con đường đấu tranh cách mạng.

Phong trào phụ nữ Việt Nam phát triển mạnh mẽ và sâu rộng ngay từ những năm 1930 - 1931 với nhiều hình thức hoạt động phong phú, tập hợp đông đảo phụ nữ tham gia vào cao trào đấu tranh cách mạng, đòi quyền lợi kinh tế, cải thiện đời sống, chống lại sự áp bức của đế quốc, phong kiến. Những tên gọi của Hội Phụ nữ qua các thời kỳ gắn liền với nhiệm vụ trọng tâm từng giai đoạn cách mạng, như tổ chức Phụ nữ Giải phóng (1930  - 1936), Hội Phụ nữ Dân chủ (1936 - 1939), Hội Phụ nữ Phản đế (1939  - 1941), Đoàn Phụ nữ Cứu quốc (1941 - 1945). Trong các thời kỳ này, phụ nữ vừa tham gia bảo vệ các chiến sĩ cách mạng, vừa chăm lo sản xuất, trực tiếp đấu tranh với kẻ thù; đồng thời, là những người trực tiếp chỉ huy, lãnh đạo các hoạt động cách mạng và khởi nghĩa ở các địa phương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức phụ nữ đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tiêu biểu cho giai đoạn này là tấm gương hy sinh của chị Nguyễn Thị Minh Khai, nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn  - Chợ Lớn, một trong những người lãnh đạo cao trào cách mạng 1936 - 1939 ở Sài Gòn. Tấm gương nghĩa liệt của chị, thể hiện tinh thần bất khuất của phụ nữ Việt Nam, giữ vẹn lòng trung thành với Đảng, có sức lay động mãnh liệt đến tinh thần đấu tranh của chị em phụ nữ khắp cả nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của người phụ nữ và luôn coi trọng sự nghiệp giải phóng phụ nữ trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Theo Người, trình độ giải phóng phụ nữ được coi là thước đo của trình độ phát triển xã hội. Bởi, “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội một nửa”(1). Vị trí, vai trò của người phụ nữ là rất quan trọng, thể hiện ở cả vai trò duy trì nòi giống và cả trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Người đã từng nghiên cứu và rút ra kết luận: “Xem trong lịch sử cách mệnh, chẳng có lần nào là không có đàn bà, con gái tham gia”(2). Dù đang bôn ba nơi đất khách quê người để tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn nhận thấy một nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam là sự tham gia của phụ nữ: “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”(3). Tại lễ kỷ niệm 36 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20-10-1966), Bác Hồ nói: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu dân cho đến nay, mỗi khi nước nhà gặp nguy nan thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc”(4). Trong Thư gửi phụ nữ nhân kỷ niệm chiến thắng Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế phụ nữ 08-3-1952, Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Non sông gấm vóc nước Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ”(5). Người khẳng định vai trò của phụ nữ đồng thời Người muốn hướng tới mục tiêu đưa phụ nữ Việt Nam ta đến với việc giải phóng toàn diện trong mọi mặt của đời sống xã hội.

Trong cách mạng Tháng Tám năm 1945, cùng với nhân dân cả nước, hàng triệu phụ nữ Việt Nam đã đứng lên đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, lập nên chính quyền dân chủ nhân dân, tạo bước ngoặt lịch sử trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đưa phụ nữ Việt Nam từ vị trí người nô lệ, làm thuê trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phụ nữ cả nước đã hăng hái tham gia phục vụ chiến đấu, góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, kết thúc oanh liệt 9 năm trường kỳ kháng chiến. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phụ nữ Việt Nam đã cùng nhân dân cả nước thể hiện rõ ý chí quyết tâm đánh giặc ngoại xâm. Trên chiến trường miền Nam, nơi tuyến đầu của Tổ quốc, chị em đã tham gia làm giao liên, liên lạc; xây dựng cơ sở cách mạng trong lòng địch, nuôi giấu cán bộ, bám đất, bám dân, kiên cường chiến đấu. Nhiều chị em đã tham gia Đội quân tóc dài, các đội: “Nữ du kích”, “Nữ biệt động”, lập nên những chiến công vang dội.

Hòa chung với những chiến công của phụ nữ miền Nam, phụ nữ miền Bắc đã tích cực tham gia phong trào “Ba đảm đang”, thi đua sản xuất và công tác thay cho nam giới đi chiến đấu; đảm đang công việc gia đình, khuyến khích chồng, con yên tâm chiến đấu; phục vụ chiến đấu khi cần thiết. Chị em không chỉ làm tốt nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu và đảm nhiệm phần lớn công việc sản xuất, mà còn vận động các mẹ, các chị động viên chồng con lên đường đánh Mỹ. Hàng vạn phụ nữ đã tình nguyện tham gia thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có sự đóng góp to lớn của phụ nữ hai miền Nam - Bắc.

Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, cả nước đi lên CNXH, phụ nữ Việt Nam đã cùng chung sức khắc phục hậu quả chiến tranh, tập trung xây dựng đất nước. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới hiện nay, khi đất nước bước vào kỷ nguyên hội nhập với thế giới, xây dựng đất nước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phụ nữ càng có thêm cơ hội đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; những phẩm chất cao quý của phụ nữ Việt Nam càng tiếp tục tỏa sáng. Các tầng lớp phụ nữ trong cả nước đã năng động, sáng tạo, tích cực phấn đấu và có những đóng góp  quan trọng trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, mở rộng quan hệ quốc tế, tăng cường quốc phòng-an ninh của đất nước.

Như vậy, trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào của đất nước, ta có thể tự hào rằng, phụ nữ Việt Nam có vai trò vô cùng quan trọng trong gia đình, trong đấu tranh cách mạng, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho những người phụ nữ Việt Nam anh hùng quả cảm trong lao động sản xuất và chiến đấu tám chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” để minh chứng cho điều đó.

T.H

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t3, tr. 523.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 288

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 289

(4)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 148

 (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 432

 

Tin liên quan
Xem tin theo ngày