Trước đổi mới, cả nước có ba tôn giáo được công nhận về tổ chức. Từ khi đổi mới đến năm 2020, Nhà nước Việt Nam đã công nhận 38 tổ chức tôn giáo, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 4 tổ chức và 01 pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo, nâng số tổ chức tôn giáo được công nhận, có tư cách pháp nhân lên 41. Có hàng nghìn nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung (trong đó các các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam); có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số cả nước), hơn 54 nghìn chức sắc, 135 nghìn chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự.
Tuy nhiên, ngày 30/11/2022, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa Việt Nam vào cái gọi là Danh sách các nước bị theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo theo Đạo luật tự do tôn giáo quốc tế của Mỹ năm 1998. Tháng 4/2023, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ đề xuất Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ định Việt Nam là một trong những quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC) với lý do các tôn giáo thiểu số, các nhóm tôn giáo chưa được chính quyền công nhận, Công giáo và đạo Tin lành tiếp tục bị hạn chế quyền tự do tôn giáo, bị đối xử bất bình đẳng. Đây là nhận định thiếu khách quan, sai lệch, không đúng với tình hình thực tế ở Việt Nam.
Thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình", các thế lực phản động đã đăng tải nhiều bài viết xuyên tạc về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, cho rằng Đảng, Nhà nước vi phạm dân chủ, nhân quyền, ban hành các chủ trương phân biệt tôn giáo, đàn áp đồng bào có đạo. Chúng lợi dụng sơ hở, thiếu sót chưa được khắc phục hoặc khắc phục chưa triệt để trên một số lĩnh vực của đời sống xã hội để xuyên tạc, kích động, lôi kéo quần chúng tín đồ tụ tập, phản đối, gây yêu sách với chính quyền. Xuyên tạc Đảng, Nhà nước ta "quốc doanh hóa Phật giáo" nhằm kích động sự bất bình giữa các tôn giáo. Không ít cá nhân đã lợi dụng danh nghĩa tôn giáo, sử dụng Internet và các nền tảng mạng xã hội để xuyên tạc chính quyền và các cơ quan, lực lượng chức năng, hòng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản thể hiện rõ quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo. Đại hội VII, Đại hội VIII Đảng ta xác định: Đảng và Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện bình đẳng, đoàn kết lương giáo và giữa các tôn giáo. Về tôn giáo, thi hành nhất quán chính sách tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân. Các tôn giáo đều được bình đẳng trước pháp luật. Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về Công tác tôn giáo đã khẳng định: "Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật... Nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; mọi công dân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo đều có quyền và nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Công tác tôn giáo luôn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, các lực lượng chức năng nòng cốt để giữ vững ổn định, "Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống "tốt đời đẹp đạo", đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc" (Văn kiện Đại hội XIII).
Hiến pháp năm 2013 đã nêu rõ: mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội; mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhằm tiếp tục thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng đối với tôn giáo, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2016). Việc quản lý nhà nước về tôn giáo ở nước ta là để thực thi chính sách tôn giáo, bảo đảm quyền tự do, bình đẳng tôn giáo cho mọi người, mọi tổ chức tôn giáo trên lãnh thổ nước ta, chứ không phải nhằm hạn chế quyền tự do tôn giáo như luận điệu thiếu thiện chí của một số thế lực phương Tây, một số tổ chức phản động ở nước ngoài xuyên tạc, bịa đặt.
Hằng năm trên cả nước có trên 8.000 lễ hội về tín ngưỡng, tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân đều được truyền bá tôn giáo, mở trường đào tạo, xuất bản kinh sách... Tính đến nay, số trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo lên tới trên 60 trường, trong đó có 21 trường đủ tiêu chuẩn đào tạo trình độ đại học, có trường được phép đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Từ năm 2018 - 2021, cơ quan có thẩm quyền Nhà nước đã cấp phép xuất bản 2.027 ấn phẩm về tôn giáo, tín ngưỡng với 7.006.240 bản in, trong đó có nhiều xuất bản phẩm được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng dân tộc thiểu số; có nhiều tờ báo, tạp chí của các tôn giáo đang hoạt động.
Nhà nước ta đã giải quyết tương đối tốt vấn đề nhà đất tôn giáo, xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự của các tôn giáo. Cơ sở thờ tự của tôn giáo đều tăng lên, đáp ứng nhu cầu về nơi sinh hoạt tôn giáo của nhân dân. Hiện nay, các tôn giáo có trên 30 nghìn cơ sở thờ tự, tất cả đều được trùng tu sửa chữa với quy mô lớn. Trước khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực, cả nước có 2.600 điểm nhóm, sau 5 năm thi hành Luật có thêm hơn 1.100 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung thuộc tất cả các tôn giáo ở Việt Nam.
Các tổ chức tôn giáo ở nước ta khi được nhà nước công nhận thực hiện đường hướng gắn bó với dân tộc và tuân thủ pháp luật. Về xây dựng nếp sống văn hóa, các tôn giáo đã có những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, như Phật giáo với các mô hình "Gia đình Phật tử gương mẫu", "Phật giáo tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới",... Công giáo có phong trào "Khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội", "Đẹp xóm làng, đẹp nhà cửa, đẹp xứ họ, đẹp ruộng đồng",... Đạo Tin Lành xây dựng mô hình "Ba giảm, bốn giữ" (ba giảm: giảm tai nạn giao thông, giảm tội phạm, giảm tệ nạn xã hội; bốn giữ: giữ người, giữ tài sản, giữ bình yên thôn xóm, giữ tình thương)... Các tôn giáo chiếm giữ một nguồn nhân lực khá dồi dào trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế.
Nhà nước Việt Nam đã bảo đảm cho các tôn giáo được bình đẳng với nhau về cơ hội khẳng định vai trò, vị trí của mình thông qua một số lĩnh vực thế mạnh của tôn giáo, như: từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội, giáo dục, y tế. Hiện các tổ chức tôn giáo có trên 500 cơ sở khám chữa bệnh, trên 800 cơ sở bảo trợ xã hội, 300 trường mầm non. Ngoài ra, cả nước có hơn 110 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc một số tổ chức tôn giáo đang chăm sóc, nuôi dưỡng 11.800 đối tượng bảo trợ xã hội. Bên cạnh đó, các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia phòng, chống thiên tai, dịch bệnh... Những đóng góp của các tổ chức tôn giáo đã được Đảng, Nhà nước ta ghi nhận và chủ trương tiếp tục phát huy nguồn lực của các tôn giáo vào sự phát triển của đất nước.
Với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với từng thời kỳ, từng giai đoạn cụ thể, nhất là từ khi đất nước ta bước vào giai đoạn đổi mới đã tạo ra những chuyển biến quan trọng trong đời sống tôn giáo theo hướng tích cực, tạo ra những diện mạo mới của đời sống tôn giáo ở Việt Nam; qua đó phản bác các luận điệu sai trái, thù địch về chính sách tôn giáo ở nước ta.
-------
Tài liệu tham khảo:
- Thông tin BCV (3/2023);
- T/c Tuyên giáo (7/2023);
- T/c Lý luận Chính trị (1-2024).