Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, tích cực phối hợp chiến trường chính góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
Cập nhật 06/05/2024

Chiến thắng Điện Biên Phủ 70 năm trước là kết tinh từ sự đoàn kết, nỗ lực, hy sinh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cả nước, trong đó Thừa Thiên Huế là địa phương có vai trò phối hợp để “chia lửa” với chiến trường chính, đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, tích cực đấu tranh để góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trước những khó khăn bị thu hẹp phạm vi chiếm đóng ở chiến trường chính, thực dân Pháp tăng cường củng cố và xây dựng lực lượng ở chiến trường địch hậu để làm nơi vơ vét sức người, sức của cung cấp cho chiến trường chính, đồng thời chia cắt lực lượng kháng chiến của ta. Chính vì vậy, mặc dù là chiến trường địch hậu, chiến trường phối hợp nhưng Bình - Trị - Thiên, đặc biệt là Thừa Thiên Huế vẫn là một chiến trường nóng bỏng. Chúng tăng cường càn quét, đốt nhà, bắt lính. Mục đích là đánh bật cơ sở và lực lượng vũ trang của ta ra khỏi địa bàn đứng chân của mình. Chúng tích cực phát huy sức mạnh cơ giới, phi pháo, hoạt động mạnh nống ra vùng căn cứ, vùng du kích sát địch, nhất là phía Bắc, tiếp tục bình định các vùng du kích mà địch chiếm ưu thế.

Đặc biệt, kể từ ngày 28/7/1953, Nava đã huy động một lực lượng lớn để mở trận càn mang tên Camargue, mục đích nhằm thu hẹp căn cứ kháng chiến của ta, tiến tới bình định vùng Phong - Quảng - Triệu - Hải (bắc Thừa Thiên Huế và nam Quảng Trị), tiêu diệt chủ lực và phá hoại kinh tế của ta, đồng thời qua đó bắt thêm thanh niên vào lính.

Ngày 19/10/1953, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị bất thường đề ra 2 nhiệm vụ trước mắt, đó là dùng mọi cách ngăn chặn nạn đói trong nhân dân, bao gồm cả vùng tạm chiếm; mặt khác phải lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống mọi âm mưu bắt người cướp của, ngăn ngừa địch gây rối loạn trong nhân dân.

Bước vào đầu năm 1954, với khí thế mới của cục diện chiến tranh trong cả nước, Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế triển khai mục tiêu đẩy mạnh tiến công tiêu hao, tiêu diệt, kìm chân địch, không cho chúng rảnh tay đối phó với các chiến trường chính. Đêm 07/2/1954 (mồng 5 Tết), hai trung đội bộ đội địa phương “đã chiếm đồn Niêm Phò (Quảng Điền) một cách dễ dàng không gặp sự kháng cự nào[1]. Báo Cứu quốc đã đưa tin “Phối hợp với chiến trường toàn quốc, quân ta thắng lớn ở Bình - Trị - Thiên”[2]Tiếp sau đó là những trận thắng của ta, nhiều đồn địch bị hạ: Đồn Văn Thánh (Huế) đêm 08/2/1954, đồn Sịa (Quảng Điền) đêm 01/3/1954, đồn Phú Bài (Hương Thủy) đêm 04/3/1954, đồn Kim Long (Huế) rạng sáng 10/3/1954, đồn An Hòa đêm 30/3/1954…

Trên mặt trận đánh phá giao thông cũng ghi nhận nhiều thành tích. Theo Báo Cứu quốc, từ ngày 19/12/1953 đến 20/3/1954, bộ đội địa phương và dân quân du kích Thừa Thiên Huế đã đánh đổ 15 chuyến tàu địch trên đường quốc lộ nên đã được Bộ Quốc phòng tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba[3]. Bài xã luận với nhan đề “Bộ đội địa phương và dân quân du kích Thừa Thiên được tặng thưởng, thi đua phối hợp với Điện Biên Phủ quyết tâm giành những phần thưởng mới”, Báo Cứu quốc đánh giá: “Trong hoàn cảnh gay go của một vùng tạm bị chiếm, ghi được những thành tích rực rỡ ấy là cả một công trình xây dựng đáng kể; biểu hiện một trình độ kỹ thuật cao. Quân dân Thừa Thiên càng phấn khởi trước vinh dự và những thành tích của mình có, càng nỗ lực phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ, tiến lên đoạt những chiến thắng to lớn hơn[4].

Do những thất bại nặng nề ở Thừa Thiên Huế và các chiến trường khác, địch càng ra sức thực hiện âm mưu bắt lính, bổ sung nhanh chóng khối ngụy quân để bù lại quân số bị tiêu diệt. Chúng tích cực tuyên truyền và dùng nhiều thủ đoạn để bắt bớ. Trong 3 tháng đầu năm 1954, trong toàn tỉnh, chúng bắt được 2.100 thanh niên.

Về phía ta, sau hội nghị thanh vận của tỉnh, được học tập phương châm và kinh nghiệm lãnh đạo đấu tranh chống bắt lính, phong trào này ngày càng trở nên quyết liệt. So với năm 1953, phong trào chống bắt lính đầu năm 1954 thu được kết quả khả quan hơn, đã kết hợp được hình thức đấu tranh võ trang với phong trào đấu tranh chính trị hợp pháp của quần chúng để bảo vệ thanh niên. Công tác ngụy vận cũng thu được nhiều kết quả. Từ ngày 19/12/1953 đến 10/3/1954, trong toàn tỉnh có 991 ngụy binh trở về với kháng chiến. Đồng thời, để ngăn chặn địch di chuyển quân, bộ đội địa phương và dân quân du kích đã liên tục chặn đánh trên những trục đường giao thông quan trọng. Ngày 05/3/1954, tại xã Hương Thái (Hương Trà), du kích địa phương phối hợp với đại đội 324 phá hoại cầu đường và cài mìn ở Văn Xá. Ngày 31/3/1954, du kích Hương Thủy tập kích địch đánh tan 1 đại đội, phá một đầu máy và 8 toa xe lửa. Bộ đội địa phương Phú Lộc tập kích địch ở Hói Mít, Hói Cạn, Hói Cam. Những thắng lợi đó đã góp phần ngăn chặn địch ra ứng cứu quân của chúng đang thất bại liên tiếp trên các chiến trường khác.

Bước sang xuân hè 1954, những thắng lợi liên tiếp trên các chiến trường trong cả nước đã cỗ vũ mạnh mẽ quân và dân tỉnh ta. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua kế hoạch nhiệm vụ hoạt động trong xuân hè 1954, quyết định phải “tranh thủ thời cơ thuận lợi đẩy mạnh đấu tranh chống địch về mọi mặt”[5]. Liên khu ủy cũng đã giao nhiệm vụ cho Đảng bộ Thừa Thiên Huế phải “tích cực củng cố và phát triển cơ sở đảng, khôi phục lại căn cứ ở 2 huyện Phong Điền và Quảng Điền, mở rộng khu du kích”[6].

Quán triệt chủ trương của Liên khu ủy, Tỉnh ủy và các đảng bộ ở Thừa Thiên Huế đã lãnh đạo quân và dân liên tục tấn công địch ở nhiều nơi, qua đó đã tạo điều kiện cho chúng ta xây dựng và phát triển lực lượng du kích, khôi phục căn cứ kháng chiến của 2 huyện Phong Điền và Quảng Điền. Ở phía Nam, bộ đội địa phương và dân quân du kích liên tục đánh địch trên các tuyến đường giao thông quốc lộ số 1 và đường sắt, gây cho địch nhiều thiệt hại.

Giữa lúc quân và dân Thừa Thiên Huế đang liên tục tấn công địch thì trên khắp các chiến trường Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ, Trung hạ Lào và Đông bắc Campuchia, quân viễn chinh Pháp cũng bị đánh tả tơi. Ở mặt trận Điện Biên Phủ, tập đoàn cứ điểm kiên cố bậc nhất Đông Dương của thực dân Pháp cũng đang rung chuyển trước bão táp tiến công của quân và dân ta.

Hòa cùng khí thế của các chiến trường trong cả nước, tiếng súng kháng chiến của Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế đã góp phần cùng với quân và dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, đẩy thực dân Pháp vào đường hầm không lối thoát. Thất bại ở Điện Biên Phủ và sự tiến triển của Hội nghị Giơnevơ khiến binh lính địch ở Thừa Thiên Huế hoang mang dao động. Mặc dù địch vẫn tìm cách bưng bít thông tin và cố gắng mở thêm một số trận càn nhưng cũng không thể xoay chuyển được tình thế. Đến ngày 01/8/1954, địch ngừng bắn ở Thừa Thiên Huế, Tỉnh ủy đã tổ chức mittinh trọng thể chào mừng thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Mặc dù là chiến trường địch hậu nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Đông - Xuân 1953 - 1954, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã tích cực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, kiên cường đấu tranh, tích cực phối hợp với chiến trường chính để làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng của Hồ Chủ tịch của Bộ Tư lệnh Liên khu 4 và Huân chương Quân công hạng Ba của Bộ Quốc phòng tặng cho quân và dân Thừa Thiên Huế[7] là những phần thưởng cao quý ghi nhận sự đóng góp tích cực của Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế để giành được những thắng lợi cuối cùng trước thực dân Pháp.

Đồng Thị Ly


[1] Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế: Kỷ yếu Hội thảo khoa học 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2014, NXB Đại học Huế, 2014, tr.158.

[2] Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế: Kỷ yếu Hội thảo khoa học 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2014, NXB Đại học Huế, 2014, tr.158.

[3] Báo Cứu quốc, ngày 14/4/1954.

[4] Báo Cứu quốc, ngày 14/4/1954.

[5]Ban Chấp hành Đảng bộ Thừa Thiên Huế: Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế, tập I, (1930 - 1954), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.347

[6] Ban Chấp hành Đảng bộ Thừa Thiên Huế: Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế, tập I, (1930 - 1954), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.347.

[7] Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế: Kỷ yếu Hội thảo khoa học 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2014, NXB Đại học Huế, 2014, tr.162.

 

Tin liên quan
Xem tin theo ngày