Đừng biến Thích Minh Tuệ thành người nổi tiếng bất đắc dĩ!
Cập nhật 30/05/2024

Không tu tại ngôi chùa nào, chọn lối đi riêng cho tu tập của mình, người đàn ông mang tên Thích Minh Tuệ bỗng nổi tiếng một cách bất đắc dĩ cả mấy tuần nay.

Người đàn ông 43 tuổi này có trích ngang hẳn hoi nhưng cứ hãy bằng lòng với cái tên Thích Minh Tuệ do ông ta tự lựa chọn bởi không có yếu tố quy pháp ngăn cản hay bác bỏ sự lựa chọn đó.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên ông Thích Minh Tuệ diễn dịch cái sự đi tu bằng hành động đi qua các địa phương cả nước trên đôi chân trần. Ông ta đã làm điều đó một số lần và hình ảnh một người đàn ông khắc khổ so với cái tuối mới ngoài 40 bộ hành qua các tỉnh trong hình dong, dáng vẻ một nhà tu hành không còn lạ gì với người dân một số địa phương.

Câu hỏi được đặt ra là bỗng nhiên trong lần hành hương khổ hạnh này, ông Thích Minh Tuệ lại được nhiều người dân tự cho là đệ tử của “sư thày” (mặc dù chính ông Thích Minh Tuệ hoàn toàn không thừa nhận danh xưng này) và đặc biệt là các mạng xã hội “chăm sóc” một cách kỹ lưỡng (thậm chí không bỏ qua cả những cảnh hết sức riêng tư của người này). Để đến độ, Thích Minh Tuệ trở thành một người nổi tiếng, mà lại nổi tiếng đầy bất đắc dĩ, ở thời điểm tháng tư âm lịch, một tháng thiêng liêng của Phật giáo với Lễ Phật đản.

Cùng đó, vô số người tự nhận mình là “sáng tạo nội dung số” tung lên mạng xã hội các clip để tạo dựng cho ông Thích Minh Tuệ mang dáng dấp của một truyền nhân tái thế, gán cho ông ta những danh xưng "bốc trời". Chẳng những vậy, không ít kẻ còn nhân trường hợp Thích Minh Tuệ để bỉ bôi những nhân vật Phật giáo khác, bỉ bôi cả hàng vạn người tu hành khác, vốn là những điều rất xa lạ trong tu giới, càng không đúng với tinh thần Phật giáo, xa hơn là xuyên tạc Phật giáo, xuyên tạc các chính sách tôn giáo của Việt Nam.

Thậm chí, một số trang mạng còn “đào sâu” hiện tượng Thích Minh Tuệ bằng những thông tin về cuộc sống tư của ông này, hay tự ý đăng tải các thông tin liên quan đến người thân của ông ta.

Phía sau những đoàn người rồng rắn đi theo ông Thích Minh Tuệ với những nghi thức xa lạ với Phật giáo Việt Nam cùng niềm tin rằng đang hành đạo trên thực tế không chỉ gây cản trở lưu thông bình thường, an ninh trật tự mà còn có một câu hỏi lớn, phải chăng các Youtuber, Tiktoker, Facebooker đang tiếp tay (một cách có chủ ý?) cho những toan tính biến cái bình thường thành bất thường, cái không có thành đang có liên quan đến các chính sách tôn giáo của Việt Nam, vốn được hàng triệu Phật tử thể hiện bằng tinh thần tôn nghiêm tại muôn mặt không gian tu hành.

Trong khi các nhóm người tự xưng là “đệ tử” của Thích Minh Tuệ tự cho phép mình có những phong cách hành đạo mang rõ màu sắc mê tín thì mạng xã hội đã không bỏ qua cơ hội này để khuấy lên điều được gọi là “hình ảnh mới của Phật giáo Việt Nam”.

Tất cả những điều này không chỉ vi phạm pháp luật, vi phạm các chính sách tôn giáo của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà càng lúc càng trở nên xa lạ với tinh thần Phật pháp, nhất lại là ở một khoảng thời gian rất thiêng liêng mang tính truyền thống của Phật giáo như tháng tư âm lịch.

Họ đâu có mang đúng tính thần Phật dạy hay những gì tôn quý, trang nghiêm từ trong thâm tâm có thể từng thấm nhuần Phật pháp một lúc nào đó mà biến mình thành những đệ tử của thói mê tín cùng việc vô hình trung tiếp tay cho các thế lực phản động, thông qua mạng xã hội để đả phá, dựng lên một hình ảnh méo mó về sinh hoạt Phật giáo tại Việt Nam cùng những toan tính hắc ám khác.

Không khó để nhận chân những toan tính đó. Là gì nếu không phải là chia rẽ giữa người theo đạo và người không theo đạo, chia rẽ các tôn giáo với nhau, gây mâu thuẫn bên trong từng tôn giáo nhằm làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đi cùng đó là cổ xúy, “anh hùng hóa”, “thổi bùng” các hiện tượng mạng xã hội theo hướng đối lập với những giá trị truyền thống, thậm chí là đối lập với pháp luật.

Những toan tính đó là không thể xem thường !

Về phía ông Thích Minh Tuệ sau khi trở thành một người nổi tiếng đầy bất đắc dĩ đã nhiều lần có những tâm sự, khuyên răn với đoàn người không ngớt đi theo. Nhưng có vẻ như mọi việc vẫn phức tạp hơn so với những gì ông này mong muốn.

Cần nhắc lại rằng, Việt Nam là nước có mức độ đa dạng tôn giáo rất cao. Nước ta có 26,5 triệu tín đồ tôn giáo, các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật và người dân được tự do lựa chọn tôn giáo, lựa chọn tín ngưỡng hoặc không tín ngưỡng.

Cũng cần khẳng định, luật pháp Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đều bảo vệ quyền tự do tôn giáo nhưng cũng nghiêm khắc xử lý các hành vi lợi dụng tôn giáo. Chính vì vậy, bất kỳ hành động lợi dụng tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để kích động chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo, gieo rắc mê tín dị đoan... cần phải chỉnh đốn và chịu sự phán xét của pháp luật.

TH-Ảnh: Báo Công Thương

Tin liên quan
Xem tin theo ngày