Theo đó, an ninh quốc gia bao gồm an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh quân sự, an ninh đối ngoại, an ninh tư tưởng - văn hóa, an ninh xã hội, an ninh thông tin, an ninh tài chính - tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh dân số, an ninh môi trường… Trong đó, an ninh kinh tế là nền tảng (trung tâm), an ninh chính trị là cốt lõi, xuyên suốt và cùng với an ninh tư tưởng - văn hóa, an ninh quân sự trở thành 4 trụ cột của chiến lược an ninh quốc gia trong thế kỷ 21.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (4.0) đã tác động sâu sắc đến tư duy về sức mạnh, nguồn lực đảm bảo an ninh quốc gia, nhất là sức mạnh tổng hợp quốc gia, gồm 9 yếu tố cấu thành: Vị trí địa lý; nguồn tài nguyên thiên nhiên; khả năng sản xuất công nghiệp; dân số; lực lượng vũ trang; chí khí dân tộc; khả năng ngoại giao; năng lực và hiệu quả quản lý, điều hành của chính phủ. Vì thế, chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia phải được xem như một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển quốc gia. Và tư duy về bảo vệ an ninh quốc gia không chỉ giới hạn trong phạm vi biên giới hành chính quốc gia, mà cần được mở rộng nhằm bảo vệ lợi ích của Việt Nam ở nước ngoài và sự phát triển của đất nước trong tương lai. Phải chuyển từ tư duy thụ động, bó hẹp, khép kín, biệt lập sang tư duy chủ động, hợp tác và phát triển.
Bảo vệ an ninh quốc gia là tổng thể các hoạt động đối nội, đối ngoại của hệ thống chính trị và của cả dân tộc để tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm ngăn chặn, loại trừ các nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia. Nói cách khác, bảo vệ an ninh quốc gia chính là việc sử dụng mọi lực lượng, bằng mọi hình thức, mọi biện pháp, để xây dựng, củng cố tiềm lực an ninh quốc gia và thường xuyên phát hiện, hạn chế, loại bỏ những nhân tố đe dọa nhằm giữ vững an ninh quốc gia. Từ khái niệm trên, rút ra 6 đặc điểm nổi bật của công tác bảo vệ an ninh quốc gia là:
(1) Bảo vệ an ninh quốc gia là bảo vệ những lợi ích cực kỳ quan trọng của quốc gia, của dân tộc; những lợi ích này quan hệ trực tiếp đến vận mệnh của đất nước, đến bản chất và sự tồn tại của chế độ chính trị; là điều kiện trước hết và có ý nghĩa quyết định để xây dựng và phát triển đất nước về mọi mặt; vì vậy, bảo vệ an ninh quốc gia mang “tính phòng ngừa” rất cao.
(2) Quá trình ngăn chặn, loại trừ các nguy cơ đe dọa để bảo vệ an ninh quốc gia, thể hiện tập trung tính chất gay go, quyết liệt, phức tạp và lâu dài của đấu tranh giai cấp, đấu tranh vì lợi ích dân tộc. Bảo vệ an ninh quốc gia thể hiện “tính chiến đấu” thường xuyên, liên tục trong mọi hoàn cảnh (thời chiến và thời bình) nhằm chống lại những âm mưu, họat động phá hoại của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta.
(3) Các hoạt động của quá trình bảo vệ an ninh quốc gia thường không có giới hạn “phạm vi không gian” cố định, mà nó diễn ra trên các lĩnh vực của đời sống xã hội (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, đối ngoại…), diễn ra trong từng tổ chức, từng địa phương, trong cả nước và có khi ở cả phạm vi quốc tế.
(4) Thực chất là cuộc đấu tranh cùng lúc với nhiều kẻ thù, nhiều loại đối tượng khác nhau ở cả trong nước và ngoài nước; các loại kẻ thù này hoạt động vừa bí mật vừa công khai trắng trợn, bằng nhiều thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt để thực hiện ý đồ phá hoại và che đậy bản chất. Vì vậy, để vạch trần bản chất và chiến thắng chúng phải bằng nhiều hình thức, nhiều biện pháp cần thiết và sức mạnh to lớn.
(5) Bảo vệ an ninh quốc gia chịu sự tác động, chi phối trực tiếp của diễn biến tình hình quốc tế, tác động của nhiều yếu tố về kinh tế, xã hội, trong đó có nhiều diễn biến khó lường; vì vậy, phải luôn chủ động nắm chắc tình hình, dự báo những tình huống phức tạp nhất có thể xảy ra để chủ động đối phó.
(6)Trong thế giới toàn cầu hóa, bảo vệ an ninh quốc gia đã và đang có xu hướng mở rộng cả trong không gian thuộc quyền quản lý của quốc gia, không gian mạng. Bảo vệ an ninh quốc gia không chỉ giới hạn trong phạm vi biên giới hành chính quốc gia mà còn được mở rộng trong không gian chiến lược nhằm bảo vệ lợi ích của của đất nước./.
TH