ĐẤU TRANH VỚI NHỮNG LUẬN ĐIỆU CHIA RẼ CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI
Cập nhật 10/06/2024

Trong thời gian vừa qua các thế lực thù địch thường xuyên đưa ra những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với người Việt Nam ở nước ngoài; kích động chống phá, gây chia rẽ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với Tổ quốc.

Như chúng ta đã biết với truyền thống yêu nước, hướng về Tổ quốc, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn là một nguồn lực quan trọng, có nhiều đóng góp cho tiến trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong suốt chiều dài lịch sử. Hiện nay, với khoảng 6 triệu người sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 80% ở các nước phát triển, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh, khẳng định được vai trò, vị thế, uy tín; không những đóng góp tích cực vào phát triển của nước sở tại mà còn góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Chúng ta cần khẳng định chủ trương quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong việc gắn kết người Việt Nam ở nước ngoài với Tổ quốc khẳng định qua các chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, xác định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời và là nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam, luôn là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Gần 40 năm đổi mới đất nước, các chủ trương và chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài của Đảng, Nhà nước luôn được bổ sung và hoàn thiện sát thực tiễn phát triển của đất nước, khu vực và quốc tế. Một trong những dấu mốc quan trọng đó là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 29/11/1993 của Bộ Chính trị về chính sách và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; sau đó là các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Để thực hiện thắng lợi khát vọng và tầm nhìn phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, ngày 12/8/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới (Kết luận 12). Kết luận 12 là sự kế thừa, tiếp nối của Nghị quyết 36 (2004) và Chỉ thị 45 (2015) về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài với tinh thần chủ đạo là hòa hợp dân tộc, chăm lo cho kiều bào và huy động nguồn lực kiều bào cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Những thành tựu to lớn của đất nước sau giai đoạn đổi mới cùng với vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới đã khích lệ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tự hào, tự tôn dân tộc, hướng về với cội nguồn và tham gia đóng góp có hiệu quả vào thành tựu chung của đất nước. Một bộ phận không nhỏ doanh nhân, trí thức người Việt Nam có trình độ cao ở nước ngoài, luôn tích cực tham gia hiến kế cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều vấn đề quan trọng như nhân lực chất lượng cao, tài chính, thương mại, đầu tư, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phòng chống dịch bệnh, các mô hình phát triển kinh tế… Hiện đã có 385 dự án của người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD và có vốn góp vào hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam, góp phần tạo việc làm, chuyển giao công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội. Lượng kiều hối chuyển về nước ta trong những năm qua ngày càng tăng mạnh, không chỉ giúp các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ mà còn phục vụ chính sách thu hút nguồn ngoại tệ cho Việt Nam, bổ sung dự trữ ngoại hối. Cùng với đó, nguồn lực từ kiều hối góp phần giúp các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo động lực tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, theo số liệu báo cáo của các đơn vị làm dịch vụ chuyển tiền kiều hối, năm 2023, lượng kiều hối chuyển về nước ta đạt 16 tỷ USD, tăng 32,5% so với năm 2022.

Thực tế cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, cùng với vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, vai trò, vị thế, uy tín của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong xã hội sở tại ngày càng được nâng cao.

Đại bộ phận người dân đã có địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, hội nhập sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, dần dần tạo chỗ đứng vững chắc và có tiềm lực đáng kể về tri thức, trình độ khoa học, kỹ thuật. Không chỉ đóng góp bằng những nguồn lực đầu tư và chất xám, người Việt Nam ở nước ngoài còn tích cực bảo tồn, lan tỏa và trao truyền văn hóa Việt. Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tiếng Việt là phương tiện lưu giữ, lan tỏa, trao truyền văn hóa, giúp đồng bào ta ở nước ngoài bảo tồn được bản sắc văn hóa riêng, là cầu nối quan trọng giữa Việt Nam với thế giới, lan tỏa những giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự tin tưởng, đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là minh chứng thực tiễn góp phần xóa bỏ những mối nghi hoặc, những luận điệu xuyên tạc, chia rẽ trong cộng đồng và giữa kiều bào với đất nước.

T.H

Tin liên quan
Xem tin theo ngày