Chống chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Cập nhật 23/06/2024

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và đưa ra nhiều chỉ dẫn về chống chủ nghĩa cá nhân. Người cho rằng: "Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. "Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy". Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô, v.v...". Trong tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân", Người chỉ ra: "Do chủ nghĩa cá nhân mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh, trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền...". Theo Người, chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù của cách mạng, nó là nguồn gốc của những "căn bệnh" nguy hiểm, làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm tha hóa Đảng. Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là "địch nội xâm", "Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra". Đây là sự nguy hiểm tiềm tàng làm cho Đảng mất dần tính cách mạng, tính trí tuệ, tính đạo đức, tính nhân dân, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng. Người cho rằng, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt, lâu dài và gian khổ; là việc làm cần thiết, thường xuyên, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, góp phần làm cho Đảng ta thật sự "là đạo đức, là văn minh".

Người nêu lên hình ảnh: "Tư tưởng cộng sản và tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ" và chỉ rõ, chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian xảo, xảo quyệt, khéo dỗ dành ta đi xuống dốc, vì thế càng nguy hiểm, chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân nó sẽ "ngăn trở" người cán bộ, đảng viên phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc, làm mất lòng tin cậy của dân đối với Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân". Do chủ nghĩa cá nhân mà phạm phải nhiều sai lầm, làm mất nhân cách con người, uy tín của cán bộ, đảng viên, gây mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của đất nước, của nhân dân. Người kết luận: "Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó".

Người đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng vì liên quan trực tiếp đến vận mệnh của Đảng, quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng ở nước ta. Cần có nhận thức đúng về những tác hại của chủ nghĩa cá nhân; hiểu rõ nguồn gốc, bản chất, đặc điểm, tác hại và những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng... đó là điều kiện cần thiết để nêu cao tinh thần tự giác, ý thức tổ chức kỷ luật, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, quyết tâm chống chủ nghĩa cá nhân.

Học tập và làm theo Bác, chống chủ nghĩa cá nhân, mọi người phải tự cảnh giác với chính mình, thường xuyên rèn luyện và giữ vững, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, vượt qua được những tiêu cực, cám dỗ của những lợi ích vật chất, những tác động của mặt trái của cơ chế thị trường, cảnh giác trước âm mưu, chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Chống chủ nghĩa cá nhân trước hết phải chống từ trong Đảng và trong bộ máy quản lý nhà nước. Các cấp ủy đảng, tổ chức đảng, trước hết là chi bộ cần coi trọng khâu giáo dục nhận thức, quản lý, rèn luyện, giáo dục cán bộ, đảng viên. Bản lĩnh chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên không phải tự nhiên mà có, mà phải qua quá trình giáo dục, bồi dưỡng, học tập và rèn luyện thường xuyên, kiên trì, bền bỉ trong thực tiễn phong trào cách mạng. Nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, bắt đầu từ sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu; phải nói đi đôi với làm, làm đi đôi với nói, đã nói là làm, tạo uy tín tốt trong nhân dân, làm gương để nhân dân noi theo như lời dạy của Người: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền"; tiền phong, gương mẫu, có trách nhiệm và chịu trách nhiệm cao nhất trong công việc và trong cuộc sống. Thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương".

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái trong đội ngũ cán bộ theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Chấp hành tốt Quy định 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Khắc phục tình trạng "Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật" (Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương).

Nêu cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, chống chủ nghĩa cá nhân, phải đặt trong mối quan hệ với cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các cấp ủy đảng và mỗi đảng viên trong cần thấm nhuần sâu sắc hơn tư tưởng của Người về đạo đức cách mạng, có thái độ quyết tâm hơn trong đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

LT

Tin liên quan
Xem tin theo ngày