Trải qua 99 năm hình thành và phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam đã thông tin kịp thời, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh sinh động đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của đất nước và tình hình quốc tế. Qua đó, cổ vũ niềm tin sâu sắc của nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, trong những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các thế lực phản động, thù địch triệt để sử dụng nhiều kênh thông tin, nhất là mạng xã hội tạo lập diễn đàn, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền nhằm xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước. Sự chống phá tinh vi, nham hiểm đó đã đặt ra thách thức rất lớn cho báo chí cách mạng Việt Nam trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, các cơ quan báo chí đã rất tích cực trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; định hướng dư luận xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần nâng cao nhận thức, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong xã hội. Với sự quan tâm, đầu tư bài bản, những tác phẩm báo chí được đăng tải, phát sóng kịp thời đã sắc bén vạch rõ và phản bác các quan điểm cơ hội, sai trái, thù địch, phản động nhằm bịa đặt, vu khống, gây chia rẽ nội bộ trong Đảng và xã hội.
Sau khi Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” được ban hành và tổ chức thực hiện, công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong các cơ quan báo chí đã được triển khai ngày càng bài bản và đi vào chiều sâu. Nhiều cơ quan báo chí đã phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích bằng cách xây dựng, hình thành những chuyên trang, chuyên mục, chương trình, tuyến bài về xây dựng Đảng để các nhà báo, cộng tác viên và quần chúng nhân dân tích cực tham gia viết bài, tạo ra đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức với công tác xây dựng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Với tinh thần tràn đầy nhiệt huyết cách mạng, nhiều nhà báo đã dũng cảm vượt qua nguy hiểm để thâm nhập thực tế, đưa lên mặt báo những tác phẩm nóng bỏng tính thời sự và tính chiến đấu về cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Với những đóng góp đó, báo chí ngày càng được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy. Đã có nhiều sự kiện được tổ chức nhằm tôn vinh đội ngũ người làm báo, như: Giải báo chí toàn quốc, Giải Búa liềm vàng…Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam hàng năm (21/6), các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm ghi nhận, tôn vinh đóng góp của đội ngũ người làm báo.
Hiện nay, bối cảnh trong nước và quốc tế đang tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực báo chí. Bên cạnh xu hướng hội nhập, cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm; những trào lưu tư tưởng đua nhau trỗi dậy và cạnh tranh khốc liệt. Những vấn đề an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, tấn công mạng ngày càng trở nên khó lường, sự chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động ngày càng tinh vi hơn. Xác định đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là cuộc chiến đấu lâu dài, khó khăn, phức tạp, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí nước ta hiện nay là chủ động tiến công, kiên quyết và thường xuyên “đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị”, làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, góp phần tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4 (khóa XIII) tiếp tục định hướng:“Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các cơ quan báo chí và nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nâng cao chất lượng công tác dư luận xã hội và đánh giá sự hài lòng của người dân; chủ động dự báo tình hình, kịp thời xử lý thông tin, định hướng dư luận xã hội. Tiếp tục thực hiện đồng bộ quy hoạch phát triển, quản lý báo chí, xuất bản; tăng cường định hướng và đề cao sứ mệnh, trách nhiệm, nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí, quản lý chặt chẽ các trang tin điện tử, nhất là mạng xã hội...”.
Để thực hiện tốt chủ trương trên, hoàn thành sứ mệnh mà Đảng, nhân dân giao phó, ngoài các giải pháp về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí, thiết nghĩ, phải tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của mỗi nhà báo. Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan báo chí cần quán triệt sâu rộng mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này. Từ đó, tập trung nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nhất là trình độ lý luận và phương pháp đấu tranh; ngăn chặn và đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ nhà báo. Có như vậy, báo chí mới tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng gần một thế kỷ, đi trước, mở đường định hướng nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, cùng với hệ thống chính trị và toàn xã hội bảo vệ Đảng, xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Hà Tiên